Vụ Việt Á: Những góc khuất đằng sau việc tiêu thụ test xét nghiệm

Khi móc ngoặc tiêu thụ test xét nghiệm tại các địa phương, ông chủ Việt Á đã mạnh tay chi tiền cho một số quan chức…

Ngày 4-1, phiên tòa xét xử hai cựu bộ trưởng cùng 36 bị cáo trong vụ Việt Á tiếp tục với phần xét hỏi.

Cựu giám đốc CDC Hải Dương thừa nhận “có nhận lợi ích”

Trong vụ án này, cựu giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến bị truy tố tội nhận hối lộ, số tiền là 27 tỉ đồng; trong đó ông Tuyến sử dụng cá nhân hơn 16 tỉ đồng.

Tại phiên tòa, ông Tuyến khai khi dịch COVID-19 bùng phát ở Hải Dương, Bộ Y tế có cử bốn đơn vị hỗ trợ chống dịch nhưng không đáp ứng được yêu cầu cấp bách do tốn thời gian thu mẫu, vận chuyển mẫu về Hà Nội rồi chuyển trả số liệu về địa phương. Việc chống dịch đòi hỏi phải có đơn vị làm tại chỗ để đáp ứng yêu cầu phong tỏa.

Ông Tuyến khai nhận Hải Dương có sử dụng kit xét nghiệm của Công ty Việt Á. Việc ứng trước rồi hợp thức thanh toán sau là chưa phù hợp nhưng với điều kiện chống dịch lúc đó nên phải làm thế. Sau khi ứng trước thì thanh toán bằng hình thức chỉ định thầu rút gọn.

Tổng cộng CDC Hải Dương đã ký với Công ty Việt Á bốn hợp đồng, tổng số tiền là 147 tỉ đồng, thanh toán bằng hình thức chuyển khoản.

Cựu giám đốc CDC Hải Dương khẳng định không bàn bạc, thỏa thuận với Việt Á nhưng thừa nhận “có nhận lợi ích”, do Việt Á đề nghị trích lại phần trăm hỗ trợ, chia sẻ cho CDC Hải Dương và các cá nhân có đóng góp trong phòng, chống dịch.

Ông Tuyến khai đã ba lần nhận tiền, với tổng số tiền là 27 tỉ đồng. Tuyến đã đưa tiền cho bị cáo Phạm Mạnh Cường, giám đốc Sở Y tế Hải Dương, 7 tỉ đồng; hai lần đưa tiền cho bị cáo Phạm Xuân Thăng (cựu bí thư Tỉnh ủy Hải Dương), một lần đưa 300 triệu đồng và một lần đưa 50.000 USD và một số cá nhân khác ở CDC Hải Dương…

Cựu giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến. Ảnh: PHI HÙNG

Cựu giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến. Ảnh: PHI HÙNG

Việt Á trích hoa hồng lên đến 40%

Không chỉ ở CDC Hải Dương, tại các CDC Bắc Giang, Nghệ An, Bình Dương đều có việc ứng trước test xét nghiệm rồi thanh toán bằng cách hợp thức hồ sơ chỉ định thầu. Sau khi được thanh toán, Việt Á sẽ tính toán chi tiền phần trăm cho các CDC.

Ông chủ Việt Á Phan Quốc Việt được dẫn giải tới toà. Ảnh: PHI HÙNG

Ông chủ Việt Á Phan Quốc Việt được dẫn giải tới toà. Ảnh: PHI HÙNG

Tại CDC Nghệ An, bị cáo Nguyễn Văn Định (cựu giám đốc) và Nguyễn Thị Hồng Thắm (cựu kế toán trưởng) thực hiện hành vi sai phạm, giúp Công ty Việt Á bán test xét nghiệm và được thanh toán, giúp Công ty Việt Á trúng thầu và ký hợp đồng, thanh quyết toán, gây thiệt hại ngân sách nhà nước 16,5 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Văn Định còn được hưởng lợi bất chính 185 triệu đồng, Nguyễn Thị Hồng Thắm được hưởng lợi bất chính 95 triệu đồng do Công ty Việt Á chi tiền phần trăm ngoài hợp đồng.

Tại CDC Bắc Giang, Công ty Việt Á bán test xét nghiệm thông qua trung gian là Công ty Phan Anh. Hai bên thỏa thuận tỉ lệ hoa hồng là 40%. Cựu giám đốc Lâm Văn Tuấn đã nhận hai sổ tiết kiệm là “phần quà” Việt Á gửi.

Tại CDC Bình Dương, Việt Á duyệt chi 20% hoa hồng. Trong đó, bị cáo Tiêu Quốc Cường, cựu kế toán trưởng Sở Y tế tỉnh Bình Dương, đã nhận hơn 1,2 tỉ đồng; Lê Thị Hồng Xuyên, nhân viên xét nghiệm CDC Bình Dương, nhận hơn 1 tỉ đồng.

Về việc chi tiền cho các đơn vị, bị cáo Vũ Đình Hiệp, phó tổng giám đốc Công ty Việt Á, khai Công ty Việt Á sẽ tính lại một phần “chia sẻ lợi ích” với các đơn vị hợp tác, sau đó thông báo lại cho bộ phận kế toán để lập bảng kê.

Sau khi Phan Quốc Việt đồng ý, tiền sẽ được chuyển cho ông Hiệp, rồi ông Hiệp cầm đi cảm ơn. Hiệp thường cầm sẵn theo người 200.000-300.000 USD để khi nào nhận được chỉ đạo của Phan Quốc Việt sẽ đi gặp đúng người để chi…

Phó giám đốc Việt Á Vũ Đình Hiệp. Ảnh: PHI HÙNG

Phó giám đốc Việt Á Vũ Đình Hiệp. Ảnh: PHI HÙNG

Cựu giám đốc nhận 185 triệu vì CDC “chuyển tiền nhanh”

Theo cáo buộc, bị cáo Nguyễn Văn Định, cựu giám đốc và Nguyễn Thị Hồng Thắm, cựu kế toán trưởng CDC Nghệ An, đã thông đồng với Công ty Việt Á để ứng trước test xét nghiệm và trang thiết bị y tế khác. CDC Nghệ An sử dụng trước rồi hợp thức thủ tục đấu thầu, thanh quyết toán sau với mức giá do Công ty Việt Á đề nghị, gây thiệt hại ngân sách nhà nước 16,5 tỉ đồng.

Trả lời HĐXX, ông Định do nhu cầu thực tế cấp bách, ông có gọi điện thoại hỏi ý kiến của lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Nghệ An về chuyện này và nhận được sự đồng ý. Ông có ghi âm sự đồng ý này của lãnh đạo nhưng sau đó không tìm thấy file ghi âm.

CDC Nghệ An ký năm hợp đồng với Công ty Việt Á và đã thực hiện được bốn, đến hợp đồng thứ năm thì Phan Quốc Việt bị bắt. Ông Định khai khi mượn kit và thanh toán hợp đồng, không thỏa thuận gì và không biết thông tin sẽ có tiền phần trăm.

Ông Định thừa nhận đã cầm 185 triệu đồng từ Việt Á, do bị cáo Thắm đã tự đưa cho mình sau khi nhận được 1,4 tỉ đồng của Việt Á. Khi đưa tiền, cấp dưới có nói với ông Định lý do Công ty Việt Á chi là vì CDC Nghệ An chuyển tiền nhanh.

Ông Định nói rằng bị xử lý tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng là «hoàn toàn xác đáng» nhưng mong được xem xét vì chỉ mới làm giám đốc chưa đầy một tháng thì dịch bùng phát. Cả tỉnh Nghệ An chỉ có nguồn kit test Việt Á nên đành phải vay để chống dịch.

Cựu giám đốc CDC Nghệ An xin HĐXX xem xét vì quá trình triển khai hoạt động chống dịch, bị cáo không có động cơ vụ lợi gì.

Nguồn: [Link nguồn]

Kinh ngạc với khối tài sản bị phong tỏa của Tổng giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt

Ngày 4/1, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên toà xét xử vụ án “Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ và các đơn vị liên quan”. Sau khi HĐXX công...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo BÙI TRANG ([Tên nguồn])
Móc ngoặc, "thổi giá" kit test COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN