Trịnh Xuân Thanh bị đề nghị xử nặng

VKS cho rằng bị cáo Trịnh Xuân Thanh phạm tội nặng, gian dối trong quá trình khai báo và đề nghị HĐXX có hình phạt thích đáng.

Ngày 3-2, phiên tòa xét xử bị cáo Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam - PVC) và 7 đồng phạm trong vụ án Tham ô tài sản xảy ra tại Công ty CP Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land) diễn ra phần tranh tụng.

Đúng người đúng tội

Đại diện VKS cho rằng hành vi của các bị cáo thỏa mãn tội "Tham ô tài sản". Căn cứ tài liệu chứng cứ, VKS quyết định truy tố Trịnh Xuân Thanh và các bị cáo tội danh trên là đúng người, đúng tội, đúng quy định. "Quá trình điều tra trước đây, bị cáo Trịnh Xuân Thanh khai báo gian dối. Sau khi bị cáo Thái Kiều Hương đòi lại 19 tỉ đồng, theo lời khai của bị cáo Đinh Mạnh Thắng, bị cáo Thanh còn chỉ đạo bị cáo Thắng nói với bị cáo Hương giữ bí mật về việc chuyển tiền cho Thanh và Thắng, coi như tiền mới đến Hương và được hợp pháp hóa thành tiền mua cổ phần" - đại diện VKS nêu rõ, đồng thời nhấn mạnh: "Bị cáo Thanh lần thứ hai bị đưa ra xét xử, bị luận tội về tội "Tham ô tài sản" - tội danh tham nhũng mà xã hội lên án. Do vậy, đề nghị HĐXX có hình phạt thích đáng đối với bị cáo để bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật".

Trịnh Xuân Thanh bị đề nghị xử nặng - 1

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh tại phiên tòa Ảnh: TTXVN

Trước kiến nghị trên, luật sư Trần Hồng Phúc, bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh, cho rằng VKS quy kết bị cáo không thành khẩn, khai báo gian dối thì cần có tài liệu chứng minh. "Theo tinh thần cải cách tư pháp, cần tôn trọng lời khai tại tòa chứ không chỉ căn cứ vào lời khai trong hồ sơ vụ án để nói bị cáo Trịnh Xuân Thanh không thành khẩn, khai báo gian dối" - luật sư Phúc lập luận.

Mong được gần vợ con

Trước khi vào phần nghị án, bị cáo Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm nói lời sau cùng. Trịnh Xuân Thanh cho biết trong thời gian ở trại giam, bị cáo nhận được thông tin từ gia đình và bạn bè vẫn luôn ủng hộ và tin tưởng mình. Bị cáo vẫn tin tưởng vào cuộc sống, xã hội và HĐXX. "Bị cáo muốn nói điều ấy để cảm ơn tất cả những người thân, những người chia sẻ, những người bạn mới là luật sư, công an đã dẫn bị cáo đi xét xử, cảm ơn một cách thật tâm vì họ đã đối xử với bị cáo một cách chân thành" - Trịnh Xuân Thanh nói.

Trịnh Xuân Thanh mong HĐXX xem xét kỹ về việc quy kết bị cáo ngoan cố hay không ngoan cố. Bị cáo cho rằng với tình cảm của những người bạn mới, xã hội dành cho bị cáo, bị cáo tin HĐXX cũng vậy, để cho bị cáo không có một mức án quá nặng. "Nguyện vọng của bị cáo là sau khi có án, bị cáo được gần với vợ con, nếu có chết thì chết trong vòng tay vợ con" - bị cáo Thanh nói.

Bị cáo Đinh Mạnh Thắng, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Thương mại dầu khí Sông Đà (em ông Đinh La Thăng), nói đã nhận thức được hành vi phạm tội của mình. Trong quá trình điều tra, xét xử đã thành khẩn khai báo. Tuy nhiên, bị cáo thấy mình vô tình, không biết gì trong việc mua bán cổ phần. Với các điều kiện, tình tiết giảm nhẹ, quá trình công tác của bản thân, bị cáo mong HĐXX xem xét tội danh để phán xử công tâm với mức án thấp nhất để bị cáo sớm về với gia đình.

Dự kiến ngày 5-2, TAND TP Hà Nội sẽ tuyên án.

Ông Đinh La Thăng kháng cáo

TAND TP Hà Nội ngày 3-2 cho biết đã nhận được đơn kháng cáo xin giảm nhẹ một phần hình phạt của 12/22 bị cáo trong vụ án tham ô, cố ý làm trái xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty PVC. Trong số đó có ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên PVN và Trịnh Xuân Thanh.

Trong đơn kháng cáo, ông Đinh La Thăng cho rằng mức phạt 13 năm tù về tội "Vố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" với mình là quá khiêm khắc. Bản án sơ thẩm chưa xem xét đầy đủ, công bằng, khách quan và giới hạn phạm vi trách nhiệm của ông. Trong đơn kháng cáo, ông Thăng nêu suốt quá trình điều tra và tại phiên tòa, ông đã thành tâm nhìn nhận trách nhiệm song chưa được HĐXX đánh giá thỏa đáng. Kết quả giám định thiệt hại của vụ án chưa bảo đảm căn cứ pháp lý. Qua đó, ông Đinh La Thăng đề nghị TAND Cấp cao tại Hà Nội xem xét lại tội danh, hình phạt và mức liên đới bồi thường sao cho phù hợp với bản chất vụ án cũng như đánh giá đúng vai trò, trách nhiệm của ông.

Trong đơn kháng cáo, ông Trịnh Xuân Thanh đề nghị tòa cấp phúc thẩm xem xét lại cho mình về cả trách nhiệm hình sự và dân sự. Trịnh Xuân Thanh cho rằng bản thân không tham gia vào các hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản như bản án sơ thẩm đã tuyên.

Trước đó, trong vụ án này, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt ông Đinh La Thăng 13 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". Trịnh Xuân Thanh án chung thân về tội "Tham ô tài sản". 20 bị cáo khác nhận từ 30 tháng tù cho hưởng án treo đến 22 năm tù giam.

Trịnh Xuân Thanh nói mong khi chết được trong vòng tay vợ con

Sáng nay (3.2) phiên tòa xét xử bị cáo Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm về tội "Tham ô tài sản" đã kết thúc phần...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ng.Hưởng (Người lao động)
Vụ Trịnh Xuân Thanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN