Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thành lập thị xã Việt Yên
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc ban hành Nghị quyết về việc thành lập thị xã Việt Yên (tỉnh Bắc Giang); thành lập thị trấn Hậu Hiền, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Thực hiện chương trình Phiên họp thứ 28, sáng 13-12, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc thành lập thị xã Việt Yên và các phường thuộc thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang; việc nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền thuộc huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết tỉnh Bắc Giang có 3.895,9 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 2.004.332 người; có 10 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện; 209 ĐVHC cấp xã.
Huyện Việt Yên có 171,01 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 229.162 người; có 17 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc (gồm 2 thị trấn và 15 xã).
Tỉnh Bắc Giang đề nghị thành lập thị xã Việt Yên trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của huyện Việt Yên; đồng thời thành lập 9 phường trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 2 thị trấn (Bích Động, Nếnh) và 7 xã (Tăng Tiến, Hồng Thái, Quảng Minh, Ninh Sơn, Vân Trung, Quang Châu, Tự Lạn) thuộc huyện Việt Yên.
Kết quả sau khi thành lập, thị xã Việt Yên không thay đổi về diện tích tự nhiên, quy mô dân số, có 17 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc (gồm 9 phường và 8 xã); 9 phường thuộc thị xã sau khi thành lập không thay đổi về diện tích tự nhiên và quy mô dân số.
Do đó, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc thành lập thị xã Việt Yên và 9 phường thuộc thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày tờ trình
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thành lập thị trấn Hậu Hiền
Về việc nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hoá và thành lập thị trấn Hậu Hiền thuộc huyện Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hoá, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị: Nhập toàn bộ 6,53 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số là 9.175 người của xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa; thành lập thị trấn Hậu Hiền trên cơ sở nguyên trạng 10,41 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số là 12.061 người của xã Minh Tâm (đổi tên Minh Tâm thành Hậu Hiền).
Thị trấn Thiệu Hóa mới có 17,21 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số là 28.352 người; thị trấn Hậu Hiền sau khi thành lập và đổi tên không thay đổi về diện tích tự nhiên và quy mô dân số.
Thay mặt cơ quan Thẩm tra Đề án, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với sự cần thiết thành lập thị xã Việt Yên và các phường thuộc thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang; nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền thuộc huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, với các lý do như đã thể hiện tại Tờ trình và Đề án của Chính phủ.
Tại phiên họp của Ủy ban Pháp luật trước đó, Ủy ban Pháp luật đã tiến hành biểu quyết với 100% thành viên tham dự phiên họp tán thành việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc thành lập thị xã Việt Yên và các phường thuộc thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang và Nghị quyết về việc nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền thuộc huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Về thời điểm có hiệu lực của 2 Nghị quyết, trường hợp được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, Ủy ban Pháp luật đề nghị xác định ngày có hiệu lực thi hành của các nghị quyết là ngày 1-2-2024.
100% Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham dự biểu quyết thông qua Nghị quyết về nội dung này
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ băn khoăn trong Tờ trình chưa đề cập đến nội dung liên quan đến quy hoạch - đây là vấn đề bắt buộc. Do vậy, cơ quan trình và cơ quan thẩm tra cần khẳng định rõ vấn đề này trước khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành biết quyết thông qua.
Về đổi tên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định đây là vấn đề phức tạp, cần làm rõ tại sao lại đổi tên từ Minh Tâm thành thị trấn Hậu Hiền?.
Bên cạnh đó, đối với xã Vân Hà nằm ở ngoài đê cần nghiên cứu, tính toán nên hay không nên sắp xếp, bố trí dân cư cho người dân khu vực thoát lũ. Mặc dù không nằm trong dự thảo nghị quyết nhưng trong phần sắp xếp có liên quan đến nhau - những vấn đề này cần làm rõ trước khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua.
Phát biểu kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết hồ sơ các đề án đã đảm bảo đầy đủ, quá trình chuẩn bị hồ sơ, thủ tục lâu dài. Tại phiên họp, 100% Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham dự đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về nội dung này. |
Nguồn: [Link nguồn]
Để xem xét và giải quyết một số nội dung cấp bách, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đang tính đến khả năng tổ chức 1 kỳ họp bất thường vào giữa tháng 1-2024.