Trung - Nhật: Lãnh đạo mới, bế tắc cũ

Trung Quốc hôm nay chính thức có lớp lãnh đạo mới lên tiếp quản quyền lực, Nhật Bản sẽ có lãnh đạo mới vào tháng 12 tới đây. Rất nhiều khả năng đảng đối lập của cựu Thủ tướng Shinzo Abe sẽ thắng cử và lên cầm quyền.

Giới phân tích đang cho rằng với những gương mặt lãnh đạo này, Trung - Nhật vẫn khó tìm ra giải pháp nào khác cho xung đột trên biển hiện nay giữa hai cường quốc Đông Á.

Các học giả Trung Quốc nhận định rằng tân Tổng bí thư của Trung Quốc là Tập Cận Bình có thể sẽ có quan điểm cứng rắn với Tokyo.

Họ nói rằng cho dù Bắc Kinh mong muốn theo đuổi việc phát triển một cách hòa bình, hợp tác quốc tế và chính sách láng giềng tốt như là các trụ cột trong chính sách đối ngoại trong vòng 10 năm tới, các động thái bên ngoài như việc Nhật Bản tư hữu hóa các đảo tranh chấp với Trung Quốc có thể khiến cho việc thực thi đường lối đối ngoại theo các nguyên tắc trên trở nên khó khăn.

"Các vấn đề như là Nhật Bản quốc hữu hóa đảo Senkaku/Điếu Ngư, Mỹ đặt châu Á làm trọng tâm vốn có vẻ như là để kiềm chế Trung Quốc, và các tranh cãi với các quốc gia Đông Nam Á ở biển Đông sẽ tiếp tục ảnh hưởng lên dư luận Trung Quốc, chủ nghĩa dân tộc, lực lượng vũ trang và các cơ quan hàng hải' - Shi Yinhong, một giáo sư của Trường Nghiên cứu Quốc tế tại Bắc Kinh, nhận định.

Trung - Nhật: Lãnh đạo mới, bế tắc cũ - 1

Hai tàu tuần tra của Nhật chặn tàu chở các nhà hoạt động của Hong Kong muốn tiếp cận quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hồi tháng Tám vừa qua. Ảnh: AP

Trong khi đó, về phía Nhật Bản, lãnh đạo đảng đối lập Dân chủ Tự do (LDP) đang dẫn trước trong các thăm dò dư luận trước thềm tổng tuyển cử vào tháng tới. Ông Shinzo Abe nói rằng ông sẽ làm nhiều hơn để cải thiện quan hệ kinh tế với Trung Quốc, nhưng không chịu nhượng bộ Bắc Kinh trong vấn đề biển đảo.

Ông Abe thúc giục các chính sách kinh tế cần thiết để tạo đà cho nền kinh tế, đồng thời xây dựng nền tảng cho chính quyền vững mạnh trong bối cảnh nền kinh tế Nhật đang chững lại. Ông Abe cũng kêu gọi 'xây dựng lại' nước Nhật với kinh tế, quốc phòng và ngoại giao mạnh hơn.

"Chúng ta phải có các chính sách mạnh mẽ hơn là những gì mà chính quyền hiện tại đang có. Chúng ta cần các chính sách mạnh để chấm dứt lạm phát, ngoại giao mạnh mẽ và quốc phòng mạnh mẽ để xây dựng lại Nhật Bản".

Lãnh đạo Đảng LDP cũng tuyên bố là ông không nhượng bộ trong tranh cãi chủ quyền với Trung Quốc xung quanh quần đảo mà Tokyo gọi là Senkaku, Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

Ông Abe nói rằng ông có thể tăng ngân sách cho Lực lượng Bảo vệ Bờ biển của Nhật để đảm bảo rằng Trung Quốc không tạo ra tình huống mà trong đó, Bắc Kinh có thể tuyên bố rằng họ đang kiểm soát các hòn đảo này.

Tuy nhiên, ông Abe nhắc lại các nỗ lực từ khi ông còn làm Thủ tướng Nhật nhằm cải thiện quan hệ kinh tế với Trung Quốc năm 2006-2007.

"Khi tôi còn làm Thủ tướng, tôi đã công du tới Trung Quốc và giúp gây dựng nên quan hệ chiến lược dựa trên các quan hệ kinh tế mật thiết".

"Mối quan hệ về mặt kinh tế đều thiết yếu cho cả hai quốc gia và không nên bị tổn hại" - cựu Thủ tướng Abe nói.

Tranh cãi giữa Nhật Bản và Trung Quốc nổ ra liên quan tới quần đảo trên biển Hoa Đông đã gây thiệt hại đáng kể cho quan hệ kinh tế giữa hai nước.

Theo thăm dò dư luận hiện nay, đảng LDP đang chiếm ưu thế và nếu giành phần thắng, ông Abe có thể sẽ trở lại làm Thủ tướng Nhật vào năm sau.

Ông Shinzo Abe là người theo chủ nghĩa dân tộc và hay tới thăm ngôi đền chiến tranh Yasukuni gây tranh cãi. Mỗi lần lãnh đạo Nhật tới thăm ngôi đền này, Trung Quốc và Hàn Quốc đều nổi giận.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lê Thu (Vietnamnet/Kyodo/ Reuters)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN