Vui buồn nghề nặn tượng ông Công, ông Táo mùa tết

Sự kiện: Vui xuân Quý Mão

Từ làng Địa Linh, tượng ông Công, ông Táo đến với căn bếp của hàng vạn gia đình Việt.

Theo quan niệm của người dân, cứ vào dịp 23 tháng Chạp hằng năm, nhiều người dân đều cúng tiễn Táo Quân về trời. Cùng với đó, tượng ông Táo được thay mới để cầu một năm may mắn và đầy đủ.

“Một nghề cho chín”…

Nói về nghề thủ công làm tượng ông Công, ông Táo ở đất cố đô Huế thì không ai không biết đến làng Địa Linh (phường Hương Vinh, TP Huế). Trải qua hàng trăm năm cha truyền con nối, nghề làm tượng bằng đất sét đã biến những người dân ở đây thành những người thợ lành nghề, mỗi người có thể làm được tất cả công đoạn một cách tỉ mỉ từ khâu làm khuôn, chọn đất cho đến đưa ra thị trường.

Ông Nhật đang nung tượng ông Công, ông Táo.  Ảnh: N.DO

Ông Nhật đang nung tượng ông Công, ông Táo.  Ảnh: N.DO

Giá thành quá rẻ so với công sức nặn tượng

Nghề đúc tượng ông Công, công Táo bằng đất sét ở xứ Huế đã ra đời và tồn tại hàng trăm năm nay. Tuy nhiên, thời gian qua giá thành tượng ông Công, ông Táo rẻ so với công sức bỏ ra nên người dân không còn mặn mà với nghề này. 

Ông Võ Văn Nhật (64 tuổi, phường Hương Vinh) vốn là một người lành nghề. Thời điểm thị trường tiêu thụ tượng ông Công, ông Táo lớn, ông Nhật làm không biết mệt mỏi, mỗi ngày có thể nặn ra 300 tượng. Giả sử nếu mỗi ngày ông Nhật làm 8 tiếng liên tục không nghỉ tay thì trung bình chỉ 1,6 phút sẽ có một tượng ông Công, ông Táo ra đời.

“Tôi đã tiếp xúc với công việc này từ ngày bé, cuộc sống của tôi gắn liền với đất sét được lấy sau cánh đồng làng. Tôi theo nghề này vừa để kiếm kế sinh nhai, vừa giữ nghề truyền thống của ông cha” - ông Nhật nói.

Để làm ra tượng ông Táo đẹp và bền, quan trọng và cũng vất vả nhất chính là khâu làm đất sét và đúc. Người thợ phải chọn loại đất sét vàng, ít tạp chất và khuôn đúc phải luôn được thay mới hai hoặc ba năm/lần để tượng ra được sắc cạnh.

“Thời tiết năm nay mưa nhiều khiến việc phơi ông Táo trước khi nung gặp khó khăn. Người dân ở đây đã tận dụng sức nóng từ lò nung để xếp tượng chung quanh sấy khô. Những ngày nắng hiếm hoi thì tranh thủ mang tượng ông Táo ra phơi” - ông Nhật nói.

Sau các công đoạn, họ sẽ dùng màu sắc, kim tuyến trang trí lên những ông Công, ông Táo rồi đưa ra thị trường tiêu thụ. “Ở đâu cũng đặt mua, từ Quảng Trị, Quảng Bình và nhiều tỉnh, thành ở miền Nam nữa, mỗi năm tất cả hộ dân ở đây cho ra khoảng 50.000-70.000 tượng ông Công, ông Táo” - ông Nhật hào hứng kể. Khi được hỏi về thu nhập thì bàn tay nhanh thoăn thoắt đang làm việc bỗng dừng lại, không khí chùn xuống, ông Nhật chép miệng kể tiếp với giọng thấp trầm của người đàn ông đã qua tuổi 60.

Những bức tượng ông Công, ông Táo khi hoàn thiện chuẩn bị đưa ra thị trường. Ảnh: N.DO

Những bức tượng ông Công, ông Táo khi hoàn thiện chuẩn bị đưa ra thị trường. Ảnh: N.DO

…nhưng phải làm thêm “chín nghề”

Câu “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” được hiểu nôm na là khi nào bạn có một nghề đạt đến trình độ thuần thục, giỏi giang, tâm huyết gắn bó với nghề thì bạn sẽ được thành công. Câu này dường như không đúng với nghề làm tượng ông Công, ông Táo trong thời gian này. Hiện nay, những người thợ lành nghề và đầy nhiệt huyết này luôn chật vật với cuộc sống mưu sinh vì làm một nghề không đủ ăn.

Ông Nhật cho biết nghề này bắt đầu làm từ giữa năm cho đến gần tết Nguyên đán, giá cả bán ra thị trường chỉ từ 500 đồng đến chưa đầy 2.000 đồng mỗi tượng. Làm việc suốt nửa năm nhưng gần như người thợ chỉ đủ tiền phục vụ cho mấy ngày tết của gia đình, còn lại họ phải vất vả làm đủ nghề mưu sinh.

“Nhiều người dân trong làng ngoài làm tượng ông Công, ông Táo thì còn làm thêm nghề phụ hồ, xây dựng, việc ruộng nương... để phục vụ cho nhiều chi phí trong cuộc sống, đến thời điểm gần tết khi có nhiều nơi đặt hàng thì họ bắt đầu nghỉ những công việc đó, tập trung làm tượng” - ông Nhật nói.

Đang ngồi tô điểm lên những bức tượng để chuẩn bị đóng gói đưa ra thị trường, chị Nguyễn Thị Thùy Linh cho biết: “Nghề làm ông Táo thu nhập không nhiều, đủ sống qua ngày. Làm cả ngày chỉ được khoảng 100.000 đồng nên nhiều người cũng bỏ nghề hoặc làm cầm chừng, họ không còn mặn mà nữa”.

Các cụ cao niên kể nghề làm tượng ông Táo ở Thừa Thiên-Huế ra đời sớm nhất tại làng nghề nổi tiếng gồm làng Địa Linh và làng Sình, huyện Phú Vang. Về sau, làng Địa Linh làm ông Táo, làng Sình chỉ làm áo ông Táo. Thời trước, ở ngôi làng này, hầu như nhà nào cũng làm tượng ông Táo nhưng công việc vất vả phải thức khuya dậy sớm, trong khi thu nhập lại thấp nên hiện nay cả làng chỉ còn bốn hộ theo nghề này.

Người thợ gặp nhiều khó khăn dù nghề chưa bị thất truyền

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đại Vinh, bên cạnh việc xem trọng bàn thờ của tổ tiên và cửa ngõ, trong phong tục lâu đời của người dân xứ Huế, giá trị phong thủy của bếp núc rất quan trọng. Các yếu tố tổng hợp sẽ cấu thành sự hưng thịnh, may mắn cho các gia đình. Do đó, ông Táo thờ hết năm phải mua ông mới nên nghề nặn tượng ông Táo chưa bị thất truyền. Tuy nhiên, để gắn bó với nghề, người thợ sẽ gặp nhiều khó khăn. 

Nguồn: [Link nguồn]

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Do ([Tên nguồn])
Vui xuân Quý Mão Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN