Văn Toàn: Từ cậu bé nhặt bóng cho bố đến người làm nên lịch sử

Sự kiện: U23 Việt Nam Tin nóng

Ngày bé theo chân bố ra sân đá bóng, Văn Toàn đã có niềm đam mê bất tận với trái bóng tròn để đến hôm nay, anh là người ghi bàn thắng lịch sử giúp U23 Việt Nam lần đầu góp mặt ở bán kết ASIAD.

Văn Toàn: Từ cậu bé nhặt bóng cho bố đến người làm nên lịch sử - 1

Ông Tạo, bà Đua – bố mẹ cầu thủ Văn Toàn.

Ăn ngủ với trái bóng từ khi còn nhỏ

Tối 27/8, trận tứ kết giữa U23 Việt Nam và U23 Syria đã diễn ra căng thẳng và hấp dẫn đến những phút cuối cùng. Hai đội phải bước vào hiệp phụ và khi trận đấu chỉ còn khoảng 2 phút nữa sẽ kết thúc thì “người hùng” Văn Toàn đã ghi bàn thắng quý như vàng ở phút 108 giúp U23 Việt Nam giành chiến thắng. Đây là chiến tích lịch sử của đội tuyển U23 khi lần đầu góp mặt ở bán kết sân chơi ASIAD.

Sau trận đấu, hàng triệu cổ động viên đã xuống đường ăn mừng với chiến tích có một không hai của U23 Việt Nam. Ở quê nhà Văn Toàn (phường Thạch Khôi, TP Hải Dương), rất đông cổ động viên cũng đã đến chung vui với gia đình.

Sáng nay (28/8), ghi nhận tại quê nhà Văn Toàn, vẫn còn nhiều hàng xóm và người hâm mộ đến với gia đình. Ông Nguyễn Văn Tạo (bố Văn Toàn) cho biết, đêm qua, ông thức đến 3h sáng để chung vui với người hâm mộ.

Ngồi trầm lặng hơn ở một góc, bà Tăng Thị Đua (mẹ Văn Toàn) cho biết, cả đêm qua bà ngủ chợp chờn vì vẫn còn lâng lâng sau chiến thắng của U23 Việt Nam và đặc biệt, cậu con trai Văn Toàn lại là người ghi bàn thắng quyết định.

Chia sẻ về cậu con trai, bà Đua nói, Văn Toàn sinh ngày 12/4/1996. Toàn là con thứ 3 và là người con trai duy nhất trong gia đình có 4 chị em. Ngay từ khi còn nhỏ, Toàn là rất hiền lành.

Hồi còn nhỏ, Văn Toàn thường theo chân bố ra sân vận động của xã xem bóng đá và nhặt bóng giúp bố bởi, ông Tạo là một thành viên của đội bóng xã. Cũng chính từ những trận theo dõi bố đá bóng mà Văn Toàn có niềm đam mê bất tận với trái bóng.

“Em suốt ngày chỉ chơi với bóng thôi, không chơi thứ gì khác. Ăn cũng bóng, đi ngủ cũng phải ôm trái bóng mới chịu”, bà Đua nhớ lại.

Lên lớp 3, Văn Toàn tham gia vào đội bóng tiểu học của trường và giúp đội giành giải nhất toàn trường. Với tài năng của mình, Văn Toàn được gọi vào đội bóng của xã, sau đó, lên cấp huyện. Dù thi đấu ở cấp độ nào, Văn Toàn cũng thể hiện được khả năng, trở thành tâm điểm của đội bóng mình thi đấu.

Văn Toàn: Từ cậu bé nhặt bóng cho bố đến người làm nên lịch sử - 2

Văn Toàn tham gia đội bóng từ thời học tiểu học và nhanh chóng khẳng định được tài năng.

Năm lên 9 tuổi thì Văn Toàn được Sở Thể dục thể thao tỉnh Hải Dương thu nạp. Thi đấu ở cấp độ U11, dù thể hình nhỏ bé nhưng Văn Toàn rất nhanh nhẹn, khéo léo giúp đội bóng gặt hái được nhiều thành công.

Năm 2007, cơ hội tốt thực sự đến với Văn Toàn khi anh được Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai – Arsenal JMG của Bầu Đức tuyển chọn.

Từ bé, Văn Toàn đã thường xuyên phải sống xa nhà nên bà Đua thương con rất nhiều. Biết tin con được tuyển chọn vào Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai – Arsenal JMG, cả gia đình vừa mừng vừa lo. Mừng vì con có cơ hội được sống với niềm đam mê và có cơ hội phát triển nhưng lo vì con còn quá nhỏ, sống xa nhà sẽ chẳng dễ dàng.

“Ông nội biết tin, nói không cho Văn Toàn vào Gia Lai vì sợ xa nhà và sợ đá bóng dẫn đến chấn thương. Sau đó, gia đình phải thuyết phục nhiều ông mới đồng ý. Ông bảo, đi thì phải cố gắng để cho ông được vào sân vận động Mỹ Đình một lần”, bà Đua kể.

Thế nhưng đúng năm 2004, khi Văn Toàn đá cho U17 Việt Nam ở sân vận động Mỹ Đình thì ông nội ốm đau và qua đời. Một năm sau đó, bà nội cũng qua đời. Cả đám tang ông và bà nội, Văn Toàn đều không thể về vì bận tham dự giải. Sau giải đấu, Văn Toàn lại tranh thủ xin về nhà để thắp hương cho ông bà.

Văn Toàn: Từ cậu bé nhặt bóng cho bố đến người làm nên lịch sử - 3

Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai – Arsenal JMG là nơi đào tạo ra những cầu thủ hiện nay như Văn Toàn, Công Phượng, Xuân Trường…

Mẹ Văn Toàn rơi nước mắt khi đọc nhật ký của con

Những năm tháng Văn Toàn theo học ở Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai – Arsenal JMG, Văn Toàn rất ít khi về nhà. Phần vì bận học và tập luyện, phần vì vẫn còn nhỏ tuổi.

“Em rất là kiên cường và có tính tự lập. Hồi đầu, tôi vào với con nhưng chỉ 2-3 ngày là em nằng nặc bảo tôi về lo chuyện ở nhà và làm ăn. Tôi cũng định về nhưng các bác lãnh đạo bảo không được, các cầu thủ khác, bố mẹ phải ở với con ít nhất 1-2 tháng để các con làm quen với môi trường mới. Tôi ở cố lắm đến 1 tuần thì về.

Lần nào gọi điện về em cũng nói bố mẹ yên tâm, chỉ nói bố mẹ yên tâm chứ không bao giờ nói nhớ bố mẹ. Thế nhưng khi đọc được cuốn nhật ký của con, tôi đã rơi nước mắt vì con rất thương bố mẹ, rồi những lần ốm đau đều giấu vì sợ bố mẹ lo lắng”, bà Đua bùi ngùi kể.

Sau khi học phổ thông xong và ra thi đấu, Văn Toàn cũng rất ít có dịp về nhà vì thường xuyên phải thi đấu xa nhà. Bà Đua cho biết, mỗi năm, Văn Toàn về nhà không quá 15 ngày, thường là dịp Tết và những đợt thi đấu, tập luyện ở gần nhà về tranh thủ.

Văn Toàn: Từ cậu bé nhặt bóng cho bố đến người làm nên lịch sử - 4

Văn Toàn hồi 12 tuổi chụp ảnh kỷ niệm với cả gia đình trong một lần về thăm nhà.

Nói về sở trường của con trai, ông Tạo cho hay: “Văn Toàn nhỏ con nhưng rất nhanh nhẹn vì thế, sử dụng Văn Toàn ở thời điểm cuối trận đấu là rất hợp lý. Khi đó, các cầu thủ đối phương đã đuối sức, Văn Toàn sẽ dễ vượt qua hoặc quấy rối hàng thủ, tạo cơ hội cho đồng đội’.

Bàn thắng duy nhất của Văn Toàn ở trận tứ kết với U23 Syria đã giúp U23 Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử góp mặt ở trận bán kết ASIAD. Đối thủ của chúng ta sẽ là U23 Hàn Quốc. Trận đấu sẽ diễn ra vào ngày 29/8 tới đây.

“Dù được ra sân hay không, con hãy phấn đấu hết sức mình. Tôi tin Việt Nam sẽ giành chiến thắng”, đó là lời nhắn nhủ mà bố mẹ gửi cho Văn Toàn cùng toàn thể đội tuyển U23 Việt Nam.

Cầu thủ Văn Toàn nói gì với bố mẹ sau khi ghi bàn thắng lịch sử?

Sau khi ghi bàn thắng lịch sử giúp U23 Việt Nam lần đầu góp mặt ở bán kết sân chơi ASIAD, Văn Toàn đã gọi điện về chia...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
U23 Việt Nam Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN