Vì sao LĐ Thanh-Nghệ-Tĩnh bị tẩy chay?

Tình trạng “chê” lao động Thanh Hóa – Nghệ An – Hà Tĩnh diễn ra gay gắt tại các KCN ở Bình Dương và đang lan ra vùng Đông Nam Bộ. Vì sao chỉ khu vực này mới có tình trạng tẩy chay nặng nề như vậy?

“Chị ơi em có ông anh ruột vào đây xin việc mà đi đâu họ cũng không nhận. Chị coi công ty mình tuyển nam không xin giùm với”, chị Trần Thị Hồng Vân, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nissei Electric (KCX Linh Trung 1, TP Hồ Chí Minh) cho biết mình đã nhiều lần nhận những cú điện thoại nhờ vả như trên.

Do làm công đoàn nhiều năm, chị Vân có cơ hội gần gũi san sẻ nỗi niềm với nhiều công nhân nữ. Chị kể thêm: “Nhiều bạn công nhân nữ có chồng (là người Thanh - Nghệ - Tĩnh) than thở: Em không biết sao ở trọ người ta cũng không cho ở nữa, đi xin việc làm cũng khó”.

Cay đắng đường vào Nam

“Thôi tới nơi khác hỏi đi. Ở đây tui ớn mấy ông dân 36 lắm rồi” – H. (22 tuổi, quê Thanh Hóa) kể lại câu mà một chủ nhà trọ nói với mình khi anh vừa rời quê vào Nam hỏi thuê chỗ trọ gần KCN Sóng Thần (Dĩ An – TPHCM). H. nói: “Chị họ của em vào đây làm công nhân đã cảnh báo nếu em đi xe máy biển số quê nhà thì khó thuê trọ lắm. Em tưởng chị ấy nói đùa. Không ngờ là thật”. Sau 3 hôm tự đi xin chỗ trọ không được H. gọi điện thoại lại cho chị họ của mình cầu cứu. Ngay tức khắc cô chị họ “phái” người yêu của mình, một thanh niên quê Quảng Ngãi tên Quang, đi xe biển số 76 chở H. tìm chỗ trọ. “Cũng là dân miền Trung như nhau nhưng kỳ quá. Anh Quang vừa xin là người ta cho vô ở ngay. Bây giờ em ở được trong phòng trọ này là cũng nhờ anh ấy” - H. kể.

Vì sao LĐ Thanh-Nghệ-Tĩnh bị tẩy chay? - 1

Chị Phụng mấy ngày đi tìm việc cho chồng nhưng vẫn chưa có

Tuy nhiên “đoạn trường” vào Nam mưu sinh của H. chưa phải đã hết sóng gió. Ngay sau khi “an cư” H. bắt đầu mang hồ sơ đi “lập nghiệp”. H. kể: “Em đi 2 KCN Sóng Thần và Linh Trung. Công ty nào treo bảng tuyển dụng là em ghé vào. Bảo vệ công ty chưa xem hồ sơ của em mới chỉ nghe giọng em nói là họ đã lắc đầu, phất tay bảo đi chỗ khác”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tình trạng tẩy chay lao động vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh không chỉ xảy ra ở vùng giáp ranh TP.HCM - Bình Dương mà như một cơn sóng ngầm đang dậy lên khắp vùng Đông Nam Bộ. LĐLĐ tỉnh Bình Dương cho biết, “cơn sóng ngầm” này manh nha từ năm 2006, bắt nguồn từ những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp thuộc các hiệp hội như giày da, thủy sản...

Chỉ riêng Bình Dương đã có hàng chục ngàn lao động xuất thân từ vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh. Hiện kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp tiến hành sàng lọc lao động khiến lao động vùng này càng dễ đối mặt với nguy cơ thất nghiệp hàng loạt.

Vì đâu nên nỗi

Chị Nguyễn Thị Hồng Vân, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nissei Electric cho biết, theo thông tin mà chị nắm được thì sở dĩ lao động vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh bị nhiều doanh nghiệp từ chối vì doanh nghiệp cho rằng công nhân những vùng này có “hội đồng hương rất mạnh”.

Ông Nguyễn Quang Kỳ, Giám đốc công ty Đại Thịnh Việt (Dĩ An, Bình Dương) kiêm thành viên của diễn đàn nhân sự Việt Nam cho biết, theo thông tin mà ông nắm được từ những thành viên khác trong diễn đàn này thì hiện tượng tẩy chay lao động Thanh - Nghệ - Tĩnh đang diễn ra mạnh nhất ở KCN Sóng Thần và KCN VN-Singapore (Bình Dương).

Theo giới thiệu của ông Kỳ, chúng tôi trao đổi với giám đốc một doanh nghiệp chuyên về cung cấp nhân sự cho các KCN, doanh nghiệp ở TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu. Ông này nói: “Doanh nghiệp nào mà kỳ thị lao động thì tôi sẽ không hợp tác cung cấp lao động. Tôi rất buồn là thỉnh thoảng nhiều doanh nghiệp dám công khai dán trước công ty mình bảng “Không tuyển người Thanh - Nghệ - Tĩnh". Tôi cũng là người vùng này nên rất buồn”.

Đáng chú ý là các tỉnh thành khác không có hoặc ít có tình trạng tẩy chay lao động vùng miền. Theo khảo sát của chúng tôi, các KCN ở phía Bắc hầu như không có hiện tượng này. Thành viên Ivanmoclop trên mạng xã hội linkhay viết: “Ở Hà Nội này thì không tẩy chay ai hết. Lao động phổ thông ở chợ lao động toàn người Thanh Hóa, Nam Định, Nghệ An to như voi, làm lao động nặng như khoan cắt bê tông, vận chuyển phế thải, không có họ thì tìm ai làm việc đó”.

Câu hỏi đặt ra là vì sao tình trạng tẩy chay lao động vùng miền chỉ diễn ra nặng nề ở một vài vùng? Vấn đề này đang được thảo luận sôi nổi trên nhiều diễn đàn trực tuyến. Một thành viên trên diễn đàn voz giải thích như sau:

Khu vực Thanh - Nghệ - Tĩnh có tỉ lệ người nghèo cao, nên số người đi tìm việc tại các KCN cũng nhiều. Các KCN ở Bình Dương hay vùng Đông Nam Bộ thường có quy mô lớn và có nhiều chỗ làm nên trước đây cũng tuyển nhiều người Thanh - Nghệ - Tĩnh.

Do số lượng người cùng quê Thanh - Nghệ - Tĩnh tại các khu công nghiệp ở Bình Dương lớn, có điều kiện gặp nhau thường xuyên, nên họ dễ mang theo các đặc tính địa phương, nếp sinh hoạt ở làng xã, điều đó tạo nên xung đột với môi trường lao động công nghiệp, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong quản lý. Chẳng hạn, tính đoàn kết khi quá đà có thể trở thành tính cục bộ, bè cánh, gây ảnh hưởng đến môi trường lao động.

Ngoài ra, do khí hậu, môi trường khắc nghiệt nên đàn ông các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh mặc dù có nhiều phẩm chất tốt như cần cù, chịu khó, nhưng thường có tính khí cương cường, nóng nảy, có thể không được lòng nhiều chủ lao động. Vì thế lao động nữ các tỉnh này xin việc trong Nam dễ hơn lao động nam.

________________

Xem tiếp bài 2 "Cách nào chống tẩy chay LĐ vùng miền?" vào 8h00 sáng 15/10/2012

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cát Tường ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN