Vì sao trăng ngày 14/11 được gọi là siêu trăng hiếm có?

Sự kiện: Tin nóng

Các nhà thiên văn học cho rằng, hiện tượng siêu trăng xảy ra ngày 14/11 là đặc biệt và khá hiếm gặp.

Vì sao trăng ngày 14/11 được gọi là siêu trăng hiếm có? - 1

Siêu trăng xuất hiện trên bầu trời Kathmandu ở Nepal ngày 13/11. Ảnh Reuters.

Theo các nhà thiên văn học, hôm nay (14/11), một siêu trăng sẽ xuất hiện trên bầu trời với kích thước và ánh sáng sáng hơn mặt trăng bình thường. Đây là một hiện tượng thiên văn kỳ thú mà phải 68 năm qua (từ năm 1948) giới thiên văn học mới được chứng kiến.

Ông Hoàng Quốc Phương – Chủ tịch Hội thiên văn nghiệp dư Hà Nội cho biết, đối với giới thiên văn học, hiện tượng siêu trăng không có gì lạ và thường xuyên xảy ra.

“Mặt trăng quay quanh Trái đất theo quỹ đạo hình elip nên sẽ có 2 điểm gần nhất và xa nhất. Khi mặt trăng đến điểm gần nhất và phải đảm bảo điều kiện đủ tròn thì mới được gọi là siêu trăng. Nếu mặt trăng đạt điểm gần nhất nhưng trăng khuyết, méo thì không được gọi là siêu trăng”, ông Phương nói.

Hiện tượng siêu trăng ngày 14/11 được cho là hiếm có và đang được nhiều người chờ đợi bởi, khi đó, mặt trăng sẽ cách Trái đất khoảng 360.000km. Lần cuối cùng mặt trăng tiến tới gần trái đất như vậy đã từ năm 1948. 

Lúc này, mặt trăng thẳng hàng với mặt trời và trái đất, gây ra 1 hiệu ứng khiến mặt trăng trông to hơn 14% và sáng hơn 30% so với bình thường.

Theo ông Phương, sự khác biệt về kích thước của siêu trăng lần này cũng như các siêu trăng khác là do “ảo giác mặt trăng” gây ra. Khi trăng treo thấp gần đường chân trời, các vật thể như cây cối hay các tòa nhà làm tiền cảnh tạo ra hiệu ứng ảo giác khiến mọi người cảm giác mặt trăng trở nên lớn hơn.

“Phải dùng các loại kính thiên văn nhìn và chụp lại hình ảnh mặt trăng rồi thông qua các phép tính toán khoa học, so sánh, chúng ta mới biết siêu trăng to hơn trăng lúc bình thường, chứ bằng mắt thường rất khó nhận ra. Trên thực tế, siêu trăng chẳng to hơn là bao so với trăng rằm tháng Tám”, ông Phương chia sẻ.

Tại Việt Nam, khoảng 20 giờ 52 phút tối nay (14/11), siêu trăng sẽ to và rõ nhất. Để quan sát được rõ hơn siêu trăng, mọi người cần tìm nơi ít bị ảnh hưởng của ánh sáng nhân tạo nhất, không gian rộng, thoáng đãng và chuẩn bị các loại kính viễn vọng, máy ảnh có ống zoom cỡ lớn.

Ở Hà Nội, những người yêu thiên văn, thích ngắm siêu trăng có thể ra tháp đồng hồ, trước cửa sân vận động Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm) để ngắm siêu trăng. Tại đây, Hội thiên văn học nghiệp dư Hà Nội sẽ lắp 3 ống kính thiên văn để phục vụ người dân ngắm siêu trăng.

Siêu trăng ngày 14/11 sẽ là siêu trăng thứ 2 xuất hiện trong năm nay (lần 1 ngày 16/10). Dự kiến, ngày 14/12 tới đây sẽ còn một siêu trăng nữa xuất hiện. Siêu trăng tháng 12 xảy ra cùng thời điểm với mưa sao băng Geminid nên mặt trăng cũng sẽ sáng hơn nhiều.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN