Ủy ban Tư pháp chưa báo cáo vụ Hồ Duy Hải lên Thường vụ QH

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định như vậy trong buổi họp báo về kết quả kỳ họp Quốc hội, vừa bế mạc chiều nay, 19-6.

Tại cuộc họp báo sau kỳ họp Quốc hội chiều 19-6, trả lời câu hỏi của báo chí, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: “Đầu họp báo tôi có nói đây là vụ án phức tạp, trải qua 12 năm. Sau quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao, có nhiều ý kiến của dư luận cũng như các Đại biểu quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội có giao Ủy ban Tư pháp xem xét, báo cáo tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đây là thực hiện theo Điều 404 BLTTHS. Ngày 16-6, Ủy ban Tư pháp đã họp phiên toàn thể xem xét nội dung này.

Ủy ban Tư pháp đến nay chưa có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau khi Ủy ban Tư pháp báo cáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghe. Lúc đó sẽ có quyết định. Khi nào có kết quả cụ thể, chúng tôi sẽ thông tin với báo chí”.

Vụ Hồ Duy Hải cũng là vấn đề được báo chí quan tâm ở cuộc họp báo trước khi khai mạc kỳ họp Quốc hội. Lúc ấy, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao các cơ quan chuyên môn xem xét, giải quyết các kiến nghị trong vụ án Hồ Duy Hải.

Trước đó, như PLO đã đưa tin ngày 15-6, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã dành gần hết thời gian đăng đàn Quốc hội của mình để nói về vụ Hồ Duy Hải. Ông tập trung vào các luận cứ theo hướng khẳng định Hồ Duy Hải không oan, và cho biết có nhận được nhiều luồng dư luận khác nhau, nên “sẵn sàng trao đổi thông tin”, nếu đại biểu nào quan tâm.

Còn về phiên họp toàn thể Ủy ban Tư pháp, một số Ủy viên cho biết ý kiến phát biểu khá nhiều và đa dạng. Một ủy viên cảm nhận "vụ án chưa dừng lại ở đây".

Vụ án này xảy ra tháng 1-2008, tại Bưu điện Cầu Voi, huyện Thủ Thừa, Long An, với hiện trường là hai nữ nhân viên bưu điện bị sát hại dã man. Hai tháng sau, qua truy xét, Công an tỉnh Long An bắt giữ Hồ Duy Hải.

Tháng 12-2008, tòa sơ thẩm tuyên án tử hình Hải về hai tội giết người, cướp tài sản. Hải có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Đến tháng 4-2009, cấp phúc thẩm xử bác đơn. Liền sau đó, tử tù này làm đơn xin Chủ tịch nước ân giảm.

Tháng 5 và tháng 10-2011, cả Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao đều ra quyết định không kháng nghị và đề nghị Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm. Tháng 5-2015, Chủ tịch nước ra quyết định bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình của Hải.

Quá trình điều tra vụ án có nhiều vi phạm tố tụng, luật sư cũng như mẹ của Hải liên tục có đơn cho rằng bị oan. Tháng 12-2014, Văn phòng Chủ tịch nước có văn bản thông báo ý kiến của Chủ tịch nước, tạm dừng thi hành án với Hồ Duy Hải và yêu cầu Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao xem xét lại vụ án. Cũng khoảng thời gian này, Quốc hội có cuộc giám sát lớn về oan, sai trong tố tụng hình sự, và vụ án Hồ Duy Hải là một phần của cuộc giám sát ấy.

Tháng 2-2018, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội ra văn bản đề nghị lãnh đạo TAND Tối cao, VKSND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm vụ án.

Tháng 11-2019, Viện trưởng VKSND Tối cao ra quyết định kháng nghị và đến ngày 6-5 vừa rồi, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã mở phiên giám đốc thẩm, sau đó ra phán quyết bác kháng nghị này, kèm theo một kết luận gây tranh cãi, tuyên rằng kháng nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao là "vi phạm pháp luật tố tụng hình sự, không đúng thẩm quyền"

Sau đó, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí có báo cáo gửi Chủ tịch nước và Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vụ án này. Theo đó khẳng định viện vẫn giữ nguyên quan điểm kháng nghị và sẽ kiến nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xem xét lại quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao theo thủ tục đặc biệt, quy định tại Điều 404 BLTTHS.

Nguồn: [Link nguồn]

Các thành viên Ủy ban Tư pháp từng có quan điểm thế nào vụ án Hồ Duy Hải?

Cách đây gần 4 năm, Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội từng xin ý kiến các thành viên Ủy ban Tư pháp về kết quả...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Chân Luận- Đức Minh ([Tên nguồn])
Kỳ án tử tù Hồ Duy Hải Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN