Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un sẽ bàn gì tại Hà Nội?

Giới chức Mỹ tiết lộ ưu tiên của họ lần này là cùng Triều Tiên nhất trí khái niệm chung về "phi hạt nhân hóa hoàn toàn".

Cộng đồng quốc tế đang kỳ vọng Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 tại Hà Nội trong hai ngày 27 và 28-2 sẽ đạt thêm nhiều tiến triển với một loạt vấn đề "nóng" dự kiến được đưa ra thảo luận.

Lịch trình dày đặc

Hãng tin Yonhap hôm 26-2 dẫn lời phát ngôn viên Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Kim Eui-kyeom cho biết lịch trình dày đặc của hội nghị sẽ tạo điều kiện để 2 nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên gặp nhau ít nhất 5 lần và đạt được những bước tiến lớn.

"Dựa trên lịch trình được Nhà Trắng công bố và chương trình chúng tôi biết được, Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un dự kiến có những cuộc thảo luận kỹ lưỡng khi gặp nhau" - ông Kim Eui-kyeom nói, đồng thời nhắc lại khả năng 2 nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.

Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un sẽ bàn gì tại Hà Nội? - 1

Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un sẽ bàn gì tại Hà Nội? - 2

Người dân Hà Nội chào đón Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump, ngày 26-2 Ảnh: NGÔ NHUNG - VĂN DUẨN

Tại hội nghị lần đầu tiên ở Singapore hồi tháng 6-2018, hai bên đạt thỏa thuận về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên nhưng đến nay vẫn chưa có thêm nhiều tiến triển. Đáng chú ý, thỏa thuận này không nêu rõ loại vũ khí hạt nhân nào sẽ bị tiêu hủy hoặc lộ trình cụ thể cho bước đi này. Thực tế cho thấy sau hội nghị trên, hai bên có quan điểm khác nhau về phi hạt nhân hóa.

Các cuộc đàm phán tiếp theo nhanh chóng rơi vào bế tắc bởi Mỹ đòi hỏi Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược. Nói cách khác, mục tiêu bao trùm lâu nay của Washington là Bình Nhưỡng tiêu hủy kho vũ khí hạt nhân, chấm dứt sản xuất loại vũ khí này và tên lửa đạn đạo liên lục địa có thể mang đầu đạn hạt nhân. Trong khi đó, truyền thông Triều Tiên cuối năm ngoái tuyên bố nêu rõ định nghĩa của nước này về phi hạt nhân hóa bao gồm "loại bỏ hoàn toàn mối đe dọa hạt nhân của Mỹ" - ám chỉ đến "chiếc ô hạt nhân" của Mỹ bảo vệ các đồng minh ở châu Á.

Hướng tới bình thường hóa quan hệ

Vì thế, tờ USA Today (Mỹ) cho rằng hội nghị thượng đỉnh lần 2 sẽ tập trung bàn về thỏa thuận phi hạt nhân hóa đã được Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un ký tại Singapore. Giới quan sát đang chờ xem 2 bên sẵn sàng đi xa đến đâu trong các cuộc đàm phán sắp tới.

Giới chức Mỹ tiết lộ ưu tiên lần này là đạt được một khái niệm chung về phi hạt nhân hóa với phía Triều Tiên. Những ưu tiên khác của Washington tại hội nghị là nhất trí về một lộ trình cụ thể cho các cuộc đàm phán trong tương lai và thuyết phục Bình Nhưỡng đóng băng tất cả hoạt động phát triển hoặc sản xuất vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của mình.

Trong khi đó, theo Reuters, mục tiêu chính của Bình Nhưỡng tại hội nghị nhiều khả năng kêu gọi chấm dứt các biện pháp trừng phạt kinh tế do Mỹ và Liên Hiệp Quốc áp đặt. Lập trường lâu nay của Mỹ là các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên sẽ không được dỡ bỏ chừng nào Bình Nhưỡng chưa phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Tuy nhiên, ông Stephen Biegun, Đặc sứ của Mỹ về Triều Tiên, hồi tháng rồi nhấn mạnh điều này không có nghĩa là "chúng tôi sẽ không làm gì cho tới khi các bạn làm mọi chuyện".

Ngoài ra, Bình Nhưỡng đang kêu gọi một thỏa thuận hòa bình với Washington nhằm bình thường hóa quan hệ và chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên. Theo Reuters, Mỹ dường như không muốn ký kết một hiệp ước hòa bình toàn diện trước khi Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cũng phát đi tín hiệu rằng họ sẵn sàng ký kết một thỏa thuận nhằm giảm căng thẳng, mở văn phòng liên lạc và hướng tới bình thường hóa quan hệ với Triều Tiên.

Ở chiều ngược lại, nhà lãnh đạo Kim Jong-un hồi tháng 1 vừa qua tuyên bố Triều Tiên cũng sẵn sàng mở lại khu công nghiệp Kaesong và các tour đến khu nghỉ mát Kumgang mà không cần bất kỳ điều kiện tiên quyết nào. Dù vậy, các dự án liên Triều này muốn được nối lại thì đòi hỏi phải nới lỏng trừng phạt.

Trong bước đi được xem là cần thiết để bảo đảm một số nhượng bộ từ Mỹ, Triều Tiên cho biết có thể cho phép thanh sát viên quốc tế giám sát quá trình tháo dỡ lò phản ứng hạt nhân tại Yongbyon. Dù vậy, ông Kim Jong-un nói thêm Triều Tiên đang tìm kiếm "những hành động thiết thực tương ứng" từ Mỹ - tức chấm dứt chính sách thù địch và dỡ bỏ trừng phạt, theo giải thích của hãng thông tấn Triều Tiên KCNA hôm 20-12-2018.

Một số chuyên gia chỉ ra rằng tại Hội nghị Thượng đỉnh lần 2, Mỹ và Triều Tiên sẽ phải tìm được tiếng nói chung về trình tự các bước đi mới hướng đến phi hạt nhân hóa bởi bên nào dường như cũng muốn bên kia thực hiện trước. 

Hé lộ chương trình nghị sự

Theo hãng tin Reuters, phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders tiết lộ với các phóng viên trên chuyên cơ rằng Tổng thống Donald Trump sẽ có cuộc gặp riêng với Chủ tịch Kim Jong-un vào tối 27-2, sau đó hai nhà lãnh đạo sẽ ăn tối cùng nhau với sự tham dự của 2 quan chức khác và phiên dịch.

CNBC đưa tin theo nguồn tin riêng, 2 quan chức tháp tùng Tổng thống Trump dự bữa tối là Ngoại trưởng Mike Pompeo và quyền Chánh Văn phòng Nội các Mick Mulvaney.

Reuters cũng cho hay vào sáng 27-2, Tổng thống Donald Trump sẽ có cuộc gặp với các nhà lãnh đạo của Việt Nam trước khi bắt đầu cuộc họp thượng đỉnh với Chủ tịch Kim Jong-un. Các cuộc họp tiếp theo giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều dự kiến tiếp tục trong ngày 28-2. Còn về phía Triều Tiên, Chủ tịch Kim Jong-un sẽ đi cùng trợ lý Kim Yong Chol và một "phụ tá thứ ba".

Trong ngày 28-2, hai nhà lãnh đạo sẽ có nhiều cuộc gặp gỡ khác, theo thông tin từ người phát ngôn Nhà Trắng.

Ông Donald Trump sẽ dùng bữa trưa với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

11h trưa nay, 27-2, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ gặp, hội đàm với Tổng bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Tiếp...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Phương ([Tên nguồn])
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN