Tướng Mỹ bị đồng minh bắn chết ở Afghanistan
Đây là viên tướng đầu tiên của Mỹ bị bắn chết ở nước ngoài kể từ sau cuộc chiến tranh ở Việt Nam đến nay.
Ngày 5/8, một viên tướng Mỹ đã thiệt mạng và 15 người khác bị thương, trong đó có một viên tướng Đức khi một kẻ mặc quân phục của quân đội Afghanistan xả súng vào một trường quân sự ở nước này.
Viên tướng Mỹ bị ám sát trong vụ xả súng kinh hoàng này là Trung tướng Harold Greene, một chỉ huy cấp cao thuộc lực lượng quân sự quốc tế ở Afghnistan ISAF. Ông này là quan chức quân sự cấp cao nhất của Mỹ bị bắn chết ở nước ngoài kể từ khi kết thúc cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
Trung tướng Harold Greene (phải) trong một cuộc họp quân sự
Vụ tấn công diễn ra vào đêm thứ Ba tại Đại học Quốc phòng Marshal Fahim ở thủ đô Kabul, và kẻ xả súng tấn công đã bị lực lượng bảo vệ tiêu diệt ngay tại chỗ.
Vụ tấn công này khiến dư luận đặt câu hỏi về khả năng của NATO trong việc huấn luyện và cố vấn cho lực lượng an ninh Afghanistan trong bối cảnh quân đội phương Tây đang dần rút ra khỏi nước này. Hai viên tướng trên gặp nạn trong khi tới làm việc ở ngôi trường trên.
Một quan chức Mỹ cho biết tay súng trên đã sử dụng một khẩu súng máy hạng nhẹ bắn vào các binh sĩ nước ngoài mà hắn ta gặp trên đường, và mô tả hắn là “kẻ khủng bố mặc quân phục”.
Trước đây, những vụ tấn công liên tiếp do chính các binh sĩ Afghanistan thực hiện nhắm vào lực lượng NATO đã làm xói mòn nghiêm trọng niềm tin giữa quân đội hai bên, trong khi NATO phải đảm nhận trọng trách huấn luyện 350.000 binh sĩ Afghanistan để họ có thể đương đầu với Taliban sau khi quân đội Mỹ và NATO rút đi.
Trong khi đó, Taliban lại cho rằng những vụ tấn công từ bên trong này chứng tỏ họ có khả năng xâm nhập sâu vào hàng ngũ đối phương.
Lính Mỹ thực hiện chiến dịch quân sự ở Afghanistan
Năm 2012, hàng chục vụ tấn công như vậy đã khiến lực lượng NATO phải có những biện pháp quyết liệt để hạn chế tiếp xúc với quân đội Afghanistan. Kể từ đó, số vụ tấn công do lính Afghanistan gây ra nhắm vào binh sĩ NATO giảm đáng kể, chỉ còn 15 năm 2013 vụ so với 48 vụ một năm trước đó.
Tuy nhiên, chính sự dè chừng và đề phòng lẫn nhau này đã ảnh hưởng đến việc hợp tác giữa liên quân và binh sĩ Afghanistan, khiến cho các chiến dịch quân sự chống Taliban càng trở nên khó khăn gấp bội.
Lầu Năm Góc cũng thừa nhận rằng họ không thể loại trừ được nguy cơ xảy ra các vụ tấn công từ bên trong “hèn nhát” như vậy, bởi Afghanistan từ trước tới nay “vẫn là một vùng chiến sự”.
Đến cuối năm nay, khi toàn bộ lực lượng liên quân rút đi, quân đội Afghanistan được họ dày công xây dựng từ năm 2001 sẽ phải tự mình đương đầu với các thách thức về huấn luyện, hậu cần và tác chiến, đặc biệt là trước đối thủ Taliban ngày càng lớn mạnh.
Hôm thứ Ba, một vụ tấn công tương tự xảy ra ở tỉnh Paktia, miền đông Afghanistan khi một cảnh sát địa phương nổ súng vào lực lượng quốc tế khiến nhiều người bị thương. Như đổ thêm dầu vào lửa, một vụ không kích do NATO thực hiện lại nhắm đúng vào một chiếc xe chở dân thường ở tỉnh Herat, khiến 4 thành viên của một gia đình thiệt mạng khi đang trên đường ăn cưới về nhà, trong đó có 2 trẻ em.