Trẻ trả lại ví, người lớn tranh cướp lộc

Nhặt được chiếc ví bên trong có nhiều tiền, thẻ ngân hàng cùng giấy tờ quan trọng, Nhân cùng mẹ đã liên lạc tìm trả lại cho chủ nhân đánh mất.

Trả lại ví hơn 30 triệu

Nguyễn Tuấn Nhân hiện là học sinh lớp 7C, trường THCS Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi). Tối 15/2, trên đường đi chơi về đến thôn Đại An Đông, xã Hành Thuận, Nhân thấy một chiếc ví phụ nữ bị rơi giữa đường.

Sau khi kiểm tra, thấy trong ví có nhiều tiền, điện thoại di động cùng nhiều giấy tờ, thẻ ngân hàng, Nhân vội đem ví chạy nhanh về nhà đưa cho mẹ. Thấy con nhặt được ví, chị Võ Thị Hồng Hạnh, mẹ Nhân, lấy điện thoại di động của chủ nhân trong ví gọi điện liên lạc người thân để nhận lại.

Chủ nhân của chiếc ví được xác định là chị Nguyễn Thị Quỳnh Trâm, là nhân viên một ngân hàng trên địa bàn Quảng Ngãi.

Theo chị Trâm, chị bị rơi ví khi trên đường đi chúc Tết. Trong ví có 2 triệu tiền mặt, nhiều tiền USD, một điện thoại di động giá trị trên 5 triệu đồng và 2 thẻ tài khoản ngân hàng (trên 30 triệu đồng) cùng nhiều giấy tờ khác.

“Tôi nghĩ sẽ không tìm lại được, vì trong ví có nhiều tiền và tài sản có giá trị. Có người nhặt được chắc chắn cũng sẽ giữ cho mình, đó là điều bình thường. Không ngờ em Nhân và gia đình lại phải cất công tìm tôi để trả lại", chị Trâm xúc động cho biết.

Ngay trong đêm, chị Trâm đến nhà chị Hạnh nhận lại túi xách và gửi tặng Nhân 600 ngàn đồng tỏ lòng cảm ơn. Tuy nhiên, Nhân kiên quyết từ chối. Nhân coi đó là việc làm hết sức bình thường.

Trẻ trả lại ví, người lớn tranh cướp lộc - 1

Em Nguyễn Tuấn Nhân đã cùng mẹ trả lại chiếc ví với hơn 30 triệu cho người bị mất

Người mẹ Võ Thị Hồng Hạnh bộc bạch: “Thấy con nhặt được ví, biết nó rất quan trọng nên tìm mọi cách để trả lại cho người bị mất".

Sáng 19/2, trường THCS Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) đã tuyên dương em Nguyễn Tuấn Nhân vì tấm gương sáng, trả lại tài sản nhặt được có giá trị lớn.

Cô giáo Nguyễn Thị Tiền cho biết, Nhân là học sinh khá trong lớp, bản tính ngoan hiền, trung thực. Còn thầy Nguyễn Tấn Quang – Hiệu trưởng trường THCS Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành tự hào nói: “Đây là hành động đáng biểu dương khen ngợi, Ban giám hiệu nhà trường sẽ biểu dương, khen thưởng em Nhân trước toàn trường vào buổi chào cờ thứ 2 tuần tới”.

Được biết, Nhân là con cả trong gia đình có hai anh em, mẹ không có việc làm ổn định, bố là kỹ thuật viên pháp y của Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi. Công việc đầy vất vả, độc hại, tiền lương ít ỏi vừa đủ trang trải cho cả gia đình. Nghề của anh gắn liền với nghề mổ tử thi.

Điều kiện không khá giả, nhưng cả hai anh em Nhân đều ngoan hiền, phụ mẹ lo việc gia đình khi cha vắng nhà. Kể về con trai Nguyễn Tuấn Nhân, anh Uý cho biết: “Từ nhỏ cháu Nhân đã có tính, không lấy bất cứ vật gì khi không phải của mình. Nhiều lần Nhân nhặt của rơi nhưng đều tìm trả lại cho người bị mất”.

Người lớn tranh nhau cướp chuối, oản

Hành động của đứa trẻ không tham lam, không chiếm tài sản của người khác đã khiến người lớn phải xấu hổ. Không chỉ hôi của, cướp tiền khi thấy người bị nạn, ngay tại các lễ hội đầu năm cũng vẫn diễn ra những cảnh tranh giành, giẫm đạp để cố cướp cho bằng được tí "lộc trời".

Trẻ trả lại ví, người lớn tranh cướp lộc - 2

Xô đẩy, leo trèo, tranh giành xin oản, chuối

Mùng 7 Tết, hàng nghìn người đổ về Bàn Giản (Lập Thạch, Vĩnh Phúc). Hàng trăm chiếc xe máy bị giẫm bẹp, hàng trăm người không ngại nhảy lên đầu nhau, nằm đè lên nhau vì người dân tranh cướp cố sờ cho được quả phết để lấy may dịp đầu năm.

Tại Tây Sơn (Hà Nội), trước Tổ đình Phúc Khánh, tối 17/2, hàng nghìn người dân đã không đủ kiên nhẫn chờ nhà chùa phát lộc, chuối, oản mà đã chen lấn, xô đẩy, tranh giành để xin cho được lộc chùa.

Nói như GS Lê Đức Thịnh, "ở nơi linh thiêng đó người ta còn cướp được, vậy tự hỏi ở đời, nếu có cơ hội, bao nhiêu người sẽ ngoảnh mặt làm ngơ mà không cướp “lộc đời”.

Nhớ lại một video clip quay lại cảnh ăn buffet tại một nhà hàng ở TP.HCM được đăng tải trên mạng từ tháng 7/2012 khiến cư dân mạng choáng váng.

Nhiều người đã gọi "miếng ăn là miếng nhục", khi có hàng chục người lớn nhào vào, vồ lấy chút thức ăn trên bàn, cảnh giành giật diễn ra huyên náo.

Ai cũng cố giành lấy cho được nhiều, nhưng cuối cùng lại bỏ thừa vì ăn không hết.

Đại diện câu lạc bộ Ẩm thực Việt Nam đã phải thốt lên "không thể chấp nhận được. Người Việt xấu hổ với nhau đã đành, mà còn bạn bè quốc tế, họ nhìn vào kiểu ăn ấy họ sẽ đánh giá thế nào về văn hóa và con người Việt Nam? Đừng để vì miếng ăn mà làm mất thể diện cả dân tộc!”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hiếu Lam (Đất Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN