Bất ngờ vụ Ethanol Phú Thọ: Có người xin bồi thường thay cho Trịnh Xuân Thanh

Giám đốc Công ty Mai Phương xin bồi thường thay cho Trịnh Xuân Thanh về khoản tiền thiệt hại của PVC, để được giữ lại khu đất 3.400 m2 ở thị trấn Tam Đảo (Vĩnh Phúc).

Chiều 27-9, TAND Cấp cao tại Hà Nội tiếp tục xét xử phúc thẩm vụ án vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học (Ethanol) Phú Thọ.

Ngoài sáu bị cáo, Công ty TNHH Đầu tư Mai Phương cũng có đơn kháng cáo, đề nghị tòa phúc thẩm xem xét trả lại 3.400 m2 đất tại thị trấn Tam Đảo (Vĩnh Phúc).

Trình bày tại tòa, đại diện Công ty Mai Phương đưa ra sáu căn cứ để phản bác bản án sơ thẩm. Vị đại diện nói quá trình giải quyết vụ án, PVC chỉ yêu cầu bồi thường thiệt hại chứ không không yêu cầu trả lại khu đất, nhưng tòa sơ thẩm lại tuyên trả khu đất cho công ty này.

Hơn thế, giao dịch chuyển nhượng khu đất là ngay tình, khu đất không phải là vật chứng của vụ án, PVC cũng không phải là chủ sở hữu nên không thể tuyên trả lại cho PVC. Cùng với đó, PVC chỉ bị thiệt hại hơn 13 tỉ đồng nhưng lại được bồi thường cả khu đất, trong khi khu đất có giá trị lớn hơn rất nhiều…

Ông Kiều Đào Lâm, Giám đốc Công ty Mai Phương trình bày tại tòa. Ảnh: TP

Ông Kiều Đào Lâm, Giám đốc Công ty Mai Phương trình bày tại tòa. Ảnh: TP

Đáng chú ý, tại tòa, ông Kiều Đào Lâm (Giám đốc Công ty Mai Phương) bất ngờ đưa ra đề nghị về việc công ty này sẽ đứng ra bồi thường thay cho Trịnh Xuân Thanh và Đỗ Văn Hồng (cựu chủ tịch HĐQT PVC Kinh Bắc) về khoản tiền gây thiệt hại hơn 13 tỉ đồng cho PVC.

Đổi lại, ông Lâm mong muốn công ty được tuyên trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với khu đất 3.400 m2 tại thị trấn Tam Đảo.

Ông Lâm khẳng định đã mua lô đất với giá 45 tỉ đồng bằng số tiền hợp pháp của cá nhân tôi đã được cơ quan điều tra xác minh. “Nếu mảnh đất này bị thu hồi thì công ty chúng tôi chắc chắn sẽ phá sản, cuộc sống của người thân trong gia đình tôi sẽ bị khó khăn và ảnh hưởng nghiêm trọng” – vị này nghẹn ngào.

Ông Lâm cũng cho rằng nếu HĐXX chấp nhận đề nghị trên, số tiền mà Trịnh Xuân Thanh và Đỗ Văn Hồng gây thiệt hại cho nhà nước được khắc phục hoàn toàn, đồng thời đảm bảo quyền lợi của bên thứ ba ngay tình.

“Nếu được chấp thuận, chúng tôi sẽ thu xếp nộp ngay số tiền hơn 13 tỉ đồng cho PVC để công ty có thể tiếp tục duy trì hoạt động. Việc thanh toán khoản tiền này, công ty chúng tôi sẽ tự giải quyết với bà Nga (vợ ông Trịnh Xuân Thanh - PV) ở một vụ án dân sự khác” – ông Lâm nói.

Sau khi nghe đề nghị trên, HĐXX hỏi đại diện PVC có ý kiến gì không. Vị đại diện nói chỉ là người được ủy quyền tham dự phiên tòa, nên không thể quyết định có đồng ý hay không. “Tôi phải xin ý kiến của lãnh đạo công ty, và sẽ báo cáo lại tòa sau” – vị này nói.

Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 3-2021, ngoài tuyên mức án đối với các bị cáo, TAND TP Hà Nội còn cho rằng diện tích 3.400 m2 đất tại thị trấn Tam Đảo chuyển nhượng bằng tiền có nguồn gốc từ PVC, được sử dụng trái pháp luật thông qua hợp đồng và chủ trương góp vốn của Trịnh Xuân Thanh.

Vì vậy, tòa nhận định PVC là chủ thể có quyền sử dụng hợp pháp của khu đất khu đất nêu trên; PVC có quyền liên hệ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để tiến hành các thủ tục xác định lại quyền sử dụng khu đất theo quy định của pháp luật…

Về quan hệ dân sự giữa PVC với PVC Kinh Bắc trong việc xác định tỉ lệ vốn góp, giữa PVC Kinh Bắc với Công ty Mai Phương và các cá nhân khác trong việc chuyển nhượng, quản lý, sử dụng và xây dựng trên khu đất 3.400 m2, tòa xác định các bên liên quan có quyền tự giải quyết, nếu tranh chấp thì có quyền khởi kiện bằng vụ án dân sự khác.

Đã chuyển nhượng qua nhiều người

Theo nội dung vụ án, Trịnh Xuân Thanh bàn bạc với Đỗ Văn Hồng (cựu chủ tịch HĐQT PVC Kinh Bắc) về việc PVC sẽ cho PVC Kinh Bắc tạm ứng 25 tỉ đồng, vượt quá hợp đồng mà hai bên đã ký kết.

Sau khi nhận tiền, Hồng sử dụng 23,8 tỉ đồng để mua khu đất 3.400m2 tại Tam Đảo. Nhằm hợp thức hóa số tiền tạm ứng, các bị cáo chuyển số tiền 21 tỉ đồng (trong số 25 tỉ đồng tạm ứng) thành tiền góp vốn của PVC tại PVC Kinh Bắc dưới hình thức gán trừ công nợ.

Tiếp đó, Thanh thành lập công ty Mai Phương, nhờ cha ruột đứng tên. Thanh đề nghị Hồng chuyển nhượng lại khu đất này từ PVC Kinh Bắc sang cho công ty Mai Phương với giá 23,8 tỉ đồng. Tuy nhiên, Thanh mới chỉ trả 20,8 tỉ đồng, số tiền 3 tỉ đồng còn lại bị cáo không trả.

Tháng 8-2015, cha bị cáo Thanh chuyển nhượng toàn bộ công ty Mai Phương gồm cả thửa đất 3.400m2 cho vợ của bị cáo là bà Trần Dương Nga.

Gần một năm sau, bà Nga tiếp tục chuyển nhượng toàn bộ tài sản công ty Mai Phương cho ông Kiều Đào Lâm (trú tại Vĩnh Phúc) với giá 45 tỉ đồng.

Ngày 24-12-2019, Cơ quan ANĐT Bộ Công an ra quyết định tạm giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại khu đất 3.400m2 do công ty Mai Phương đứng tên. 

Nguồn: [Link nguồn]

Vụ Ethanol Phú Thọ: Không triệu tập ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh đến tòa

Trong phiên phúc thẩm vụ Ethanol Phú Thọ, tòa không triệu tập ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh; hai người này không kháng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuyến Phan ([Tên nguồn])
Vụ Trịnh Xuân Thanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN