Tướng Đồng Sĩ Nguyên nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Tối 4/10, ngay sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên cho biết ông vừa gặp vị Đại tướng là người anh lớn của mình đúng 1 ngày trước đó.

Trao đổi với Báo Người Lao Động tối ngày 4/10, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Phó Thủ tướng), nguyên Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn - nói Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một thiên tài quân sự tầm cỡ thế giới, một nhân cách lớn.

Xin ông cho biết cảm giác của mình khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị Tổng tư lệnh tối cao, người “Anh cả” của Quân đội nhân dân Việt Nam vừa  ra đi mãi mãi?

Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên: Tôi luôn xem Đại tướng như người anh lớn của mình. Trước khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi đúng một ngày tôi có được gặp anh lần cuối. Lúc đó, anh đã mệt lắm rồi, không thể trò chuyện được lời nào.

Dù biết anh đã yếu lâu nay nhưng tối nay (ngày 4/10 - PV) khi nghe tin Đại tướng lâm chung, một cảm giác mất mát vô cùng lớn lao ập đến, gắn với đó là những ký ức hào hùng, chan chứa tình cảm mà anh em cùng nếm trải trong 2 cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Đất nước, dân tộc, nhân dân ta vô cùng vinh dự khi có một danh tướng lẫy lừng trên thế giới là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Hôm nay (ngày 4/10), toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã mất đi một vị Đại tướng tài ba lỗi lạc, một danh tướng ở tầm thế giới. Đây là sự mất mát, việc buồn của cả đất nước, của cả dân tộc ta.

Trong thời khắc tiếc thương này, ông nhớ nhất kỷ niệm nào trong cuộc đời binh nghiệp của mình với Đại tướng Võ Nguyên Giáp?

Tôi có rất nhiều kỷ niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong cuộc đời binh nghiệp của mình cũng như trong cuộc sống thường ngày. Ở đây tôi chỉ xin nói đến 2 ấn tượng và kỷ niệm vô cùng sâu đậm với Đại tướng trong cả quãng đời làm người lính cụ Hồ của tôi.

Thứ nhất là Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng là người quyết định việc chuyển từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, thắng chắc”. Kỷ niệm thứ hai là ở Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử Đại tướng cũng là “tác giả” của chiến lược “thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa” để giải phóng Miền Nam ruột thịt, thống nhất Tổ quốc.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Đại tướng có hỏi tôi: “Để thần tốc vào miền Nam mất bao nhiều thời gian?”. Tôi trả lời nếu tất cả cùng hành quân bằng ô tô thì mỗi quân đoàn di chuyển chỉ mất 5 ngày. Nghe xong Đại tướng nói: “Tuyệt vời” và quyết định xuất 3 quân đoàn vào tham chiến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Từ đó đã có đường Hồ Chí Minh kịp thời phục vụ cho chiến dịch vĩ đại của dân tộc và hoàn thành sứ mệnh vô cùng xuất sắc. Công lớn của  đường Hồ Chí Minh là công lớn của Đại tướng.

Cả hai chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam đã thể hiện sự thiên tài quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Thưa ông, sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là mất mát lớn của nhân dân, của đất nước, vậy ngoài việc tổ chức quốc tang thì Nhà nước, quân và dân ta cần có nghĩa cử tôn vinh như thế nào?

Toàn quân, toàn dân để tang Đại tướng. Nhưng để tôn vinh Đại tướng thì trong những ngày rất đau buồn này, toàn quân, toàn dân hãy cùng bày tỏ sự kính trọng ông bằng tấm lòng và những hành động tốt đẹp, nghĩa cử cụ thể trong mỗi công việc, việc làm của mình.

Tôn vinh một người anh hùng dân tộc, có công lớn trong việc thống nhất đất nước chính là xây dựng đất nước này ngày càng vững mạnh, tiếp tục công cuộc đổi mới, gia sức bảo vệ độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thế Dũng (Người lao động)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN