Đại biểu Trương Trọng Nghĩa trả lời phỏng vấn vụ Hồ Duy Hải

Trước giờ phiên họp toàn thể về vụ án Hồ Duy Hải Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa, Ủy viên Ủy ban Tư pháp, trả lời phỏng vấn xung quanh vụ án này.

Sáng nay, 16-6, Ủy ban Tư pháp (UBTP) của Quốc hội họp phiên toàn thể để đánh giá theo thẩm quyền về kết quả giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao với vụ án Hồ Duy Hải.

Trước giờ phiên họp, PLO đã phỏng vấn qua điện thoại với luật sư (LS)- Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trương Trọng Nghĩa, Ủy viên Ủy ban Tư pháp.

Ủy ban Thẩm phán họp để xem xét vụ án theo luật

. Phóng viên: Khái quát đến lúc này, UBTP đã có những hoạt động gì liên quan đến vụ án này, thưa ông?

+ ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: Khóa trước, Quốc hội có giám sát chuyên đề về oan sai trong tố tụng hình sự, UBTP là bộ phận thường trực. Một số vụ việc có dấu hiệu oan, sai được đưa vào giám sát, trong đó có vụ Hồ Duy Hải. Ủy ban đã họp phiên toàn thể, và trên cơ sở đó có văn bản kiến nghị Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao kháng nghị.

Quang cảnh phiên tòa giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải. Ảnh: BCTP

Quang cảnh phiên tòa giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải. Ảnh: BCTP

Vụ án Hồ Duy Hải nay có diễn biến mới từ kết quả xử giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, thấy còn nhiều vấn đề có ý kiến khác nhau, nên UBTP tiếp tục họp để đánh giá. Theo tôi biết, chuẩn bị cho cuộc họp này, lãnh đạo Ủy ban đã lập một nhóm công tác nghiên cứu hồ sơ. Khi họp toàn thể, nhóm sẽ báo cáo, cung cấp các tài liệu cần thiết. Ủy ban sẽ thảo luận.

Hình thức họp toàn thể này không mới. Khóa này, UBTP cũng họp một cuộc như vậy, và có kiến nghị vụ cưa cây gỗ trắc chết khô ở Kon Tum, mà tôi nhớ là báo Pháp Luật TP HCM có theo đuổi.

. Được biết Ban Nội chính Trung ương cũng được giao chủ trì nghe các ban cán sự Đảng, Đảng đoàn của các cơ quan tố tụng trung ương, của Quốc hội báo cáo vụ này. Vậy có mối liên hệ nào với cuộc họp toàn thể của UBTP không?

+ Theo tôi hiểu, vụ việc mà dư luận quan tâm, bản thân các cơ quan tố tụng, cơ quan giám sát về tư pháp có ý kiến khác nhau như thế này thì Đảng quan tâm, yêu cầu báo cáo là bình thường và cần thiết.

Còn về mặt pháp lý, UBTP họp toàn thể, xem xét vụ án Hồ Duy Hải dù đã được Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao giám đốc thẩm là theo đúng thẩm quyền. Đảng đoàn Quốc hội cũng có thể báo cáo cấp có thẩm quyền của Đảng về kết quả cuộc họp này.

. BLTTHS 2015 bổ sung một thủ tục đặc biệt để Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể yêu cầu, UBTP, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao kiến nghị xem xét lại bản án đã được Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xét xử. Vậy cuộc họp này của UBTP có nằm trong tiến trình dẫn tới thủ tục đặc biệt ấy?

+ Cũng chưa biết được. Nhưng tôi đoán, cuộc họp này là theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Vì hôm họp báo giới thiệu kỳ họp Quốc hội này, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xem xét.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: Quochoi.vn

. Theo ông, các tranh cãi xung quanh vụ Hồ Duy Hải sẽ tác động thế nào tới hoạt động tư pháp, đặc biệt là cải cách tư pháp thời gian tới?

+ Những gì đang diễn ra cũng chính là kết quả của cải cách tư pháp.

Cải cách tư pháp bắt đầu từ Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị năm 2005 và từ đó mới sửa đổi toàn diện để có BLHS 2015, BLTTHS 2015. Cải cách tư pháp cũng tác động tới quá trình soạn thảo Hiến pháp 2013. Hiến pháp, các bộ luật đều đề cao quyền con người. Cũng từ cải cách tư pháp thì mới có thủ tục đặc biệt để xem xét lại bản án đã được xử ở cấp cao nhất là Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.

Các ĐBQH như ông Trương Hòa Bình khi là Chánh án TAND Tối cao, ông Nguyễn Hòa Bình khi là Viện trưởng VKSND Tối cao cũng đã đấu tranh cho những đổi mới tiến bộ này.

Những gì đang diễn ra quanh vụ án Hồ Duy Hải, theo tôi, đừng coi là cuộc tranh cãi. Vì tất cả đã có luật định rồi. Viện trưởng VKSND Tối cao kháng nghị theo luật, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao giám đốc thẩm theo luật, và nay UBTP họp xem xét vụ án cũng theo luật.

Tới đây, nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội có yêu cầu xem xét lại vụ án thì cũng là theo luật. Chúng ta tôn trọng quyết định của các cơ quan đó.

Thẩm phán chỉ nhẹ nhõm, ngủ ngon khi xử đúng luật

. Quan sát các vụ án oan, sai mà UBTP từng có ý kiến thì chủ yếu là có dấu hiệu ngoại phạm rõ ràng. Còn với vụ Hồ Duy Hải, cơ quan giám sát tư pháp chỉ đặt vấn đề là vi phạm tố tụng. Có thể hiểu đây là bước tiến mới, gây sức ép để nâng cao hơn nữa chất lượng tố tụng của các cơ quan tư pháp?

+ Đúng là có điểm khác biệt trong vụ án này với các vụ án oan trước đây. Tôi nghĩ, một sức ép như vậy là cần thiết. Vì thủ tục tố tụng sinh ra chính là để bảo vệ quyền con người, để xét xử đúng người, đúng tội.

Mẹ của Hồ Duy Hải trước trụ sở TAND Tối cao trong ngày xét xử giám đốc thẩm. Ảnh: CTV

Mẹ của Hồ Duy Hải trước trụ sở TAND Tối cao trong ngày xét xử giám đốc thẩm. Ảnh: CTV

Hiến pháp 2013, BLTTHS 2015 đều có các điều chỉnh, sửa đổi theo hướng đòi hỏi cao hơn về chuẩn mực tố tụng, chống oan sai. Người bị buộc tội phải được mặc định là vô tội. Cơ quan tố tụng phải thu thập chứng cứ một cách đầy đủ, khách quan, đúng quy định đến mức không còn một nghi ngờ hợp lý nào nữa.

Theo dõi vụ án Hồ Duy Hải thì tôi thấy chưa đáp ứng đẩy đủ các tiêu chuẩn ấy.

. Có thể đoán là 17 vị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao có niềm tin nội tâm rất lớn khi biểu quyết về vụ án tại phiên giám đốc thẩm. Nay, nếu phải lật lại vụ án này thì ông nghĩ liệu có dẫn tới giằng co tâm lý nào hay không?

+ Nghề nào cũng có “niềm tin nội tâm” cả. Nhưng niềm tin đó ở từng cơ quan tố tụng, từng giai đoạn tố tụng là khác nhau. Xét xử là khâu cuối cùng, đánh giá lại kết quả của cả quá trình điều tra, truy tố, thẩm phán phải đạt tới là chỉ theo pháp luật và chứng cứ. Người thẩm phán chỉ nhẹ nhõm, ngủ ngon giấc khi phán quyết của mình là đúng pháp luật, chứng cứ đầy đủ, chặt chẽ.

Cải cách tư pháp đang chuyển sang giai đoạn mới. Cách làm lâu nay, khi đã khởi tố, điều tra, truy tố, đưa ra xét xử thì hầu như không còn oan nữa, mà chỉ là định tội, định khung hình phạt nặng hay nhẹ thôi, tới đây phải thay đổi. Cần chấp nhận bỏ lọt nếu điều tra, truy tố mà không tới, không đạt.

Tòa án cần tuyên không đủ chứng cứ phạm tội, chứ không nên điệp khúc trả hồ sơ điều tra bổ sung theo hướng buộc tội như thói  quen.

Tất nhiên, đi kèm với đó là phải thay đổi tư duy quản lý trong chính các cơ quan tố tụng. Đừng nhất nhất coi khởi tố mà không truy tố được, truy tố mà không xử có tội được thì là khuyết điểm để rồi áp lực thành tích lên người tiến hành tố tụng.

. Xin cám ơn ông.

Nguồn: [Link nguồn]

Ủy ban Tư pháp đang họp về vụ án Hồ Duy Hải

Phiên họp không đưa ra kết luận về vụ Hồ Duy Hải mà sẽ có báo cáo gửi các cấp có thẩm quyền.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nghĩa Nhân ([Tên nguồn])
Kỳ án tử tù Hồ Duy Hải Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN