Vụ xe bến Mỹ Đình bỏ khách: Nhà xe muốn đối thoại với Chủ tịch HN

Sự kiện: Thời sự

Liên quan tới sự việc hàng loạt nhà xe tập trung phản đối, từ chối phục vụ khách ở bến Mỹ Đình một ngày trước, Sở GTVT tổ chức buổi đối thoại với doanh nghiệp.

Vụ xe bến Mỹ Đình bỏ khách: Nhà xe muốn đối thoại với Chủ tịch HN - 1

 Chiều 31/12, Sở GTVT Hà Nội có buổi đối thoại với doanh nghiệp vận tải liên quan đến việc điều chuyển luồng tuyến

Tham dự buổi đối thoại chiều 31/12, có lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, cùng 25 doanh nghiệp vận tải có tuyến xe khách chạy tuyến Hà Nội.

Doanh nghiệp sẽ phá sản vì thay đổi luồng tuyến

Ông Trần Hữu Quảng, đại diện nhà Hà Sơn Hải (chạy tuyến Thanh Hoá - Mỹ Đình) cho rằng nguyên nhân ùn tắc giao thông ở Thủ đô không phải chỉ do xe khách mà do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Thời điểm bến Mỹ Đình mới hoạt động, Sở GTVT Hà Nội và Sở GTVT Thanh Hoá vận động doanh nghiệp về hoạt động ở bến Mỹ Đình. Doanh nghiệp mất nhiều năm xây dựng thương hiệu thì nay lại bị điều chuyển sang bến Nước Ngầm.

“Như vậy, việc điều chuyển này sẽ dẫn đến nguy cơ phá sản cho hàng trăm doanh nghiệp. Vì vậy, chúng tôi tha thiết được đối thoại với Chủ tịch TP Hà Nội để lắng nghe, giải đáp những thắc mắc của doanh nghiệp vận tải", đại diện Công ty vận tải Hà Sơn Hải nói.

Ông Quảng cho biết thêm, tuyến Mỹ Đình - Thanh Hoá có 62 nốt/ngày hoạt động theo quy định của pháp luật.

Vụ xe bến Mỹ Đình bỏ khách: Nhà xe muốn đối thoại với Chủ tịch HN - 2

 Ông Trần Hữu Quảng, đại diện nhà xe chạy tuyến Thanh Hóa- Mỹ Đình (Hà Nội).

“Trong khi đó hiện nay cũng tuyến này có 130 chiếc xe dù, xe cóc đang chạy xuyên tâm Hà Nội. Như vậy, các xe dù này cũng là nguyên nhân gây ùn tắc. Vậy tại sao Hà Nội lại không xử lý”, ông Quảng nêu.

Phát biểu trong cuộc họp, bà Nguyễn Thị Nga, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải tỉnh Ninh Bình đề xuất được đối thoại với Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung thay vì đến họp chỉ nhận thông báo của Sở GTVT Hà Nội về kế hoạch điều chuyển 425 nốt xe từ Mỹ Đình sang bến Nước Ngầm.

Bà Nga cho rằng việc điều chỉnh luồng tuyến khiến 50 nốt xe tuyến Mỹ Đình - Ninh Bình có nguy cơ phá sản. Bởi hành khách có nhu cầu đi lại khu vực ở Cầu Giấy, Từ Liêm nhưng chỉ được phục vụ tới Nước Ngầm và họ phải bỏ tiền thêm đi xe khác.

“Trong khi hiện nay tình trạng xe dù bến cóc ngang nhiên hoạt động, nấp ở các điểm để đón và trả khách tới bất cứ đâu. Và đương nhiên hành khách sẽ chọn xe dù đi vì chỉ mất một tiền mua vé 1 lần, không phải đón xe buýt, xe ôm nữa thay vì đi xe khách có nốt cố định", bà Nga bức xúc nói.

Xe buýt sẽ chở miễn phí hành khách đến hết ngày 2/1

Phát biểu tại buổi đối thoại, ông Vũ Văn Viện- Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho hay, trong thời gian nhà xe từ chối không phục vụ hành khách tại bến Mỹ Đình, Tổng công ty vận tải Hà Nội sẽ miễn phí xe buýt từ Mỹ Đình đi bến xe Nước Ngầm, Giáp Bát phục vụ nhân dân đi lại.

Buýt miễn phí sẽ thực hiện chạy cho đến hết ngày 2/1. Sau ngày 2/1, sở sẽ họp và đưa ra phương án cụ thể. Riêng ngày 30/12, đơn vị vận tải đã phục vụ 54 lượt buýt miễn phí từ bến Mỹ Đình ra các bến xe phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân.

Nhiều doanh nghiệp phản ánh, việc điều chuyển luồng tuyến trước thời điểm tết Nguyên đán Đinh Dậu là quá gấp gáp, gây khó khăn cho doanh nghiệp vận tải.

Vụ xe bến Mỹ Đình bỏ khách: Nhà xe muốn đối thoại với Chủ tịch HN - 3

 Sáng 31/12, các nhà xe chạy tuyến Mỹ Đình – Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Thái Bình, vẫn từ chối phục vụ hành khách.

Liên quan đến nội dung này, ông Viện nói: “Việc điều chuyển luồng tuyến trước thời điểm tết là theo chỉ đạo của Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia. Thêm nữa, trước thời điểm điểm tết, lượng phương tiện đổ về Thủ đô đông, đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc nên việc điều chuyển luồng tuyến ở thời điểm này là cần thiết”.

Ông Viện cho biết thêm, quyết định 2288 của Bộ GTVT 2015 về phân luồng tuyến có nêu rõ sẽ điều chỉnh quy hoạch vào 2 thời điểm là 31/6 và 31/12 hàng năm để phù hợp với tình hình thực tế.

Sau đó, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã cùng Tổng cục được bộ, Vụ vận tải thành lập một tổ công tác để rà soát lại tất cả 4.700 tuyến vận tải hành khách đi 42 tỉnh thành phố và đến 5 bến xe chính ở Hà Nội.

“Khi rà soát thấy trong tổng số hơn 1.600 doanh nghiệp chúng tôi thấy bất cập và cần phải điều chỉnh một số doanh nghiệp. Chúng tôi đã đưa ra nguyên tắc điều chỉnh một cách công khai minh bạch, hoàn toàn không có lợi ích nhóm hay trên cơ sở là ưu tiên doanh nghiệp này, không ưu tiên doanh nghiệp khác”, ông Viện khẳng định.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Đức ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN