TPHCM: Đề xuất tăng 5 lần mức phạt vi phạm giao thông

Sự kiện: Tin TP Hồ Chí Minh

Đề xuất này được nêu ra trong hội thảo do Sở GTVT và Trường ĐH Quốc tế tổ chức, để giảm tai nạn giao thông, đồng thời giúp giảm ùn tắc giao thông.

TPHCM: Đề xuất tăng 5 lần mức phạt vi phạm giao thông - 1

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đang phát biểu tại hội thảo

Tại Hội thảo “Các giải pháp giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn TP.HCM” diễn ra vào sáng 29.3, lãnh đạo UBND TP.HCM, UBATGT Quốc gia, Bộ GTVT, Sở GTVT TP.HCM và các nhà khoa học đã cùng nhau thảo luận về những giải pháp cụ thể.

Ùn tắc giao thông do đâu?

Theo báo cáo của Sở GTVT TP.HCM, thành phố đang có khoảng 7,5 triệu xe hoạt động, trong đó có khoảng 500.00 ô tô và 7 triệu xe máy. Riêng đường sắt quốc gia Hà Nội - TP.HCM có 14,3km đi qua địa phận TP.HCM và đi qua 26 vị trí đường cắt ngang trên địa bàn - đây là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc giao thông.

PGS.TS. Hồ Thanh Phong - Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) đánh giá: Trong những năm qua, TP.HCM có sự tăng trưởng mạnh về kinh tế, và có trên 8 triệu người sinh sống. Tuy nhiên, tỉ lệ đáp ứng giao thông công cộng chưa cao, tỉ lệ kẹt xe vào giờ cao điểm tiếp tục tăng, hệ thống giao thông còn nhiều bất cập.

Cùng quan điểm, ông Lê Văn Khoa - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá: “Quá trình đô thị hóa ở TP.HCM phát triển rất nhanh, dân nhập cư, phương tiện giao thông cá nhân không ngừng tăng... khiến việc giảm ùn tắc giao thông ngày càng gặp nhiều khó khăn và phức tạp”.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, ùn tắc giao thông là do chưa có giải pháp hữu hiệu kiểm soát phương tiện giao thông cá nhân, phương tiện giao thông công cộng dù đã phát triển nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại, việc quản lý vỉa hè còn nhiều bất cập, thiếu hạ tầng giao thông cho người đi bộ và xe đạp, khó khăn trong giải tỏa mặt bằng,...

Nhiều giải pháp được đưa ra

Trong hội thảo, đại diện Trường ĐH Quốc tế đã trình bày giải pháp giao thông thông minh VietTraffic được cho là có thể góp phần làm giảm tinh trạng ùn tắc giao thông. Theo đó, hệ thống này sẽ phân tích, đánh giá khi chuyển đổi từ đường 2 chiều sang 1 chiều và ngược lại, đánh giá thực trạng nếu mở đường, xây thêm cầu vượt... Ngoài ra, hệ thống còn sử dụng các sensor (cảm biến gia tốc), camera để đo chính xác tốc độ xe chạy, đếm lưu lượng xe,...

TPHCM: Đề xuất tăng 5 lần mức phạt vi phạm giao thông - 2

 Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) đang trình bày giải pháp “Giao thông thông minh”

Hiện, hệ thống này đang được triển khai thí điểm trên một số mạng lưới giao thông như mạng lưới Q.10 và vòng xoay Lăng Cha Cả, thu được kết quả đáng tin cậy.

PGS.TS. Nguyễn Văn Hiệp (Khoa Kỹ thuật xây dựng, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) cho rằng, tình trạng ùn tắc giao thông còn liên quan tới tai nạn giao thông. “Ùn tắc giao thông có thể không do tai nạn giao thông gây ra nhưng tai nạn giao thông thường kéo theo ùn tắc giao thông”, ông Hiệp khẳng định.

Cũng theo ông Hiệp, hiện đang có nhiều biển báo nhỏ hoặc chứa quá nhiều thông tin trên một biển báo, chẳng hạn biển báo ở giao lộ Cát Lái. Ngoài ra, hông của các cầu vượt chưa được tận dụng để gắn bảng chỉ đường.

TPHCM: Đề xuất tăng 5 lần mức phạt vi phạm giao thông - 3

PGS.TS. Nguyễn Văn Hiệp

Về mức phạt vi phạm giao thông, ông Hiệp đề xuất tăng 3 đến 5 lần, kết hợp với việc phải học lại luật giao thông, thậm chí thi lại bằng lái một cách nghiêm túc và khó khăn - trái với quan điểm hiện hành là “tạo điều kiện thuận lợi”, vì dễ làm cho người vi phạm giao thông trở nên “lờn”.

“Rất nhiều tuyến đường “điểm” về văn minh đô thị, trật tự đô thị,... của rất nhiều quận đã được công nhận một cách rất hình thức, gây phản cảm cho người dân. Các tuyến đường này là nơi thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông, như đường Nguyễn Trãi (Q.5), Nguyễn Tri Phương (kéo dài qua Q.5, Q.10)”, ông Hiệp nói.

Ông Nguyễn Ngọc Đông - Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, năm 2015, trên địa bàn TPHCM đã xảy ra 3.712 vụ tai nạn giao thông, làm chết 703 người và làm bị thương 3.302 người. So với năm 2014, đã giảm 626 vụ (14,4%), giảm 24 người chết (3,3%), giảm 727 người bị thương (18%).

Cũng theo báo cáo của Bộ GTVT, năm 2011, TP.HCM đã xảy ra 31 vụ ùn tắc giao thông. Đến tháng 9.2015, TP.HCM không còn xảy ra vụ ùn tắc giao thông nghiêm trọng nào (tức ùn tắc trên 30 phút), thay vào đó đã xảy ra 18 vụ ùn ứ giao thông nghiêm trọng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Phạm ([Tên nguồn])
Tin TP Hồ Chí Minh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN