Vụ nữ sinh lớp 8 mất tích: Sống trong sợ hãi
Trong những ngày giá rét của mùa đông, gia đình ông Trần Văn Đức (thôn Đoài, xã Xuy Xá, Mỹ Đức, Hà Nội) phải chật vật đi khắp nơi để tìm con gái mình là Trần Thị Hồng Diễm (đang học lớp 8) bỗng dưng mất tích không một chút tin tức.
Sau hơn 10 ngày tìm kiếm, cháu Diễm đã trở về trong vòng tay yêu thương của bố mẹ và chị gái vào ngày 16/12/2013 vừa qua. Tuy quãng thời gian ngắn ngủi nhưng cũng đủ cho gia đình ông Đức nếm trải qua những cung bậc của sự mất mát và sau đó là hạnh phúc trào dâng.
Bị nhiều người giả danh bắt cóc tống tiền
Vừa đón em gái từ Trung tâm bảo trợ xã xã hội I ở Đông Anh (Hà Nội) về nhà an toàn, chị Trần Thị Xuân - chị gái của em Diễm không giấu được những giọt nước mắt vui mừng bày tỏ với chúng tôi: "Sau gần hai tuần bặt tin chúng tôi mới có tin tức, cuối cùng thì cũng tìm thấy nó. Thật là may mắn". Theo lời chị Xuân thì Diễm mất tích vào chiều 4/12/2013. Tối hôm đó, đợi mãi không thấy con gái về nên ông Đức vô cùng lo lắng và gọi điện khắp các nơi hỏi nhưng cũng không ai biết Diễm đã đi đâu. Vì mẹ là bà Nguyễn Thị Nga (SN 1957) đi làm thuê ở xa nên khi nhận được tin em gái mất tích, chị Xuân đã cùng chồng tức tốc đi xe máy từ Hà Đông về nhà ngay trong đêm hôm ấy.
Cả gia đình như ngồi trên đống lửa vì hỏi thăm tất cả hàng xóm, thầy cô, bạn bè của Diễm đều không có kết quả. Gia đình liền báo cáo sự việc tới Trường THCS Xuy Xá (Mỹ Đức, Hà Nội) - nơi Diễm đang theo học và công an xã để phối hợp tìm kiếm. Chị Xuân còn nhờ phát thanh xã, huyện phát thông tin tìm kiếm em Diễm. "Hôm đó tôi đi làm đồng về, thấy cháu không có ở nhà cứ nghĩ là nó đi học thêm bên nhà bạn nên về muộn. Nhưng đợi mãi mà không thấy con về mà hỏi hàng xóm không ai biết nó đi đâu nên mới gọi điện cho đứa con gái đầu ở đang ở Hà Đông xem nó có xuống đấy không. Gần hai tuần không tìm thấy con, vợ chồng tôi vô cùng sợ hãi, cứ nghĩ đến việc cháu nó bị bắt cóc, bị bán sang nước ngoài hay đi đâu đó mà ăn không ngon, ngủ không yên", ông Đức nhớ lại quãng thời gian đứa con gái út mất tích.
Ông Đức tâm sự với PV (Ảnh H.P).
Ông Đức cho biết, trong 10 ngày tìm kiếm cháu Diễm, gia đình ông đã nhận được rất nhiều tin tức giúp đỡ từ nhiều người. Trong đó, một người đàn ông tên là Cường gọi điện nói rằng có gặp một em học sinh nữ giống với miêu tả của gia đình đi nhờ xe của mình vào chiều ngày 4/12/2013 (ngày Diễm mất tích). Trên đường đi, anh Cường này có hỏi chuyện và được biết em học sinh muốn sang Vân Đình để bắt xe buýt đến nhà chị gái. Biết được thông tin này, gia đình ông Đức suy đoán có thể do Diễm muốn bắt xe xuống nhà chị gái chơi nhưng không biết đường nên bị lạc nên sáng ngày 7/12/2013, chị Xuân đến nộp đơn cho đội truy tìm công an Hà Nội nhờ giúp đỡ.
"Sau khi đăng tải thông tin tìm kiếm trên các phương tiện thông tin đại chúng, gia đình tôi nhận được rất nhiều điện thoại của những người tốt bụng cho biết có nhìn thấy nữ sinh giống như miêu tả về Diễm. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng những người rất ác ý. Có người nhắn tin nói với tôi rằng em Diễm đang ở đây nhưng khi tôi gọi lại, bảo muốn nói chuyện với em thì họ lại yêu cầu phải nộp tiền vào điện thoại thì mới cho nói chuyện… Để chắc chắn hơn, tôi giả vờ hỏi một vài đặc điểm của Diễm như có phải em cháu người cao cao, để tóc cá tính như đàn ông không thì họ bảo đúng đúng, tôi biết ngay đó không phải là em mình vì em gái tôi để tóc dài…
Sau đó, còn có một người đàn ông gọi điện cho tôi thông báo đã nhìn thấy Diễm bị 3 người đàn ông bắt lên xe taxi màu đen và hiện cô bé vẫn ở xung quanh khu vực Ba Thá (bệnh viện tâm thần). Người đàn ông này còn hẹn gặp, tuy nhiên, khi gọi lại cho người đàn ông đó thì điện thoại tắt", chị Xuân cho biết. Sau hơn một tuần kiếm Diễm không có tin tức, gia đình ông Đức dần có cảm giác tuyệt vọng. Phía cơ quan chức năng cũng không có hồi âm gì. Bà Nga khóc ròng và lịm đi nhiều lần vì từng ngày trôi qua đứa con gái bé nhỏ vẫn "bặt vô âm tín". Còn ông Đức thì vừa phải lo công việc gia đình vừa chạy đôn chạy đáo khắp nơi hỏi tin tức con gái.
Em Diễm ở giữa, cùng mẹ, chị gái và hai bạn trong đội tình nguyện chụp ở cổng trung tâm bảo trợ. Ảnh H.P.
Cuộc điện thoại từ người tốt bụng
Ngày 13/12/2013, sau khi tìm em cả buổi sáng mà không có tin tức gì, chị Xuân không về nhà mà lên cơ quan để nghỉ ngơi và lên kế hoạch cho buổi chiều tiếp tục đi tìm em những chỗ khác. Vào khoảng 13h30, chị Xuân nhận được cuộc gọi từ số máy lạ. Người đầu dây xưng là cô Hà ở phường Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội) nói cách đây mấy ngày có gặp em Diễm và đã đưa lên phường để tìm người nhà. Ngay lập tức, chị Xuân phi xe máy đến nhà cô Hà rồi ra công an phường để xác minh thông tin. Tại đây, chị Xuân vui mừng khôn xiết và điện thoại ngay về nhà bởi qua ảnh mà bên công an chụp lại thì chắc chắn đó là Diễm. Lúc này, Diễm đã được công an phường gửi lên Trung tâm bảo trợ xã hội 1 ở Đông Anh, Hà Nội. Vì là ngày cuối tuần nên gia đình chưa làm thủ tục cho Diễm về được nên đến đến chiều ngày 16/12/2013, cháu Diễm mới được mẹ và vợ chồng chị Xuân đón từ Trung tâm bảo trợ xã hội về nhà. Trong khi hàng xóm láng giềng và người thân đến chia vui cùng gia đình thì tinh thần Diễm vẫn đang rất hoảng loạn những ngày qua quả là một biến cố lớn trong cuộc đời em.
Theo lời chị Xuân thì Diễm cho biết, hôm đó Diễm định bắt xe xuống nhà anh chị chơi nhưng khi xuống đến bến xe Mỹ Đình, có một người đàn ông cứ chạy theo em, sợ quá nên em chạy vào nhà người dân sống ở đây và đã được cô Hà ở phường Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội) giúp đỡ. "Do sự bồng bột của tuổi mới lớn, chưa ý thức được hành động của bản thân nên khi có điều gì đó uất ức, Diễm muốn xuống nhà tôi để tâm sự với chị gái. Nhưng không may lạc đường, không có cách nào liên lạc với người thân nên đã biến mọi chuyện trở nên nghiêm trọng như vậy", chị Xuân chia sẻ nguyên nhân em gái mình đi khỏi nhà mà không xin phép ý kiến bố mẹ.
Chị Xuân cũng cho biết thêm: "Qua sự việc này tôi tin rằng trong xã hội tình người trong xã hội rất nhiều, tôi rất biết ơn những người tốt bụng khi biết được tin đã giúp đỡ gia đình mình. Và phía gia đình mình cũng phải suy ngẫm lại sự việc đã xảy ra. Đầu tiên làm công tác tư tưởng cho em Diễm để em bình tâm trở lại hòa nhập với cuộc sống cũng như theo học lại bình thường. Thứ 2 có lẽ như một tiếng chuông cảnh tỉnh không chỉ có gia đình nhà mình mà tất cả các gia đình đều phải quan tâm sâu sắc đến con cái, tìm hiểu kĩ hơn đến tâm lý lứa tuổi".