VN mua vũ khí của Mỹ không để "nhắm tới" nước khác

“Việt Nam mua vũ khí không nhắm tới một nước nào khác mà để góp phần củng cố hơn hòa bình ổn định khu vực. Khi Việt Nam mạnh hơn thì những hành động của nước ngoài định gây căng thẳng cho khu vực thì họ cũng cần cân nhắc, tỉnh táo hơn”, chuyên gia quân sự phân tích.

Ngày 2/10, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho hay, Mỹ đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam nhằm giúp Việt Nam tăng cường an ninh hàng hải sau gần 40 năm áp đặt lệnh cấm này.

PV Khám phá đã có cuộc phỏng vấn Đại tá Lê Văn Vỵ, chuyên gia phân tích các vấn đề quân sự quốc tế.

VN mua vũ khí của Mỹ không để "nhắm tới" nước khác - 1

Đại tá Lê Văn Vỵ

Xin ông cho ý kiến về việc Mỹ dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam?

Sang năm 2015, Việt Mỹ bình thường quan hệ được 20 năm. Việc Mỹ dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, tôi nghĩ cũng là nằm trong lộ trình bình thường hóa để quan hệ của hai nước ngày càng mở rộng và thực chất hơn.

Mỹ là một trong những nước Việt Nam cần mua các loại vũ khí hiện đại và tương đối hiện đại. Không phải chỉ có Mỹ mà những nước khác bán vũ khí cho Việt Nam cũng không đặt ra bất kỳ một điều kiện chính trị nào.

Khi đã có vũ khí trong tay, quân đội Việt Nam sẽ biết cách sử dụng một cách hiệu quả. Vì mục đích của nền quốc phòng là tự vệ, phòng thủ, Việt Nam không tham gia một khối liên minh quân sự nào, không cho phép nước nào đặt căn cứ quân sự, cũng không liên minh với một nước nào để chống lại một nước thứ ba. Nhưng Việt Nam cũng sẵn sàng nhận sự giúp đỡ của các nước khác trong lúc Việt Nam chưa có điều kiện sản xuất những vũ khí này.

Trong bối cảnh hiện tại, hành động trên của Mỹ có ý nghĩa như thế nào?

Chúng ta hoan nghênh thiện chí này của Mỹ trong bối cảnh chúng ta gìn giữ hòa bình ổn định chung của khu vực. Đó là mục đích cao nhất của Việt Nam, nhất là trong những tháng qua trên biển Đông có hiện tượng căng thẳng không phải do Việt Nam gây nên nhưng Việt Nam đã hết sức kiềm chế, cố gắng giải quyết bằng con đường hòa bình, cao nhất bằng công cụ ngoại giao pháp lý. Đó là con đường đi của chúng ta.

Việt Nam đã mua các tàu Kilo của Nga, các tàu hộ vệ lớp Gepard của Nga, sao cần mua thêm vũ khí của Mỹ?

Mỹ cũng như Nga là các nước thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, khi bán vũ khí cho nước khác họ đều hiểu trách nhiệm của họ. Họ cũng biết rằng, nước mua vũ khí của họ biết cách sử dụng và chịu trách nhiệm khi sử dụng.

Việt Nam đã nhiều lần bị xâm lược, nhiều năm chiến tranh nên hiểu rõ hơn ai hết trách nhiệm bảo vệ hòa bình của mình đối với khu vực và trên thế giới.

VN mua vũ khí của Mỹ không để "nhắm tới" nước khác - 2

Chiếc P3 vừa có hỏa lực mạnh mẽ, vừa cơ động trong thực thi nhiệm vụ được cho là Mỹ sắp bán cho Việt Nam. Trong ảnh, một chiếc P-3 đang thả mồi bẫy nhiệt. Ảnh: Aviation Spectator.

Theo ông, Mỹ có thể bán vũ khí nào cho Việt Nam sắp tới?

Gần đây người ta nói về máy bay có biệt danh “sát thủ săn ngầm” P3 – Orion. Đó là một vũ khí không hẳn là vũ khí sát thương nhưng nhạy cảm, quan sát được các hoạt động trên biển. Tác dụng của nó rất lớn. Tôi nghĩ dạng vũ khí như thế sẽ mở đầu cho những loại vũ khí chúng ta mua của Mỹ sau này.

Hướng của chúng ta là sẽ mua các loại vũ khí trên biển, nhất là trinh sát trên không. Tuy nhiên, khi mua các thiết bị vũ khí hiện đại này đòi hỏi chúng ta phải mất nhiều thời gian được đào tạo sử dụng.

Sức mạnh quân đội Việt Nam sẽ tăng lên như thế nào sau khi có thêm vũ khí của Mỹ?

Việc có vũ khí hiện đại hơn là một bước rất tốt. Tuy nhiên, như đã nói, quá trình hòa nhập với hệ thống tác chiến của Việt Nam cũng đòi hỏi thời gian.

Tôi cũng nhấn mạnh là Việt Nam mua vũ khí không nhắm tới một nước nào khác nhưng để góp phần củng cố hơn hòa bình ổn định khu vực. Khi Việt Nam mạnh hơn thì những hành động của nước ngoài định gây căng thẳng cho khu vực thì họ cũng cần cân nhắc, tỉnh táo hơn.

Nghị sĩ John Maccain ủng hộ hành động này của Mỹ và cho rằng sẽ mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia. Mỹ có lợi gì trong vấn đề này?

Trong quá trình cải thiện quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ, nhiều cựu chiến binh của Mỹ như thượng sĩ John Maccain, trước đây là phi công rơi trên đất Hà Nội; Bộ trưởng Ngoại giao John Kerry trước đây là sỹ quan hải quân Mỹ tham gia cuộc chiến Việt Nam và nhiều nghị sĩ khác cũng ủng hộ.

Họ thấy rằng cuộc chiến tranh Mỹ gây ra không mang lại lợi ích gì cho cả hai phía. Giờ họ tham gia hoạt động chính trị, người với cương vị thượng nghị sĩ trong quốc hội, người với cương vị trong chính quyền, họ cũng ủng hộ cho tiến trình này. Tôi nghĩ tiến trình đó cũng phù hợp, rõ ràng là phù hợp cho lợi ích của hai bên.

Quá khứ thì không quên nhưng nhớ lại quá khứ như thế nào cho có tác dụng với hiện tại và tương lai thì hay hơn cả. Tôi nghĩ rằng các cựu chiến binh Việt Nam, các cựu chiến binh Mỹ và nhân dân hai nước cùng chung nguyện vọng như thế.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Tân ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN