Vụ Công ty Alibaba: Bị hại đòi nhận đất, toà xử thế nào?

Sáng 30-12, TAND TP HCM tiếp tục tuyên án vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền xảy ra tại Công ty Alibaba do Nguyễn Thái Luyện (tù chung thân) và Võ Thị Thanh Mai (30 năm tù; vợ Luyện) là các chủ mưu.

HĐXX cho biết trong những ngày diễn ra phiên xét xử trước đó, có 39 bị hại và luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 2 bị hại khác đề nghị được tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng đất nền dự án.

Bị cáo Nguyễn Thái Luyện.

Bị cáo Nguyễn Thái Luyện.

Đối với đề nghị này, HĐXX đánh giá, nội dung hợp đồng nêu rõ đối tượng chuyển nhượng là đất thổ cư 100%. Tuy nhiên, tại thời điểm ký hợp đồng cho tới nay, hiện trạng khu đất mà bị cáo Luyện và các đồng phạm "vẽ" dự án dân cư đều là đất nông nghiệp, thậm chí là đất trồng lúa, đất dừng sản xuất… , không có dự án khu dân cư nào.

Mặt khác, theo quy định sử dụng đất tại địa phương thì nhiều khu đất không được quy hoạch là đất ở, do đối tượng chuyển nhượng là các nền dự án không còn tồn tại trên thực nên yêu cầu tiếp tục thực hiện giao dịch chuyển nhượng là không có căn cứ. Từ đó, HĐXX tuyên không chấp nhận các yêu cầu này.

Tuy nhiên, HĐXX xác định thiệt hại của 39 bị hại trên là thực tế. Do đó, buộc bị cáo Luyện và bị cáo Mai có trách nhiệm hoàn trả số tiền mà bị hại đã nộp vào Công ty Alibaba.

Đối với đề nghị của 58 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan yêu cầu được tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã thoả thuận ký kết với các bị cáo Nguyễn Thái Lực, Nguyễn Thái Lĩnh, Trịnh Minh Pháp (lần lượt bị tuyên phạt mức án 27 năm tù, 17 năm tù và 13 năm tù).

Bị cáo Huỳnh Thị Ngọc Như (cựu Phó Tổng đào tạo Công ty Alibaba) bị tuyên phạt mức án 17 năm tù (hàng đầu).

Bị cáo Huỳnh Thị Ngọc Như (cựu Phó Tổng đào tạo Công ty Alibaba) bị tuyên phạt mức án 17 năm tù (hàng đầu).

HĐXX nhận định về nguồn gốc tài sản, các quyền sử dụng đất trên đều có nguồn gốc từ tiền chiếm đoạt của các bị hại. Tuy nhiên, tại thời điểm thỏa thuận, ký kết hợp đồng, các thửa đất đều có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp, thỏa thuận chuyển nhượng là tự nguyện ngay tình, đã thanh toán từ 50-100%. Do đó, căn cứ quy định tại khoản 2, điều 133 Bộ luật Dân sự năm 2015, HĐXX công nhận thoả thuận chuyển nhượng nói trên, trả lại đất cho những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

Tuy nhiên, các trường hợp trên nếu chưa thanh toán đủ 100% giá trị hợp đồng, có nghĩa vụ thanh toán phần còn lại của hợp đồng vào tài khoản của cơ quan thi hành án. Sau khi thực hiện xong, cơ quan thi hành án có nghĩa vụ giải tỏa kê biên và hủy bỏ việc ngăn chặn giao dịch đối với các thửa đất này để họ thực hiện đăng bộ sang tên và thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định.

Đối với bà Trương Thị Minh Châu nhận chuyển nhượng thửa đất tại xã Long Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai của bị cáo Nguyễn Thái Lĩnh. HĐXX nhận định do đã hoàn tất thủ tục thanh toán và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dung nên huỷ bỏ kê biên, trả lại cho bà Châu.

Một số khách hàng có yêu cầu nhận đất nhưng không cung cấp đủ căn cứ giải quyết nên HĐXX giành quyền khởi kiện bằng vụ kiện dân sự khác nếu những người này có yêu cầu liên quan đến giao dịch nói trên.

HĐXX nêu cụ thể các trường hợp này gồm: bà Đặng Nguyễn Thanh Thảo ký hợp đồng chuyển nhượng thửa đất tại xã Sông Xoài (thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) - được công chứng ngày 13-7-2019, nhưng không cung cấp được phiếu nộp tiền tại công ty Alibaba; ông Nguyễn Phạm Hoàng Phương, ngoài việc cung cấp các bằng chứng về 4 thửa đất đã mua và phiếu thu thể hiện thanh toán thửa đất của dự án Alibaba Phú Mỹ Central City nhưng không có hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và phiếu thu gốc; bà Lê Thái Thị Bạch Tuyết, ông Phạm Minh Phương ký hợp đồng nhận chuyển nhượng thửa đất tại xã Sông Xoài (thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) với bị cáo Nguyễn Thái Lực nhưng không cung cấp được tài liệu chứng minh thanh toán thửa đất trên.

Khá ít bị hại dự khán tuyên án.

Khá ít bị hại dự khán tuyên án.

Đối với bà Trần Thuý Loan cung cấp phiếu thu thể hiện thanh toán thửa đất dự án Phú Mỹ Central City, số tiền hơn 937 triệu đồng nhưng không có cơ sở xác định giá trị chuyển nhượng. Do đó, HĐXX buộc bị cáo Luyện và Mai hoàn trả lại số tiền trên. Ngoài ra bà Loan có trách nhiệm nộp lại bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp cho Trịnh Minh Pháp.

Đối với 9 giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ giao đất kèm theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thanh toán tiền, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã được công chứng theo quy định của pháp luật. Quá trình điều tra, các ông bà nói trên cũng đề nghị tiếp tục thực hiện hợp đồng nên HĐXX tuyên các tài sản trên thuộc Công ty Alibaba, cần tiếp tục kê biên để đảm bảo thi hành án.

Đối với giao dịch chuyển nhượng 39 quyền sử dụng đất tại xã Tân Phúc, huyện Hàm Tân, Bình Thuận giữa bị cáo Bùi Minh Đức (17 năm tù) với chủ đất và giao dịch giữa bị cáo Trương Thị Hồng Ngọc với chủ đất tại xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, HĐXX xét thấy số tiền đặt cọc Công ty Alibaba đã thanh toán cho chủ đất có nguồn gốc phạm tội mà có, đồng thời các bên mới đặt tiền đặt cọc để đảm bảo cho việc giao kết hợp đồng, hứa chuyển nhượng nên chấp nhận yêu cầu xin lại đất của những chủ đất này. Huỷ bỏ hợp đồng đặt cọc nhưng những người này có nghĩa vụ nộp lại tiền cọc cho cơ quan thi hành án.

Xử lý tài sản và vật chứng thu giữ

HĐXX nhận định 654 thửa đất đang bị kê biên đều hình thành từ số tiền Nguyễn Thái Luyện chiếm đoạt của bị hại thông qua các hợp đồng chuyển nhượng đất nền dự án nên cần tiếp tục kê biên để đảm bảo thi hành nghĩa vụ của bị cáo Luyện và bị cáo Mai.

HĐXX giao cơ quan thi hành án tiếp tục tạm giữ đối với 455 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất.

Số tiền hơn 56 tỉ đồng thu giữ tại Công ty Alibaba và trong tài khoản các cá nhân trong hệ thống Công ty Alibaba, 272 miếng vàng, các xe ô tô, xe máy (là của Công ty Alibaba nhưng do 1 số nhân viên đứng tên sở hữu theo chỉ đạo của Luyện, có nguồn gốc từ tiền của các bị hại nộp vào Công ty Alibaba tiếp tục bị tạm giữ để bảo đảm thi hành án.

Nguồn: [Link nguồn]

Video: Bị hại vụ Alibaba nói gì sau khi tòa tuyên án?

Sau khi nghe HĐXX tuyên phạt bị cáo trong vụ Alibaba, các bị hại đều mong muốn sớm nhận lại phần tiền đền bù thiệt hại để trang trải cuộc sống.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ý Linh ([Tên nguồn])
Xét xử Giám đốc Công ty địa ốc Alibaba Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN