Vụ sạt lở ở thủy điện Rào Trăng 3: Quặn lòng tìm đồng đội

Chiều 15/10, một cơn mưa bất chợt ập tới khu vực tìm kiếm 13 người mất tích, khiến không khí lặng đi. Tại lều chỉ huy, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ hối hả đốc thúc “thêm xe xúc, xe ủi, làm nhanh, rút nhanh, vì nguy cơ sạt núi”. Còn ở hiện trường, hàng trăm cán bộ, chiến sỹ, người dân quặn lòng đào bới, tìm kiếm thi thể đồng đội trong mưa lạnh.

Vụ sạt lở ở thủy điện Rào Trăng 3: Quặn lòng tìm đồng đội - 1

Trước đó, từ ngày 13/10, việc tìm kiếm 13 nạn nhân mất tích tại Trạm quản lý bảo vệ rừng 67 Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế diễn ra gấp gáp, nhưng không đạt kết quả. Các nạn nhân bị dòng thác bùn lầy đẩy trôi theo hướng nào? Có ai bị hắt xuống vực núi hay không? Nhiều chiếc xe xúc được tản ra các góc đào bới để thăm dò. Đến 10 giờ sáng ngày 15/10 đã có những tín hiệu đầu tiên. Việc tìm kiếm được truyền hình ảnh trực tiếp về Bộ Quốc phòng và nhân viên thông tin báo cáo đã nhìn thấy thi thể đồng đội.

Từ vị trí này, lực lượng tìm kiếm khoanh một vùng hẹp khoảng 50 m2 để tìm kiếm. Bốn chiếc máy xúc hối hả gạt đất. Hàng trăm ánh mắt dõi theo chiếc gàu xúc. Dù đã bắt đầu chốt được điểm, tuy nhiên sự lo lắng về tốc độ tìm kiếm và đòi hỏi tốc độ phải nhanh hơn nữa vẫn đang được đặt ra. Thứ trưởng Lê Đình Thọ khoác áo mưa và liên tục ra hiện trường đốc thúc việc điều thêm phương tiện “thêm xe xúc bánh xích, thêm xe ủi bánh lốp”.

Tìm kiếm trên đống đổ nát. Ảnh: Lê Văn Chương

Tìm kiếm trên đống đổ nát. Ảnh: Lê Văn Chương

Tốc độ tìm kiếm trong ngày 15/10 được đẩy lên cao độ. Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế chở lên 2 máy bơm nước áp suất lớn để hỗ trợ việc tìm kiếm; Điện lực của địa phương điều động máy phát điện có gắn đèn chiếu sáng cao áp để soi hiện trường, nếu việc tìm kiếm được thực hiện xuyên đêm.

Đến 16 giờ, bầu trời càng trở nên âm u khác thường, kèm theo một cơn mưa dai dẳng. Đối với lực lượng tìm kiếm, mưa đổ sẽ nối dài sự khó khăn. Từ vị trí tìm kiếm nhìn về góc bên trái, suối nước từ trên núi réo âm thanh ầm ĩ. Các nhân viên kiểm lâm cho biết, nếu đi dọc theo suối và tiến vào núi khoảng vài trăm mét thì sẽ hiểu được nguồn cơn của thảm họa. Đó là một mảng đồi rất lớn vỡ toác ra, trôi tuột theo dòng suối, ùa xuống sau lưng Trạm quản lý bảo vệ rừng 67 và cuốn trôi mọi thứ trong bùn lầy.

Quan sát hiện trường vụ tìm kiếm thì thời điểm bùn lầy từ trên núi ùa xuống phía sau Trạm quản lý bảo vệ rừng 67, cơn lũ bùn đó cao ít nhất khoảng trên 2 mét. Vì sáng ngày 14/10, có những điểm bùn vẫn ngập sâu hơn 1,5 mét và đến ngày hôm sau thì cả núi bùn này bắt đầu xẹp dần xuống, để lộ ra vô số những tảng đá lớn, có tảng nặng khoảng 10 tấn.

Thử tính toán về những hòn đá nặng trên chục tấn từ trên núi lao xuống theo dòng suối bùn thì không có vật gì có thể cản nổi. Những tảng đá này giờ nằm bên mép suối, tạo ra cảnh tượng rợn người.

Nếu đi vòng ra phía sau điểm tìm kiếm về mạn phải thì sẽ bắt gặp một quả đồi với cây cối ngã rạp. Từ điểm này đi sâu vào phía trong núi, càng đi vào thì càng khó khăn hơn, vì cây ngã dày đặc, số cây khác thì trơ trụi lá, gãy ngọn, tua tủa lên bầu trời như những vạt chông nhọn.

Nhìn cảnh tượng đó có thể hình dung được, đoàn công tác đi sâu vào núi trong ngày 12/10, nơi này đã xảy ra một trận cuồng phong, sau đó là những trận mưa cực lớn, nước lũ cuốn phăng nhiều cây keo lai nằm trên các sườn đồi dốc, tiếp sau đó là núi lở và thảm họa xảy ra.

Thực hiện chế độ chính sách tốt nhất đối với cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh

Ngày 15/10, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện về cứu nạn, khắc phục hậu quả sạt lở đất tại khu vực tiểu khu 67 và thủy điện Rào Trăng 3 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất đến gia đình và thân nhân các cán bộ, sỹ quan, chiến sỹ đã hy sinh và công nhân bị tử nạn. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Bộ Quốc phòng, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và các cơ quan, địa phương, đơn vị liên quan khẩn trương xác định danh tính người bị nạn; Tổ chức, thực hiện tốt việc thăm hỏi, động viên và thực hiện chế độ chính sách tốt nhất đối với cán bộ, sỹ quan, chiến sỹ và hậu phương gia đình, thân nhân của các cán bộ, sỹ quan, chiến sỹ đã hy sinh và các công nhân bị tử nạn, nhất là các gia đình có hoàn cảnh khó khăn; Chuẩn bị các phương án tổ chức Lễ tang đảm bảo trang trọng, chu đáo.

Thủ tướng yêu cầu các bộ: Quốc phòng, Giao thông Vận tải, Y tế, UBND Thừa Thiên - Huế và các bộ, ngành liên quan tiếp tục chỉ đạo các lực lượng khẩn trương   tìm kiếm các công nhân còn đang mất tích tại khu vực thủy điện Rào Trăng 3, khẩn trương đưa những người đang bị mắc kẹt do địa hình bị chia cắt ra khỏi nơi nguy hiểm…

Gần  1.200 người tham gia tìm kiếm cứu hộ

Trong ngày 15/10, lực lượng tham gia tìm kiếm, cứu nạn tại Thủy điện Rào Trăng là 1.178 người, 257 phương tiện các loại và 3 chó nghiệp vụ. Trong đó Quân đội cử 752 cán bộ, chiến sĩ, gồm lực lượng của Bộ Tổng Tham mưu, Bộ đội Biên phòng, Quân chủng Phòng không - Không quân, Tổng công ty Viễn thông Viettel, Binh chủng Thông tin liên lạc, Binh đoàn 12, Binh chủng Công binh, Quân khu IV, cùng 100 trang bị và phương tiện các loại tham gia, trong đó có máy bay, các loại xe đặc chủng, xe tải, xe cứu hộ đa năng, xe cứu thương, xe VSAT, xuồng, flycam, các khí tài, trang bị kỹ thuật thông tin... Cùng tham gia với lực lượng của Quân đội có 426 người của các bộ, ngành, Trung ương, địa phương với 2 máy phát điện và 157 phương tiện các loại.

Cùng ngày, Bộ Quốc phòng đã thiết lập cuộc họp trực tuyến giữa Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Sở Chỉ huy tiền phương tại hiện trường tìm kiếm cứu hộ cứu nạn. Thượng tướng Phan Văn Giang chỉ đạo Bộ Tư lệnh Công binh, Bộ Tư lệnh Quân khu IV và các đơn vị liên quan cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông Vận tải, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế huy động tối đa phương tiện, lực lượng tham gia, tổ chức tìm kiếm tất cả những nạn nhân mất tích; trong đó đặc biệt chú trọng công tác an toàn về người và phương tiện, trang thiết bị.

Trong ngày 15/10, các lực lượng cứu hộ đã san, gạt thông đường, hoàn thành toàn bộ tuyến đường vào Tiểu khu 67 và một phần vào Thủy điện Rào Trăng 3; xác định vị trí Trạm Kiểm lâm, tổ chức tìm kiếm người mất tích. Hàng triệu mét khối đất đá đã được các lực lượng bóc gỡ, trong khi mưa kéo dài làm hình thành lớp bùn non tại khu vực tìm kiếm ở Tiểu khu 67.

Đến 19 giờ 30 tối qua (15/10), thi thể cuối cùng của 13 cán bộ, chiến sĩ mất tích tại khu vực Kiểm lâm 67 đã được tìm thấy. Trong đó có Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu 4, Đại biểu Quốc hội; Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, ông Nguyễn Văn Bình. Đặc biệt đau xót trong số đó có Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, Phó Cục trưởng Cục cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng). Đại tá Hùng chính là người đã trực tiếp chỉ huy cuộc giải cứu 12 công nhân bị mắc kẹt suốt 80 giờ dưới hầm thủy điện Đạ Dâng (Lâm Đồng) đầu tháng 12/2014. Nhưng ở lần cứu hộ tại thủy điện Sông Trăng 3 này, ông đã hy sinh trên đường làm nhiệm vụ.

Nguồn: [Link nguồn]

[Info-motion] Hơn 50 giờ tìm kiếm, giải cứu nạn nhân ở Rào Trăng 3 và trạm kiểm lâm 67

Lực lượng cứu hộ đã tiếp cận thủy điện Rào Trăng 3, trạm kiểm lâm 67 và đưa một thi thể, 19 người ra khỏi nơi bị...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Văn Chương - Văn Kiên - Nguyễn Minh ([Tên nguồn])
Sạt lở thủy điện Rào Trăng 3 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN