Tiến sĩ "mắt thần" khuyên giới trẻ bớt than thở

Tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX, tiến sĩ Nguyễn Bá Hải - người đang được Thủ tướng đặt hàng dự án sản xuất kính “mắt thần” cho người mù - nhiều lần nhắc đến trách nhiệm phụng sự xã hội, đất nước của thế hệ trẻ.

Sáng nay (7.12), tiến sĩ Nguyễn Bá Hải - giảng viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM - là người đầu tiên trình bày bài tham luận tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX. Trong bài phát biểu gây ấn tượng mạnh với các đại biểu dự đại hội, TS Hải đã nhiều lần nhắc đến trách nhiệm phụng sự xã hội, đất nước của thế hệ trẻ.

Tiến sĩ "mắt thần" khuyên giới trẻ bớt than thở - 1

Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải trình bày bài tham luận tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX.

Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải cho hay: “Phụng sự cộng đồng vừa là trách nhiệm, vừa là cơ hội để thanh niên chúng ta hoàn thiện bản thân, để khẳng định ý nghĩa tồn tại của chính mình. Mỗi ngày thức dậy, tới trường hay nơi làm việc, chúng ta đều phải tương tác với cộng đồng. Cuộc sống hiện đại khiến giá trị chung của cộng đồng đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết. Phụng sự và cống hiến cho xã hội chính là phục vụ cho chính bản thân mình”.

Tiến sĩ Hải cũng chia sẻ những khó khăn, thất bại từ khi bắt tay vào thực hiện dự án kính “mắt thần” cho người khiếm thị. Đó là 8 lần thất bại ở các phiên bản nghiên cứu, là những phản hồi tiêu cực của người khiếm thị về sự nặng nề của sản phẩm.

Tiến sĩ Hải cho rằng: “Những thất bại luôn rình rập, sẵn sàng ập đến với những người trẻ tuổi thừa năng lượng, thiếu kinh nghiệm như chúng ta. Tôi đã từng rớt từ độ cao 3 mét vì điện giật khi đi hàn điện thuê kiếm tiền để học. Tôi và đồng nghiệp đã từng gặp nguy hiểm khi để thiết bị nghiên cứu tăng áp suất cao và chờ chực nổ. Tôi đã phải trăn trở suy nghĩ vì mỗi ngày đi học phải tốn 200 đồng gửi xe đạp, vì kinh tế quá khó khăn”.

Tuy nhiên, tình yêu đam mê nghiên cứu và phục vụ cộng đồng đã giúp tiến sĩ Hải cùng đồng nghiệp vượt qua được những khó khăn, thất bại. Đến nay, thông qua T.Ư Đoàn, gần 1.000 thiết bị dẫn đường đã được trao tặng cho người khiếm thị tại 10 tỉnh, thành.

Tiến sĩ Hải cùng đồng nghiệp cũng đang thực hiện dự án gia tăng giá trị nông sản là hạt cà phê nhờ phát triển công nghệ pha chế độc quyền Nhật - Việt - Ý để tạo ly cà phê thuần Việt. Từ lúc lỗ khoảng 70 triệu đồng mỗi tháng, đến nay đã tạo thêm 10 điểm bán cà phê sạch giá chỉ 10 ngàn đồng/ly, tạo thêm 15 công ăn việc làm thu nhập ổn định cho thanh niên khó khăn.

Tiến sĩ Hải cho biết: “Dự án Robot từ lúc phải bán đi chiếc xe Matiz cũ để đầu tư mua linh kiện, thì nay chúng tôi đã hoàn thành phiên bản mẫu thứ nhất và kêu gọi đầu tư mạo hiểm được khoảng 500 triệu đồng hỗ trợ cho công cuộc nghiên cứu tiếp theo. Tất cả thật khó khăn và vất vả, nhưng chúng tôi vẫn làm việc bằng tất cả tình yêu khoa học và khát vọng cháy bỏng của những người trẻ Việt Nam”.

Tiến sĩ Hải khuyên giới trẻ bớt than thở và quy kết vào lỗi hệ thống, là do hoàn cảnh khách quan, hay do sự bất công. Thay vào đó, hãy nỗ lực không ngừng mỗi ngày bồi đắp giá trị tâm hồn của bản thân mình bằng những suy nghĩ và việc làm cụ thể tác động tích cực đối với chính bản thân, gia đình và cộng đồng.

Tiến sĩ “mắt thần” kết luận: “Tựu chung lại chính là niềm đam mê và khát vọng cháy bỏng. Đam mê và chỉ đam mê, con người ta có thể biến những hành động đơn giản thành kết quả lớn, tạo ra một nguồn năng lượng vĩ đại để càng làm việc càng được kích thích và cuốn hút trong một hành trình khám phá những điều bí ẩn thú vị nhất trong nghề nghiệp của mình”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Thúy - Thanh Hải (ghi) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN