Vụ nước sạch sông Đà nhiễm dầu: Dư luận có quyền nghi ngờ việc “chơi bẩn”

Chuyển dầu thải từ nơi này tới nơi khác đổ, đổ đúng vào nguồn nước, đổ đúng lúc 1 doanh nghiệp khác sắp tham gia thị trường là điều khá kỳ lạ.

 Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội

 Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội

Doanh nghiệp có “chơi bẩn” nhau?

Liên quan đến vụ nước sạch sông Đà nhiễm bẩn, đại biểu Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho biết, ở đây có hành vi rất kỳ lạ, một điều bất thường, đó là việc chuyển dầu thải từ nơi này tới nơi khác đổ và đổ đúng vào nguồn nước, đổ đúng lúc một nguồn cung cấp nước khác đã chuẩn bị sẵn sàng tham gia vào thị trường. Vì vậy, dư luận có quyền nghi ngờ về việc “chơi bẩn” của các doanh nghiệp.

"Việc có hay không chuyện doanh nghiệp “chơi” nhau, phá hoại hoạt động kinh doanh của đối thủ còn phải phụ thuộc vào kết quả điều tra của các cơ quan chức năng, từ đó mới xem xét có yếu tố tác động tới vi phạm thế nào, nguyên nhân ra sao, khởi nguồn từ đâu", ông Lê Thanh Vân nói.

Theo ĐBQH Lê Thanh Vân, hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh vẫn thường xảy ra trong các quan hệ kinh tế, đặc biệt là chủ thể của các hoạt động dịch vụ kinh doanh, khi muốn chiếm lĩnh thị trường, muốn độc quyền trong phân phối sản phẩm hàng hoá. Pháp luật không cấm các doanh nghiệp cạnh tranh, như hình thức tiết giảm chi phí để giảm giá thành, cải tiến công nghệ để nâng cao chất lượng... Đó là cạnh tranh lành mạnh, cạnh tranh để phát triển và được xã hội khuyến khích.

Còn trong vụ nước sạch sông Đà bị nhiễm dầu, cần phải xem xét rõ mục đích, động cơ và bản chất của sự việc, xem xét mức độ vi phạm để xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

Từ chối xin lỗi khách hàng phản ánh văn hoá doanh nghiệp

Về việc Công ty Nước sạch Sông Đà “từ chối” xin lỗi người dân, ông Vân nhấn mạnh: Hành vi của doanh nghiệp cung cấp nguồn nước phản ánh văn hóa doanh nghiệp.

"Việc từ chối xin lỗi người dân, xin lỗi khách hàng, đó là văn hóa ứng xử không lành mạnh. Họ cần có có thái độ cầu thị trước những vi phạm, dù là vi phạm từ bên ngoài hoặc có yếu tố khách quan hoàn toàn. Ông Tổng giám đốc của Công ty Nước sạch Sông Đà nói rằng họ là người bị hại, nhưng ông chưa chứng minh được doanh nghiệp mình bị hại do tác động nào từ bên ngoài. Trong khi đó, hậu quả nhãn tiền là hàng trăm nghìn hộ dân, người tiêu dùng bị thiệt hại bởi sản phẩm do ông cung cấp thì ông vẫn phải xin lỗi", vị ĐBQH nhấn mạnh.

Cuối cùng, đại biểu Vân cho rằng phải truy cứu theo các tội danh được pháp luật quy định. Về bồi thường, người nào gây ra hậu quả thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Ở đây, Công ty Nước sạch Sông Đà là doanh nghiệp cung cấp nước thì phải kiểm soát được chất lượng nguồn nước, kiểm tra được chất lượng nước cung cấp cho người dân.

Thế nhưng, Công ty này đã biết nguồn nước nhiễm dầu, song thay vì ngăn chặn và có biện pháp xử lý kịp thời thì họ vẫn tiếp tục cấp bán cho người dân như bình thường. Sau 7 ngày, khi sự việc vỡ lở thì doanh nghiệp quay ra thanh minh và không xin lỗi.

"Trong vụ việc này, khi xác định được đối tượng phạm tội thì phải xử lý ở mức cao nhất. Hàng trăm nghìn hộ dân bị xâm hại, đe dọa đặc biệt nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng, đó hậu quả nặng nề, người dân phải được bồi thường thiệt hại", ông Lê Thanh Vân nói.

Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà: Tôi cũng ăn nước sông Đà nhiễm dầu 3 ngày

Bên hành lang Quốc hội chiều 22-10, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết ông cũng có 3 ngày sử...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo T.Bình - An Na ([Tên nguồn])
Nước sông Đà có mùi lạ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN