Tiếng khóc ai oán nơi làng trầm

Giữa trưa nắng cháy và gió Lào rát mặt, tiếng ai oán của những người mẹ khóc con, người vợ khóc chồng, con khóc nhớ cha bật lên não nề.

Hai xã Quảng Minh, Quảng Sơn (Quảng Bình) đất chật người đông, đa số trai tráng trong vùng lấy nghiệp phu trầm kiếm sống.

Đi trầm nuôi mẹ già 90 tuổi

Bà Nguyễn Thị Nhung (90 tuổi) có sáu người con, chỉ có anh Nguyễn Văn Thắng (SN 1968) là con trai độc đinh, các chị rồi em gái lấy chồng ra riêng, Thắng ở vậy phụng dưỡng mẹ già. Bà Nhung kể: “Cả nhà nói hắn lấy vợ đi để có con dâu, cháu chắt mà bồng bế, rứa là nuôi mạ rồi nhưng hắn không ưng, nói thôi không vợ con chi để toàn tâm chăm sóc mạ lúc tuổi già. Hắn ở rứa từ tuổi cập kê đến ngày xấu mệnh trong rừng”.

Thắng đi trầm từ lúc mới 12 tuổi, lúc đó là để phụ thêm gia đình kiếm gạo, giúp các chị và em út có tiền ăn học. Rồi chị em lấy chồng, Thắng lại đi trầm, phần thu vén cơm nước cho mẹ, phần san sẻ cho các cháu kiếm cái chữ để đi làm ăn xa nhằm tránh kiếp phu trầm cực khổ. Ông Hoàng Minh Đông, một người làng, kể thêm: “Cả làng nổi giữa sông Gianh ni nể hắn, quý hắn. Đi trầm cả đời thu vén được chút đỉnh, hắn cất căn nhà 200 triệu cho mạ hắn ở khỏi dột nát. Thắng cũng định năm sau qua làng bên lấy vợ là chị ấy cũng đồng tuổi mà không chồng, cũng đã đi lại với nhau rồi nhưng không ngờ. Thương lắm”.

Tiếng khóc ai oán nơi làng trầm - 1

Bà Sáu mất cả con và cháu là Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Văn Sáu. Ảnh: MINH QUÊ

Tiếng khóc ai oán nơi làng trầm - 2

Phu trầm Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: MINH QUÊ

Cháu của anh Thắng - Nguyễn Văn Sáu, cũng là một trong năm nạn nhân, chết khi mới 24 tuổi. Sáu thương cậu, chuyến nào thấy cậu ít thu nhập, Sáu lại lén chia thêm tiền, nói “cậu còn nuôi mệ”. Nhà Sáu cũng nghèo, sống trong cảnh cồn nổi giữa sông Gianh nước mặn, bố mẹ quanh năm cào hến kiếm cơm. Cảnh nhà vốn khó khăn, nay càng cô quạnh bởi trụ cột gia đình là đứa con duy nhất phải bỏ mạng giữa rừng sâu núi thẳm.

Vọng phu kiếp trầm

Giữa trưa nắng, chị Trần Thị Hòe cùng ba đứa con ôm nhau trước gốc cây khế ngủ cho mát, chiếc bàn thờ hương khói chồng là Trần Văn Trị, một trong năm nạn nhân xấu số bị giết hại, nghi ngút hương khói của người làng. Nhà của Trị vừa mới vay mượn gần 200 triệu đồng để dựng lên giữa làng Chay (Quảng Bình) nhằm chạy mưa gió. Trị tính toán cùng vợ chừng năm năm sẽ trả hết nợ. Nhà đang xây, tô trát được chừng nửa, nền chưa láng đã hết tiền, Trị lại vay mượn chút đỉnh để đi đạp cội tìm trầm và bị sát hại.

Chị Hòe nói: “Chừ ba đứa nhỏ đang ăn học mà ba hắn chết, còn cục nợ nữa, không biết đủ sức cho con đi học không chú ơi”.

Tiếng khóc ai oán nơi làng trầm - 3

Vợ của Đỗ Văn Hiền, người vợ may mắn đón được chồng về sau vụ năm phu trầm bị kẻ ác thảm sát. Ảnh: MINH QUÊ

Phu trầm Trương Thanh Hiền chết để lại vợ và hai con nhỏ cũng tuổi ăn học. Đi trầm mấy chục năm, Hiền cũng mới dựng được liếp nhà tạm giữa cồn nổi sông Gianh.

Trong số năm phu trầm chết, chỉ có hai phu trầm có vợ con, ba người còn lại chưa vợ, phần vì kinh tế eo hẹp, phần vì suốt ngày trong rừng kiếm trầm, họ cũng khó kiếm mảnh tình vắt vai.

Bí thư Đảng ủy xã Quảng Minh, ông Hoàng Ngọc Thắng, cho biết xã là vùng rất khó khăn vì làng giữa ngã ba sông, đất ít người đông, đến gần 10.000 dân thì đã có 5.000 dân sống trên các ốc đảo, đa số phải lấy nghiệp trầm mưu sinh khổ cực đầy máu và nước mắt. Quảng Minh, vừa đầu năm 2013 tang thương đã cướp mất bảy mạng người ra khơi đánh cá, nay thêm năm phu trầm chết, quê nghèo thêm ảm đạm..

Người may mắn thoát chết là anh Đỗ Văn Hiền, quê gốc Bến Tre. Anh về quê vợ mãn tang bố vợ, vì hy vọng được đổi đời nên xin anh em đi trầm mà suýt bỏ mạng. Vợ anh Hiền, chị Hoàng Thị Hường, ôm đứa con hơn 15 tháng nói: “May anh ấy còn sống mà về, chứ không thì em cũng góa phụ vọng phu. Chừ có cho em nhiều tiền, thuê anh Hiền đi nữa em cũng không đồng lòng, thà ở vậy kiếm nghề lao động còn hơn đánh bạc mạng sống với rú rừng!”.

Sa lưới sau hai lần bắt hụt

Ngày 5/4, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng (BĐBP) đã trao thưởng 25 triệu đồng cho các cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Trị tham gia phá án vụ giết năm phu trầm người Quảng Bình xảy ra ngày 23/3.

Đại tá Nguyễn Đình Hà, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Quảng Trị, cho biết ngay khi xác định được Hồ Văn Nguyên (29 tuổi, trú bản Tà Poong, huyện Sê Pôn, Savannakhet, Lào) là người tham gia vụ giết năm phu trầm, lực lượng chức năng đã phối hợp với công an Lào truy tìm đối tượng. Ngày 29/3, qua lời khai dân bản, công an đã thu giữ một khẩu súng AK báng dài và năm viên đạn của Nguyên giấu trong hang đá.

Ngày 2/4, qua khai thác nóng bị can Công và Thành, đã xác định được nơi ở của Nguyên tại nhà anh trai mình là Hồ Văn Dực tại bản Ka Ly, thuộc cụm bản 6, huyện Virabuly (Savannakhet, Lào). Ngay lập tức, lực lượng BĐBP, Công an tỉnh Quảng Bình đã phối hợp với công an Lào bao vây. Khoảng 13 giờ ngày 4/4, các lực lượng chức năng của ta và Lào đã ập vào nhà tóm gọn Nguyên. “Trước đó lực lượng chức năng đã tổ chức hai lần vây ráp nhưng không bắt được” - Đại tá Nguyễn Đình Hà kể. Nguyên khai nhận đã dùng súng khống chế năm phu trầm cho Công và Thành giết.

Tiếng khóc ai oán nơi làng trầm - 4

Hồ Văn Nguyên là người dùng súng khống chế năm phu trầm. (Ảnh do BĐBP Quảng Trị cung cấp)

Ngày 26/3, khi hố chôn năm phu trầm được phát hiện, lực lượng BĐBP cũng đã khám nghiệm ban đầu, chụp ảnh từng thi thể... Qua quan sát bên ngoài, tất cả phu trầm này đều chết do bị đánh. Lực lượng chức năng sẽ tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án xem có đối tượng nào liên quan nữa hay không.

Ngày 5/4, đại diện Cục CSĐT tội phạm về TTXH (C45) và Công an tỉnh Quảng Bình, Công an tỉnh Quảng Trị đã họp bàn việc khai quật mộ các nạn nhân để giám định pháp y.

Thượng tá Trần Văn Đông, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (PC45), cho biết khả năng dẫn độ Nguyên qua Việt Nam để phục vụ điều tra, xét xử là rất khó xảy ra vì quy định của nước sở tại không cho dẫn độ công dân qua nước khác. Tuy nhiên, việc không dẫn độ Nguyên không ảnh hưởng gì đến quá trình điều tra, tố tụng và xét xử bởi lời khai của các bị can giống nhau. Việc xét xử cũng độc lập, tuân theo luật pháp của từng nước.

Chị Nguyễn Thị Hòe (32 tuổi), vợ nạn nhân Trần Văn Trị (34 tuổi, Quảng Sơn, Quảng Trạch, Quảng Bình), cho biết tin công an bắt được các thủ phạm đã an ủi một phần nỗi đau của chị và ba đứa con. Giờ chị chỉ mong vụ án sớm được đưa ra xét xử để những kẻ tàn ác đó sớm bị trừng trị.

Viết Long

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Quê (Pháp luật TPHCM)
5 phu trầm bị giết trong rừng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN