Vụ gây rối ở Bình Thuận: “Thấy tội mấy anh công an, bị ném mà cứ đứng đỡ”

Những hành động quá khích tại Phan Thiết đã được cơ quan chức năng xử lý gần như triệt để vào ngày 12/6. Tuy nhiên trong tuần vẫn nổi lên nhiều lời kêu gọi tụ tập vào cuối tuần, không ít trong số đó hướng dẫn cả cách làm bom xăng.

Vì vậy sáng ngày 16/6 chúng tôi lên đường từ TP.HCM với suy nghĩ sẽ đến tận nơi để chứng kiến nếu sự việc xảy ra.

Vụ gây rối ở Bình Thuận: “Thấy tội mấy anh công an, bị ném mà cứ đứng đỡ” - 1

Trụ sở HĐND và UBND tỉnh bình yên trong ngày 17/6.

Mảnh đất đầy thanh long và dậy mùi cá biển

Khi còn cách Phan Thiết chừng 20km chúng tôi bất ngờ gặp một tốp chừng 15 chiến sĩ CSGT cùng xe công vụ chớp đèn xanh đỏ đang đứng choán hết 1/3 làn đường Quốc lộ 1A. Hình ảnh khiến lái xe “cứng” nhất cũng phải giật mình, còn chúng tôi ngay lập tức liên tưởng đến những chốt lập từ xa để ngăn những người quá khích.

Tuy nhiên câu trả lời sau đó khiến mọi người thở phào, bởi tiến lên phía trước chúng tôi nhận ra hàng chục chiếc ô tô cùng một thương hiệu đang bị dừng lại bên đường. Đó không phải chốt chặn mà chỉ đơn giản là kiểm tra một nhóm chơi xe.

Chúng tôi tiếp tục hướng về Phan Thiết, từng vườn thanh long xanh ngắt dần hiện ra trôi vùn vụt về phía sau. Đến vòng xoay Suối Cát, khi rẽ từ Quốc lộ 1A vào đường Trần Quý Cáp chúng tôi mới gặp thêm một tổ CSGT đi cùng CSCĐ, đó cũng là tổ cảnh sát duy nhất chúng tôi gặp tại Phan Thiết trong suốt ngày 16.

Thành phố Phan Thiết không khác những lần chúng tôi đã từng đến trước đó – một đô thị nhỏ yên bình, lộng gió và dậy mùi cá biển. Chúng tôi cố gắng tìm xem những “biểu hiện bất thường” sau những ngày “sóng gió” nhưng hoàn toàn không có.

Xe cộ vẫn qua lại, hàng hóa vẫn lưu thông, quán ăn vẫn mở cửa và người dân vẫn mỉm cười thân thiện với du khách.

Ngay sau đó chúng tôi tìm đến trụ sở HĐND, UBND tỉnh – nơi bị nhiều người quá khích đập phá, thậm chí ném bom xăng đốt cháy một số thiết bị trong tối ngày 11/6. Nơi này hoàn toàn trống trải, dấu vết của vụ bạo động hôm trước còn lại là những ô cửa nhôm kính cuối cùng của phòng bảo vệ đang được thay mới.

Điều thay đổi duy nhất ở nơi này so với những ngày trước đó có lẽ là những tấm bảng “cấm tụ tập đông người” được treo thêm bên hàng rào, còn mọi thứ khác vẫn y nguyên, từ những bầy chim sẻ lích chích kiếm ăn dưới chân tượng đài Trần Hưng Đạo, đến người phụ nữ bán giày dép ngồi đối diện.

Vụ gây rối ở Bình Thuận: “Thấy tội mấy anh công an, bị ném mà cứ đứng đỡ” - 2

T. muốn cuộc sống bình yên để cô bán hàng mỗi ngày.

Chỉ mong yên ổn làm ăn

Xuôi xuống đường Bà Triệu, chúng tôi ghé vào xe nước ven đường dưới một cây me tây lớn, rất mát. Chủ quán là T. T. – một cô gái chừng 20 tuổi. “Quán” của cô là một xe ép nước mía, cùng đồ pha cà phê, nước trái cây, kèm theo vài chiếc bàn ghế nhựa, cách Ủy ban chỉ vài chục bước chân. Hàng ngày T. đẩy xe ra từ sáng và bán đến tối mới ra về.

“Hôm rồi em có đi “biểu tình” không?” – chúng tôi hỏi vui khi vừa ngồi xuống. “Em có đi coi chút thôi, ở đó người ta bắt mất (thì) sao”. T. trả lời bằng giọng vui vẻ. Rồi ngày sau đó T. kể về những ngày mà cô cho rằng “như thời chiến” với những đám đông, kẹt xe, gạch đá và pháo…

“Người ta đứng đây đông nên uống nước của em quá trời, nhưng hôm sau thì em không được bán ở đây nữa. Chưa khi nào em thấy như vậy cả” – T. nói và khẳng định rằng đa số những người quá khích ném gạch đá hôm đó là những thanh niên mới lớn, nghịch ngợm, làm theo những lời kích động. “Người dân có tới nhưng chỉ đứng coi thôi” – T. nói thêm.

“Thấy tội mấy anh công an, bị ném mà cứ đứng đỡ” – T. nhớ lại. Cô cũng cho hay họ đều là những người rất trẻ, sinh năm 1995, 1996 và “dễ thương” bởi từng vui vẻ ra nhờ cô mua 2 hộp cơm về ăn.

Vụ gây rối ở Bình Thuận: “Thấy tội mấy anh công an, bị ném mà cứ đứng đỡ” - 3

"Nhiều bàn khách bỏ chạy mà không kịp trả tiền"

Thực khách bỏ chạy, chủ quán mất tiền

Đối diện Ủy ban tỉnh qua đường Trần Hưng Đạo là đường Phạm Văn Đồng – nơi có hàng chục quán ăn. Ngồi trên vỉa hè và quan sát, cụ T. chỉ cho những người phục vụ khi thêm đá, khi thêm bia, lúc hâm lại đồ ăn…

“Tôi già rồi không đi lại được nên ngồi đây giúp con cháu” – cụ nói. Khi chúng tôi hỏi về cuộc “biểu tình” tuần trước, cụ T. lắc đầu ngao ngán.

“Tối hôm đó họ đi kín con đường này, tràn cả vào quán tôi, trèo cả lên lầu 2, họ không đập phá, lấy đồ đạc gì nhưng cầm vỏ chai ném ra đường. Tôi chắp tay tội lạy, “các chú ra ngoài đi, chứ tôi có sao các chú ăn cho hết” – cụ nói.

Cũng theo cụ, hôm đó thực khách đang ăn thấy vậy nên bỏ chạy tán loạn và trong giờ phút đó chẳng ai nghĩ đến chuyện trả tiền.

“Nhà nước làm mạnh lắm nên mấy hôm nay hết rồi, chứ kéo dài thêm vài tuần nữa chắc tôi đổ nợ” – cụ T. bày tỏ, đồng thời cho biết việc kinh doanh mấy hôm nay đã trở lại bình thường. Cụ cũng mong chuyện này sẽ không xảy ra thêm nữa để mọi người yên tâm kinh doanh.

Chia sẻ với chúng tôi, những bác xe ôm, người bán vé số hay tiểu thương… đều bất bình với những hành vi quá khích đã xảy ra. Những ý kiến đó không đại diện cho mọi người dân Phan Thiết, nhưng tất cả đều có chung lo lắng về việc một thành phố du lịch sẽ bị “mang tiếng hung dữ” sau sự việc này và muốn chính quyền ổn định trật tự cho cuộc sống trở lại bình thường.

Bắt giữ kẻ giả công an nhằm kích động bạo lực ở TP.HCM

Cảnh sát phát hiện người đàn ông mặc sắc phục của ngành công an để trà trộn vào các đoàn người với mục đích gây...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phong Vũ (Infonet.vn)
Gây rối ở Bình Thuận Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN