Vụ thợ điện chết khi đã cúp điện: Giám đốc CA tỉnh chỉ đạo làm rõ

Đến thời điểm hiện tại, nguồn điện giật chết thợ sửa điện ở đâu vẫn là ẩn số và đang chờ cơ quan chức năng điều tra làm rõ.

Sáng 19-4, đại tá Nguyễn Đức Dũng, Trưởng phòng Tham mưu kiêm người phát ngôn Công an tỉnh Quảng Nam, cho biết trong sáng cùng ngày Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo Công an TP Tam Kỳ điều tra làm rõ vụ việc liên quan đến vụ công nhân Nguyễn Văn Chung (SN 1980; ngụ xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) bị điện giật chết khi đã cúp điện mà Báo Người Lao Động đã thông tin.

Cùng ngày, ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Nam, cho biết đã nhận được báo cáo ban đầu về sự việc từ Điện lực Tam Kỳ. “Tôi cũng đã báo cáo các cơ quan chức năng như Sở Lao động – Thương binh và xã hội về sự việc” – ông Tuấn nói.

Vụ thợ điện chết khi đã cúp điện: Giám đốc CA tỉnh chỉ đạo làm rõ - 1

Cũng theo ông Tuấn, anh Chung là người của đơn vị thi công được Điện lực Tam Kỳ thuê nâng cấp đường dây. Sau khi sự cố xảy ra, điện lực đã chia sẻ với đơn vị quản lý để lo hậu sự cho gia đình nạn nhân. “Bây giờ cái vi phạm hay sai sót ở đâu thì phải chờ kết luận của cơ quan chức năng. Thời điểm đó, điện lực đã cắt điện toàn xã Tam Thăng rồi, bây giờ điện ở đâu thì phải chờ công an kết luận. Tôi cũng rất muốn cơ quan chức năng sớm kết luận chỗ này” – ông Tuấn nói.

Trả lời băn khoăn của nhiều độc giả về lời giải thích của đại diện Điện lực Tam Kỳ rằng nguồn điện giật chết anh Chung có thể xuất phát từ máy phát điện của người dân địa phương, thầy Khương Công Minh - giảng viên Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, cho biết giả thuyết này có thể xảy ra.

Theo thầy Minh, về nguyên tắc, trên cả tuyến đường dây điện cao áp hay hạ áp đã cắt điện rồi nhưng từ cầu dao nối xuống hộ dân không bị cắt, khi người dân phát điện từ máy phát thì vẫn đưa được điện áp 220 V lên tới các điểm tiếp xúc.

Tuy nhiên, tùy thuộc vào công suất của máy phát điện, nếu máy phát điện công nghiệp hay của nhà máy có công suất lớn thì có thể cung cấp cho một khu dân cư và có thể gây chết người, còn nếu máy phát điện có công suất nhỏ thì còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác.

Vụ thợ điện chết khi đã cúp điện: Giám đốc CA tỉnh chỉ đạo làm rõ - 2

Hiện trường anh Chung bị điện giật chết khi đã cắt điện Ảnh: CTV

Trước đó, trả lời phóng viên, ông Trần Thanh Lộc (đơn vị thi công đồng thời là chỉ huy trưởng) kể rằng, ngày 17-4, ông cùng nhóm thợ điện thực hiện nâng cấp đường dây từ sáng đến hơn 12 giờ 20 mới nghỉ ăn trưa.

Khoảng 13 giờ 30 phút, các công nhân bắt đầu làm lại. Do vừa sửa các trụ điện này nên các công nhân có chủ quan, không thực hiện các bước kiểm tra an toàn điện. Lúc đó, anh Chung leo lên trụ điện đang sửa lúc sáng, ông Lộc đứng bên dưới khu vực trụ điện của một công nhân khác. Khi công nhân này leo lên trụ điện thì nghe nóng ở chân mới thông báo cho ông Lộc biết trên trụ có điện. Lúc này, ông Lộc gọi thông báo cho các công nhân khác đồng thời chạy tới trụ điện chỗ anh Chung thì thấy anh Chung đã bị điện giật chết.

Theo nhiều người dân, thời điểm xảy ra sự việc, dù điện lực thông báo cúp điện cả ngày 17-4 nhưng bất ngờ khoảng 13 giờ 30, nhiều hộ dân ở thôn Vĩnh Bình (xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) – nơi anh Chung bị điện giật chết có điện khoảng 10 phút thì tắt. Người dân cho biết dòng điện rất mạnh, người dân dùng để sinh hoạt như mở ti vi, máy quạt…, bình thường.

Ông Châu Thanh Phong, Chủ tịch UBND xã Tam Thăng cũng cho biết khoảng 13 giờ 30 phút, nhà ông ở tổ 1 của thôn Vĩnh Bình có điện còn tổ 2 nơi anh Chung bị tử vong thì nhiều người cho biết không có điện.

Theo người dân địa phương, trong ngày 17-4, ở thôn Vĩnh Bình không có gia đình nào tổ chức đám cưới. Tuy nhiên, ở quanh thôn có khá nhiều trại gà có sử dụng máy phát điện.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Thường (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN