Vụ quăng quật bé gần 2 tháng tuổi: Chọn giúp việc phải kiểm tra những gì?

Nếu không có quy chuẩn về người giúp việc thì nguy cơ tương tự như vụ bé gần 2 tháng tuổi bị quăng quật như đồ chơi chắc chắn sẽ tái diễn.

Vừa qua, clip dài gần 1 phút ghi lại cảnh một người phụ nữ hành hung dã man cháu bé gần 2 tháng tuổi khiến nhiều người phẫn nộ. Theo clip, cháu bé đang nằm ở trên giường, người phụ nữ tiến lại gần liên tục dùng tay tát vào đầu, vào mông. Không dừng lại ở đó, người phụ nữ này còn quăng quật, tung hứng bé nhiều lần.

Phải giám định kỹ sức khỏe người giúp việc

Trao đổi với PV, BS Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em, Bộ LĐ-TB và XH cho biết, khi xem clip trẻ bị đánh đập, quăng quật ông thấy giật mình, sợ hãi và rất bất bình.

“Nhìn đứa bé mới 2 tháng tuổi bị bạo hành, rung lắc khiến tôi ám ảnh đến tận bây giờ”, ông An nói.

Theo ông An, hành động người giúp việc rung lắc, tung hứng trẻ chắc chắn sẽ gây nguy hiểm đến trẻ mặc dù bé còn quá nhỏ, chưa xác định được mức độ tổn thương hiện tại nhưng có thể để lại di chứng tổn thương não, tổn thương tâm lý sau này.

Tuy nhiên, điều sâu xa hơn cần được đặt ra qua sự việc này là chính là sự thiếu kiểm soát chất lượng người giúp việc, không có bất kỳ quy chuẩn nào về người giúp việc.

Chuyên gia bảo vệ trẻ em lo ngại, những gia đình không có ông bà trông trẻ thì buộc phải thuê người giúp việc. Tuy nhiên, nếu không có quy định, quy chuẩn về người giúp việc thì nguy cơ tương tự như vụ việc nêu trên đối với trẻ nhỏ chắc chắn sẽ tái diễn.

Vụ quăng quật bé gần 2 tháng tuổi: Chọn giúp việc phải kiểm tra những gì? - 1

Giúp việc bạo hành trẻ gần 2 tháng tuổi: (Ảnh: Cắt từ clip)

Ông An cho rằng, hai yếu tố rất đơn giản nhưng quan trọng và cần thiết trong quy định về người giúp việc mà ở nước ngoài họ đã áp dụng đó là tiêu chí về sức khỏe thể chất (sức khỏe về thể chất, không mắc bệnh lây nhiễm), sức khỏe tâm thần (động kinh, trầm cảm…) và kỹ năng chăm sóc. Trong khi những điều này, ở nước ngoài họ giám định rất kỹ thì ở nước ta lại không có.

Do thiếu quy chuẩn nên người giúp việc có biểu hiện bệnh trầm cảm, tâm thần, nếu bệnh nhẹ thì hễ nhìn thấy chó, mèo là đánh, còn nặng thì nhìn thấy trẻ con khóc là đánh. Có trường hợp giúp việc vì quá căm ghét đứa bé hoặc căm ghét bà mẹ vì trả tiền ít hay mắng quát thì cũng thể có hành động đánh trẻ để “trả thù”…. tất cả điều này đều có thể xảy ra khi không có sự sàng lọc khi tuyển chọn giúp việc, làm bảo mẫu.

Do vậy, cơ quan, đoàn thể nên tuyên truyền giáo dục chung cho các gia đình khi có nhu cầu tuyển người giúp việc chăm trẻ, phải có kỹ năng và đảm bảo sức khỏe cả thể chất và tinh thần; Thường xuyên để mắt đến người giúp việc, vì sẽ không tránh khỏi thuê người giúp việc có tính tình ác độc.

Rung lắc đầu sẽ khiến trẻ tổn thương vĩnh viễn

Nhìn nhận hành động rung lắc trẻ ở góc độ y tế, PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng, Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nhiều người không kìm nén được cơn tức giận khi trẻ khóc hay quấy, mất tự chủ hoặc có thói quen sốc trẻ lên cao hoặc lắc dữ dội để thoả cơn giận sẽ khiến trẻ bị tổn thương thương não vĩnh viễn.

Tại Việt Nam, rất nhiều người chủ quan, hoặc chỉ vì vô tình rung lắc trẻ trong khi chăm sóc và chơi đùa để lại hậu quả nghiêm trọng.

Theo PGS Dũng, trẻ mới sinh, cơ và dây chằng vùng cổ yếu, chưa phát triển nên chưa thể chịu đựng được sức nặng của đầu.

Bên cạnh đó, trong đầu lại có những khoảng trống giữa não và xương sọ cho phép não tiếp tục phát triển. Não của trẻ lại mềm, màng não mỏng. Vì thế, nếu bị rung lắc mạnh, xương sọ mềm và dẻo của trẻ không chịu được những lực này, sẽ chuyển lực tới não. Khi não không có sự di chuyển đồng bộ sẽ gây ra sự đập trở lại xương sọ làm giập não, phù, chảy máu trong não. Rung lắc mạnh có thể gây ra những tổn thương não vĩnh viễn. Trường hợp rất nặng có thể dẫn đến tử vong.

Vì vậy, người trông trẻ tuyệt đối không được đung đưa mạnh, rung lắc đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ từ 0-6 tháng. Các ông bố bà mẹ không nên có những động tác làm thay đổi từ thế trẻ nhanh đột ngột như: Trẻ đang nằm được bế thốc dậy, nhấc bổng trẻ lên cao, xốc nách nhấc trẻ lên cao rồi hạ xuống. Đặc biệt, khi trẻ quấy khóc hoặc làm một việc gì đó không vừa lòng, người lớn không nên tát, đánh vào đầu trẻ. Khi trẻ khóc kéo dài không dỗ được cần phải kiểm tra kỹ nguyên nhân.

Vụ bé gần 2 tháng tuổi bị hành hung: Mẹ bé gái nói gì về bà giúp việc?

Người phụ nữ hành hung cháu bé quê ở Nam Định mới đến gia đình nhà chị P. giúp việc được 2 tháng nay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Người giúp việc hành hung bé 2 tháng tuổi Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN