Vụ ngôi mộ cổ bị san phẳng: Đơn vị giải phóng mặt bằng nói gì?

Lần đầu tiên, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế lên tiếng về vụ việc này và khẳng định quá trình kiểm kê, áp giá đền bù để giải phóng mặt bằng dự án không thấy ngôi mộ bị san phẳng; đồng thời nói rằng chưa giao mặt bằng cho chủ đầu tư.

Liên quan đến vụ việc ngôi mộ cổ tại dự án xây dựng bãi đỗ xe lăng Tự Đức và lăng Đồng Khánh ở phường Thủy Xuân, TP Huế (Thừa Thiên – Huế) bị san phẳng và đã tìm được tấm bia, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế (gọi tắt là trung tâm - đơn vị chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng), cho biết đã làm báo cáo liên quan đến vụ việc gửi UBND TP Huế.

Vụ ngôi mộ cổ bị san phẳng: Đơn vị giải phóng mặt bằng nói gì? - 1

Khu vực ngôi mộ được tìm thấy

Theo thông tin từ đơn vị này cung cấp, vào năm 2013, UBND TP Huế đã ban hành thông báo về chủ trương thu hồi đất để thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng dự án trên. Đến năm 2014, trung tâm phối hợp với UBND phường Thủy Xuân tổ chức buổi họp thông báo về chủ trương thu hồi đất thực hiện dự án theo quy định. Đồng thời có thông báo về việc di dời mồ mả, niêm yết tại UBND phường Thủy Xuân, thông báo trên đài truyền hình để các tổ chức, cá nhân tiến hành kê khai, lập thủ tục bồi thường, hỗ trợ đối với số mồ mả nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng đã được cắm thẻ di dời, có số cụ thể. Diện tích thu hồi thực hiện dự án là 17.297 m2, trong đó diện tích đất nghĩa địa là trên 7.271 m2, lúc đầu dự án do Công ty CP tư vấn đầu tư và phát triển Chuỗi Giá Trị (có trụ sở tại TP Huế) làm chủ đầu tư, đến tháng 7-2015 thì chuyển giao qua Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Chuỗi Giá Trị.

Vụ ngôi mộ cổ bị san phẳng: Đơn vị giải phóng mặt bằng nói gì? - 2

Tấm bia ngôi mộ bị san phẳng được tìm thấy

Sau khi các hộ gia đình, cá nhân kê khai số lượng mồ mả đang quản lý tại tờ khai nguồn gốc công trình kiến trúc lăng mộ, trung tâm phối hợp với chủ đầu tư, UBND phường Thủy Xuân mời các chủ mộ ra thực địa dự án, tiến hành kiểm kê, đo đạc, lập biên bản về số lượng, công trình kiến trúc lăng mộ. Tổng số có 42 trường hợp kê khai lăng mộ, đơn vị giải phóng mặt bằng đã tổng hợp hồ sơ, tiến hành công tác giải phóng mặt bằng theo đúng trình tự quy định. Tháng 6-2014 và tháng 6-2015, UBND TP Huế đã có quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất đối với dự án này. Cuối năm 2015, trung tâm cũng có thông báo về kế hoạch di dời lăng mộ để các chủ mộ lập phương án di dời. Đến tháng 4-2016, số mồ mả có chủ đã được di dời ra khỏi khu vực giải phóng mặt bằng.

Đối với số mộ vô chủ, tháng 12-2016, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế có thông báo cuối cùng về việc đăng ký kê khai lăng mộ. Tuy nhiên, quá thời hạn thông báo, không có trường hợp nào đến đơn vị này để đăng ký kê khai về mồ mả nên đã có công văn đề nghị chủ đầu tư là Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Chuỗi Giá Trị thực hiện các thủ tục cất bốc. Quá trình rà soát thực địa để kiểm kê các ngôi mộ nổi trên đất và đã lập hồ sơ để chủ đầu tư có trách nhiệm hợp đồng với đơn vị di dời, cất bốc. Tổng cộng có 81 mộ đất vô chủ an táng trên 5 năm và một mộ xây bo hình tròn táng trên 3 năm, tổng giá trị bồi thường hỗ trợ trên 145 triệu đồng.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, khẳng định việc di dời là do chủ đầu tư thực hiện, các ngôi mộ này đã được lập hồ sơ, sơ đồ, đưa về an táng tại Nghĩa trang phía Nam TP Huế.

Vụ ngôi mộ cổ bị san phẳng: Đơn vị giải phóng mặt bằng nói gì? - 3

Quá trình đào xới tìm tấm bia mộ

Sau khi hoàn thành việc di dời, do chủ đầu tư chưa hỗ trợ kinh phí cho 3 hộ có diện tích thu hồi lớn theo chủ trương UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế và cơ quan chức năng đang tiến hành điều chỉnh bổ sung, nên Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế chưa xác nhận và bàn giao mặt bằng. Vậy nhưng chủ đầu tư đã tiến hành thi công.

Liên quan đến ngôi mộ bị san ủi, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế, khẳng định trong quá trình kiểm kê trên thực địa dự án, mộ có chủ và vô chủ nổi trên đất, không có dấu tích của lăng mộ như phản ánh. Có thể, do mộ quá lâu năm nên bị lụi tàn, nằm âm dưới đất nên không biết để kiểm kê. Việc này do trách nhiệm của chủ đầu tư khi thi công phát hiện, nguyên tắc phải phối hợp cùng Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế và phường Thủy Xuân để tiến hành xử lý theo quy định.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, nói thêm: "Quá trình kiểm kê, giải phóng mặt bằng bản thân tôi và lãnh đạo trung tâm thường xuyên thực địa. Tuy nhiên, dù niêm yết và thông báo công khai nhưng chúng tôi không nhận được bất cứ ý kiến nào phản ánh trực tiếp hoặc văn bản về ngôi mộ này. Đây là vấn đề tâm linh, chúng tôi làm rất cẩn thận và tuân thủ đúng quy định".

Trước đó, như Báo Người Lao Động phản ánh, trong quá trình san ủi mặt bằng, chủ đầu tư đã bị người dân phản ánh về việc một ngôi mộ cổ chưa được di dời đã bị san phẳng. Sau nhiều ngày tìm kiếm, ngày 24-6, tấm bia thuộc ngôi mộ cổ này đã được tìm thấy cách vị trí ban đầu khoảng 100 m.

Tấm bia vừa phát hiện có chiều rộng khoảng 32 cm, dài 67 cm, dày 10 cm; phía trên có khắc dòng chữ Hán "Tiền triều tài nhân cửu giai Lê Thị Thụy Thục Thuận chi mộ".

Ban đầu, tấm bia mộ này được cho của một bà vợ vua triều Nguyễn và thuộc hàng thấp nhất gọi là Cửu Giai Phi (cấp cuối cùng trong 9 bậc của vợ vua), tên là Lê Thị Thụy.

Tranh cãi gay gắt về lăng mộ vua Quang Trung

Một nhóm tác giả cho rằng lăng mộ vua Quang Trung ở Huế, nhưng nhiều nhà nghiên cứu khác đã bác bỏ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Nhật (Người lao động)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN