Vì sao thi thể nữ doanh nhân bị sát hại vẫn ở xứ người?

Người thân của bà Hà Thúy Linh vẫn chưa đưa được thi thể của nữ doanh nhân này về nước. Sau 45 ngày chờ đợi ở Trung Quốc, họ đành phải quay về Việt Nam và chưa biết đến bao giờ mới được cơ quan chức năng Trung Quốc trao thi thể của bà Hà Linh để mai táng.

Chiều tối 6/1, chị ruột nữ doanh nhân Hà Thùy Linh là bà Hà Mỹ Châu đã trở về Việt Nam. Trước đó, bà Mỹ Châu đã ở Trung Quốc 45 ngày để chờ cơ quan chức năng quốc gia này bàn giao thi thể của em.

Vì sao thi thể nữ doanh nhân bị sát hại vẫn ở xứ người? - 1

 Nữ doanh nhân Hà Linh.

Bà Mỹ Châu cho biết, gia đình chưa đưa được thi thể bà Hà Thùy Linh (45 tuổi, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Lâm Đồng, Giám đốc Cty TNHH Hà Linh) về nước. Cơ quan chức năng Trung Quốc chỉ mới cấp giấy chứng tử để gia đình và công ty Hà Linh tiến hành các thủ tục pháp lý liên quan đến việc điều hành hoạt động của doanh nghiệp.

“Để hoàn tất các thủ tục đưa thi thể công dân về Việt Nam phải có giấy chứng tử, giấy kiểm dịch và kết quả khám nghiệm tử thi”, một chuyên gia trong lĩnh vực bảo hiểm du lịch chia sẻ kinh nghiệm.

Theo lời bà Châu, ban đầu các cơ quan chức năng Trung Quốc nói sẽ hoàn thành các thủ tục nhanh nhất để gia đình đưa thi thể bà Hà Linh về Việt Nam. Tuy nhiên sau khi chờ đợi hơn 40 ngày ở Quảng Đông, Trung Quốc, bà Châu được cơ quan chức năng Trung Quốc thông báo rằng họ chưa thể bàn giao thi thể bà Hà Linh vì "phải tiến hành điều tra ở cấp cao hơn".

"Lý do mà họ đưa ra là vụ việc rất phức tạp nên phải trưng cầu giám định pháp y trong thời gian dài, hiện chưa thể ấn định thời gian bàn giao thi thể", bà Châu cho biết.

Cũng theo bà Châu, cơ quan chức năng Trung Quốc đã nhiều lần làm việc với bà và lần nào cũng hỏi rất kỹ về đời sống riêng tư của bà Hà Linh.

Chị Hà Ngọc Hương (em gái bà Linh) kể: Trước khi bị sát hại ở Trung Quốc, bà Hà Linh thường than rằng đang gặp nhiều khó khăn từ phía đối thủ kinh doanh. "Bởi thế, khi chị Linh bảo sẽ bay sang Trung Quốc gặp gỡ một đối tác để ký hợp đồng tiêu thụ trà Ô long lâu dài và họ hứa góp 20% vốn vào công ty để cùng kinh doanh, gia đình rất vui mừng. Tuy nhiên chị Linh trước sau vẫn giữ bí mật, không nói tên của đối tác. Chị bảo đó là yêu cầu của người môi giới, khi nào ký kết xong hợp đồng mới được nói ra", chị Hương cho biết.

Cũng theo chi Hương trước khi đi Trung Quốc, bà Hà Linh yêu cầu luật sư soạn thảo bản hợp đồng tiêu thụ trà Ô long rồi dịch qua tiếng Trung Quốc để chuẩn bị ký kết với đối tác. Thế nhưng ở bản hợp đồng này, tên người mua để trống. Bà Linh giải thích rằng để ký hợp đồng này phải thông qua môi giới và người ta yêu cầu khi qua tới Trung Quốc mới ghi tên người mua. Phía môi giới còn yêu cầu bà Linh chỉ được đi một mình, nếu có người thứ 2 sẽ hủy việc ký kết.

Như báo Tiền Phong đã phản ánh, ngày 19/9, bà Linh sang Trung Quốc mở rộng thị trường, ký kết hợp đồng mua bán chè Ô long. Sáng 22/9, bà Linh được công an Thường Bình, thành phố Đông Quán, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc phát hiện trong tình trạng hôn mê. Bà Linh được đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng đã tử vong ngay trong buổi sáng hôm đó.

Theo công điện khẩn của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc, bà Linh được bạn hàng mời uống nước, sau đó bị hôn mê, cướp toàn bộ tài sản, hộ chiếu. Theo chẩn đoán y tế, bà Linh bị tổn thương tuyến tụy và vỡ trực tràng do ngoại lực tác động.

Bà Linh khá nổi tiếng trong lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu chè Ô long. Ngoài diện tích chè của Cty, bà còn liên kết tiêu thụ chè nguyên liệu của khoảng 40 hộ nông dân tại thành phố Đà Lạt.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Kim Anh (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN