Vụ nhặt được 5 triệu Yên: "Tỷ phú" về quê chăn bò

“Từ lúc nhặt được 5 triệu Yên Nhật, cuộc sống gia đình tôi có nhiều xáo trộn. Chồng tôi phải về quê làm ruộng, chăn bò. Riêng tôi vẫn bám trụ ở thành phố với nghề buôn ve chai để kiếm tiền nuôi con ăn học”, chị Huỳnh Thị Ánh Hồng nói.

Tối 5/8, chúng tôi tìm đến hẻm 84, đường Trần Văn Quang (phường 10, quận Tân Bình, TP.HCM), nơi chị Huỳnh Thị Ánh Hồng (34 tuổi) ở. Chị Hồng và anh Vương (chồng chị Hồng - PV) là người nhặt được 5 triệu Yên Nhật trong chiếc loa thùng cũ gây xôn xao dư luận vài tháng trước đây.

Chồng “tỷ phú” về quê chăn bò

Khi chúng tôi đến, chị Hồng cũng vừa đẩy xe ve chai về nhà trọ với những món đồ lỉnh kỉnh: chai nhựa, tập giấy, bao ni lông, sắt vụn… Dỡ đống hàng trên xe với hơi thở gấp gáp, chị nói: “Hôm nay, tôi đẩy hàng về sớm nên chú gặp. Mọi ngày, phải sau 19h tôi mới về đến nhà”.

Căn nhà tuềnh toàng chứa đầy ve chai là nơi ở của chị Hồng và hơn chục người phụ nữ khác cũng làm nghề ve chai. Họ đều là người Quảng Ngãi vào Sài Gòn mưu sinh nên sống đùm bọc, gắn kết với nhau như chị em.

“Bốc hàng nhanh lên còn vào ăn cơm”, một người phụ nữ bên trong nhà nói vọng ra. Rửa vội mặt mũi, chân tay, chị Hồng vào ngồi ăn cơm với hai nữ đồng nghiệp. Vừa ăn, chị Hồng vừa nói: "Từ lúc nhặt được tiền đến giờ, cuộc sống của gia đình tôi có quá nhiều xáo trộn. Ngày nào, vợ chồng tôi cũng phải tiếp khách. Những ngày đầu mới nhặt tiền, còn có một số thanh niên mặt mày bặm trợn đứng ngoài đầu hẻm nói là chủ nhân của số tiền 5 triệu Yên Nhật. Có một số người tìm đến tận nhà trọ để xin tiền làm 'kỷ niệm'. Lúc đó, vợ chồng tôi rất sợ”.

Vụ nhặt được 5 triệu Yên: "Tỷ phú" về quê chăn bò - 1

Sau một ngày rong ruổi khắp các ngõ ngách để mua ve chai, chị Hồng (áo đen) lại về nhà trọ, ăn bữa cơm đạm bạc cùng các đồng nghiệp.

Chị Hồng kể tiếp, hai vợ chồng chị quê ở Quảng Ngãi, đã có hai đứa con, đứa lớn học lớp 7, đứa nhỏ học lớp 1. Sau hai tháng nhặt được tiền, vì quá mệt mỏi bởi nhiều người làm phiền nên anh Vương - chồng chị - đã về quê làm ruộng. Hằng ngày, anh Vương đi làm đồng và chăn bò. Tối đến chăm sóc các con. Tin hai vợ chồng nghèo mua phế liệu nhặt được 5 triệu Yên Nhật lan về đến tận vùng quê, nhiều bạn bè, người thân biết tin đã đến nhà hỏi han, chia vui với gia đình anh chị.

“Do quá nghèo nên vợ chồng tôi phải lặn lội vào Sài Gòn làm nghề ve chai. Lúc đi thấy con khóc, tôi rất đau lòng. Giờ chồng đã về quê để chăm sóc, nuôi dạy các con", chị Hồng nói.

Chị Hồng tâm sự: “Từ lúc nhặt được tiền tới giờ, vợ chồng tôi vẫn lao động bình thường, kiếm tiền mưu sinh. Nếu sau này được nhận lại được một nửa số tiền 5 triệu Yên đó thì tôi vẫn tiếp tục làm nghề ve chai vì công việc này đã gắn bó với tôi 14 năm qua. Nó là nguồn sống của cả gia đình tôi”.

Theo chị Hồng, hằng ngày, chị phải thức dậy từ 5h sáng nấu cơm ăn rồi mang cơm theo để dành trưa ăn. Chị phải đẩy xe khắp các con hẻm, ngõ ngách Sài Gòn để thu mua và nhặt ve chai. Đến tối, chị lại về nhà trọ rồi phân loại các món phế liệu bán cho chủ.

5 triệu Yên trong chiếc loa thùng cũ 

Nhắc lại chuyện cũ, chị Hồng kể: Cuối năm 2013, trong lúc đi mua ve chai trên đường Trần Văn Quang, chị Hồng được một người lạ bán cho hộp sắt hình vuông cao khoảng 0,5m, đã gỉ sét, bên dưới có 4 chiếc bánh nhựa, với giá 100.000 đồng. Do thời điểm đó sắt đang rẻ nên chị để dành khi nào sắt lên giá sẽ đập ra bán kiếm lời.

Khoảng 15h ngày 21/3/2014, vợ chồng chị đem thùng loa ra trước hẻm tháo ốc vít, phân loại để lấy sắt, đồng... thì phát hiện bên trong có một hộp gỗ dài khoảng 20cm, rộng khoảng 15cm và khá sâu. Khi chiếc hộp được mở, vài tờ tiền bay ra và được một số người đứng gần đó nhặt. “Vợ chồng tôi không ai biết chữ nên nghĩ là tiền âm phủ, chứ không hề biết là tiền Nhật”, chị Hồng kể.

Vụ nhặt được 5 triệu Yên: "Tỷ phú" về quê chăn bò - 2

Hằng ngày, chị Hồng cùng chiếc xe đẩy này rong ruổi khắp con hẻm ở Sài Gòn để mưu sinh.

Lời đồn về hai vợ chồng mua ve chai “trúng kho báu” lan đi rất nhanh. Chỉ vài giờ sau, nhiều người kéo đến nhà trọ của anh Vương - chị Hồng để xin tiền làm "kỷ niệm”. Đến tối cùng ngày, cả trăm người, trong đó có nhiều thanh niên lạ mặt kéo đến vây nhà, gây áp lực buộc vợ chồng anh phải "chia tiền”. “Họ la lối, giành giật làm chúng tôi rất hoảng. Nghe mọi người bảo đó là tiền Nhật, giá trị rất lớn, chúng tôi càng sợ hơn nên trình báo công an”, chị Hồng cho biết.

Ngay sau đó, toàn bộ số tiền vợ chồng chị Hồng nhặt được đã được bàn giao cho công an xử lý.

Làm lụng cực khổ nên hai vợ chồng anh chị chưa bao giờ dám mơ đến một ngày trở thành tỷ phú. “Nếu tìm được chủ sở hữu thì trả cho họ thôi, còn không có ai nhận, tôi chỉ mong được cho một khoản nào đó để làm ăn, nuôi con ăn học, sửa lại căn nhà dột nát ở quê và trả ơn những người giúp đỡ mình", chị Hồng nói. 

Được biết, số tiền được phát hiện là hơn 520 tờ mệnh giá 10.000 Yên Nhật (tương đương hơn 1 tỷ đồng Việt Nam) đã được công an quận Tân Bình niêm phong và gửi cho ngân hàng trên địa bàn quận. Đồng thời, công an đã ra thông báo tìm chủ sở hữu của số tiền trên.

Theo quy định tại điều 239 Bộ luật Dân sự năm 2005 về “Xác lập quyền sở hữu đối với vật vô chủ, vật không xác định được chủ sở hữu”: Sau một năm, kể từ ngày thông báo công khai mà vẫn không xác định được ai là chủ sở hữu thì tài sản đó thuộc sở hữu của người phát hiện theo quy định của pháp luật.

Chị Hồng đã chủ động thông báo và giao nộp số tiền trên cho công an phường để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại, cơ quan công an đã nhận và lập biên bản theo quy định pháp luật. Trong thời hạn một năm, kể từ ngày thông báo công khai mà vẫn không xác định được ai là chủ sở hữu thì căn cứ quy định của pháp luật nêu trên, chị Hồng có thể được hưởng toàn bộ số tiền trong chiếc thùng loa mà chị mua được.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Thanh ([Tên nguồn])
Chị ve chai nhặt được 5 triệu Yên Nhật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN