Vụ nâng giá thiết bị ở Bệnh viện Bạch Mai: Công ty BMS trúng thầu ở nhiều bệnh viện

Ngoài Bệnh viện Bạch Mai, Công ty CP Công nghệ y tế BMS còn cung cấp vật tư và trang thiết bị y tế hàng loạt gói thầu lớn tại các cơ sở y tế trong cả nước.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang điều tra vụ Công ty CP Công nghệ y tế BMS (Công ty BMS) nâng giá thiết bị gấp 4 lần tại Bệnh viện (BV) Bạch Mai theo hình thức xã hội hóa. Ngoài BV này, Công ty BMS có mặt ở hàng loạt gói thầu cung ứng vật tư, thiết bị y tế ở các BV khắp cả nước.

Liên tiếp trúng thầu "khủng"

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài BV Bạch Mai, tại Hà Nội, Công ty BMS đã trúng "Gói thầu số 1: Mua sắm bổ sung vật tư tiêu hao y tế năm 2020" của BV Đa khoa Đông Anh với giá trúng thầu 3,23 tỉ đồng (giá gói thầu 3,24 tỉ đồng); "Gói thầu cung cấp bổ sung vật tư cho phẫu thuật của các chuyên khoa năm 2020" của BV Trung ương Quân đội 108 với giá trúng thầu 1,8 tỉ đồng (giá gói thầu 9,9 tỉ đồng).

Còn tại Hải Phòng, Công ty BMS liên tiếp trúng nhiều gói thầu có giá trị lên tới hàng chục tỉ đồng liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19, thông qua hình thức chỉ định thầu rút gọn trong nước. Cụ thể, công ty này đã trúng 4 gói thầu thuộc dự án "Mua sắm trang thiết bị, phương tiện phòng hộ cá nhân, phương tiện vận chuyển, vật tư tiêu hao, hóa chất diệt khuẩn phục vụ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP Hải Phòng" của Sở Y tế Hải Phòng. Công ty BMS trúng các gói thầu với giá bằng giá gói thầu mua sắm máy truyền dịch, máy hút dịch, bình hút dẫn lưu và bộ khí dung kết nối máy thở (giá trúng thầu 8,1 tỉ đồng); mua sắm hệ thống nội soi phế quản (trúng thầu 3,9 tỉ đồng); mua sắm ô tô chuyên dùng phun dịch (trúng thầu 3,2 tỉ đồng); mua sắm máy thở (giá trúng thầu 15,85 tỉ đồng).

Trụ sở Công ty BMS - đơn vị trúng thầu cung cấp vật tư, thiết bị y tế hàng loạt bệnh viện trên cả nước Ảnh: Ngô Nhung

Trụ sở Công ty BMS - đơn vị trúng thầu cung cấp vật tư, thiết bị y tế hàng loạt bệnh viện trên cả nước Ảnh: Ngô Nhung

Tại Thái Bình, Công ty BMS trúng thầu "Gói vật tư y tế số 6: Vật tư y tế liên quan đến chấn thương, chỉnh hình" thuộc dự án "Mua sắm hóa chất, vật tư y tế cho các cơ sở y tế tỉnh Thái Bình năm 2019-2020" với giá 33 tỉ đồng (giá gói thầu là 65,88 tỉ đồng).

Tại Nghệ An, liên danh Công ty TNHH Việt Quang - Công ty TNHH AT và T - CTCP Asiatech Việt Nam - BMS trúng "Gói thầu số 01: Mua sắm trang thiết bị y tế" thuộc đề án "Phát triển y tế miền Tây tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015-2020 và Đề án "Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2013 đến 2020" với giá trúng hơn 45 tỉ đồng (giá gói thầu là hơn 45,1 tỉ đồng).

Ngoài ra, Công ty BMS cũng trúng gói thầu "Cung cấp và Lắp đặt thiết bị phẫu thuật nội soi" của BV Ung bướu TP.HCM với giá 31,97 tỉ đồng (giá gói thầu 33,57 tỉ đồng); vật tư thay thế, nội soi khớp gối và ngoại thần kinh của BVĐK tỉnh Nam Định; mua sắm trực tiếp vật tư y tế kỹ thuật cao của BVĐK tỉnh Yên Bái…

Lạm dụng xã hội hóa

Đánh giá về hiệu quả của việc thực hiện liên doanh, liên kết, đặt máy móc, trang thiết bị của bệnh viện, Bộ Y tế cho biết, trong điều kiện nguồn vốn ngân sách còn hạn chế, vốn đầu tư của đơn vị thiếu hụt thì việc liên doanh, liên kết đã đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của BV, giúp cho cơ sở y tế được đầu tư trang thiết bị hiện đại, nâng cao hiệu quả chẩn đoán, điều trị, phát hiện sớm, chính xác bệnh tật, giảm tỉ lệ tử vong, giảm quá tải bệnh viện...

Một vị lãnh đạo của BHXH Việt Nam cho biết, BHYT chỉ chi trả theo giá dịch vụ đã được phê duyệt. Nếu BV dùng máy xã hội hóa phải thỏa thuận với người bệnh, cơ quan BHXH không can thiệp vào việc này. "Hiện giá dịch vụ trên những máy được nhà nước đầu tư mới chỉ tính 5/7 yếu tố cấu thành giá, không tính khấu hao máy móc. Còn máy móc xã hội hóa đã được tính đủ nên người bệnh phải chịu thêm giá chênh lệch. Điều đáng nói, BV sử dụng máy móc xã hội hóa nhưng vẫn dùng đến cơ sở vật chất, nhân lực… do nhà nước đầu tư, có nghĩa là mức chi của quỹ BHYT vẫn tăng. Bất cứ việc gì cũng có hai mặt của nó, xã hội hóa thì người bệnh được hưởng nhiều dịch vụ tốt nhưng BV phải quản lý tốt, nếu không sẽ xảy ra tình trạng lạm dụng dịch vụ. BHXH Việt Nam đã phát hiện tình trạng lạm dụng dịch vụ xã hội hóa ở một số nơi" - vị lãnh đạo này cho biết. 

Chỉ đầu tư dịch vụ lợi nhuận cao

Theo một đại diện BV ở Hà Nội, phần lớn các đề án xã hội hóa đều được BV thực hiện theo phương thức thuê máy móc, thiết bị của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, BV và đối tác thỏa thuận phân chia lợi nhuận thu về với tỉ lệ doanh nghiệp hưởng từ 80 đến 85%, BV hưởng từ 15 đến 20%. Các hợp đồng thuê thường có thời gian rất dài, trung bình hơn 10 năm, có đề án hợp đồng kéo dài đến 20 năm. Rõ ràng doanh nghiệp sẽ được lợi rất nhiều. Các doanh nghiệp chỉ đầu tư vào các dịch vụ kỹ thuật đem lại lợi nhuận cao, dẫn đến hệ quả là BV phụ thuộc vào nhà đầu tư.

Nguồn: [Link nguồn]

Vụ nâng khống giá thiết bị ở BV Bạch Mai: Bệnh nhân bị chiếm đoạt hơn 10 tỷ đồng

Từ năm 2017 - 2019, BV Bạch Mai đã chi trả tổng cộng 550 ca, số tiền chênh lệch mà các đối tượng được hưởng lợi, chiếm...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Dung - Nguyễn Hưởng ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN