Tiệm sửa xe kỳ lạ giữa Sài Gòn
Kỳ lạ là vì phần lớn thợ sửa xe của tiệm hoặc không lành lặn, hoặc có vấn đề về sức khỏe. tiệm mang lại cuộc sống ổn định cho họ đến khi họ tạo dựng được tiệm riêng…
Võ Thành Danh (15 tuổi, quận 8) bị cong vẹo cả tay lẫn chân, cột sống biến dạng, phát âm rất khó khăn. Vậy nhưng giữa buổi chiều nóng hầm hập, Danh vẫn tỉ mẩn ngồi lau sạch những chiếc quạt lọc gió của xe máy trong tiệm sửa xe Tân Phúc Mập (194/196 Phạm Hùng, quận 8, TP.HCM). Bên cạnh Danh là một thợ sửa xe lớn tuổi hơn, bị cụt một chân.
Những người thợ đặc biệt
Chủ tiệm xe là anh Nguyễn Văn Phúc, anh đã mở lớp dạy tình thương và nhờ sinh viên đến dạy chữ cho những trẻ kém may mắn. Cha của Danh là tài xế nên đi suốt và gửi con đến đây học chữ. Dần dà, Danh xem đây là nhà mình, vừa học chữ vừa học nghề. Anh Phúc tạo việc làm cho Danh bằng cách giao những việc nhẹ như lau chùi máy móc, thổi bụi, bơm xe. Việc nhẹ với người thường nhưng đó thực sự là một thành công đối với Danh, xóa đi mặc cảm “không tích sự gì”.
Một người thợ lành nghề của tiệm là anh Lê Văn Nhiều (quê An Giang). Cách đây mấy năm, anh Nhiều làm thuê cho một quán cơm. Trong một lần đi giao cơm cho người ta, anh bị xe tải cán cụt một chân, họ bỏ chạy luôn. Cuộc sống anh tưởng chừng chìm trong bế tắc từ đó.
Nhưng một lần dượng của anh Nhiều đến quán anh Phúc sửa xe, thấy có vài thợ khuyết tật nên xin cho Nhiều lên học nghề. Từ đó Nhiều gắn bó luôn với tiệm. Anh nói: “Giờ xe nào tôi cũng sửa được hết, kể cả xe đời mới nhất”.
Ở tiệm còn có hai người thợ là cha con. Cha là anh Phan Văn Thành (quê Bến Tre). Anh Thành được ông chủ đưa về tiệm 16 năm trước, khi anh bị gãy tay do sập giàn giáo trong một lần đi làm thợ hồ. Sau tai nạn, sức khỏe của anh vẫn yếu ớt, không có người mướn đi làm.
Anh Phúc (áo thun sọc ngang) cùng các thợ sửa xe của tiệm. Ảnh: HỒNG MINH
Đến nay anh Thành đã là thợ giỏi của tiệm. Con trai anh năm nay 16 tuổi cũng đang học nghề ở đây. Anh Thành cho biết: “Lương của tôi giờ cũng khá, 8 triệu đồng/tháng. Khi nào đủ điều kiện thì tôi mở tiệm riêng. Nhưng giờ vẫn gắn bó ở đây, vì vợ chồng anh Phúc rất tốt. Giúp được ai là giúp liền”.
Anh Nguyễn Văn Phúc cho biết anh mở được cái tiệm bé tí cách đây 28 năm. Kể từ đó anh nhận các em lang thang, cơ nhỡ, khuyết tật vào dạy nghề miễn phí. Có khoảng 200 thợ đã ra nghề từ lò đào tạo của anh.
Anh nói: “Tụi nhỏ nếu túng quá, khổ quá có thể sẽ làm liều, nghĩ quẩn, trộm cướp tệ nạn cũng từ đó mà ra. Vì vậy tôi nghĩ cách giúp tốt nhất là cho các em một việc làm”. Cũng vì ưu tiên cho các em kém may mắn mà anh từ chối những học viên con nhà khá giả tới xin học nghề, khuyên các em này tìm địa chỉ khác.
Khi dạy người cụt chân hay cụt tay “xử lý” một chiếc xe, anh phải tưởng tượng anh cũng chỉ có một chân hoặc một tay để hiểu những trở ngại của họ.
Khi các thợ đã lành nghề và có nguyện vọng mở tiệm riêng, anh tặng họ một bộ đồ nghề trị giá 50 triệu đồng để làm vốn lập nghiệp.
Làm chủ tiệm vẫn chạy taxi kiếm tiền
Tiệm sửa xe của anh Phúc khá đông khách. Anh Phúc cho biết thu nhập của tiệm vừa đủ để trang trải chi phí trả lương cho thợ và làm từ thiện. Hằng ngày, anh đặt 60 suất cơm để tặng cho những người nghèo khó ở địa phương. Chi phí cho hoạt động này hằng tháng đã hơn 32 triệu đồng.
Hằng tháng anh gửi tặng cho chiến sĩ Trường Sa số tiền 2 triệu đồng, vì anh hiểu đất liền bình yên nhờ các chiến sĩ đang bảo vệ vùng phên dậu Tổ quốc.
Bên cạnh tiệm sửa xe, anh dành một phòng nhỏ để duy trì tủ thuốc từ thiện, mời bác sĩ khám bệnh từ thiện mỗi thứ Bảy hằng tuần, ai muốn đến khám thì được khám miễn phí. Anh cũng đặt thùng bánh mì 100 ổ và bình trà đá miễn phí ngay trước tiệm. Và đương nhiên, anh miễn phí tiền sửa xe cho người khuyết tật và người nghèo.
Đồng hành cùng chồng, vợ anh thường cùng anh về các miền quê để đi thăm và tặng quà cho người nghèo. Cũng từ các chuyến đi này mà anh phát hiện rồi “rinh” các học trò mới (những người khuyết tật, kém may mắn) về tiệm của mình. Đã từng có người nghi anh lừa đảo buôn người chứ “người dưng khi không lại tới giúp không như vậy” nên họ theo lên tới TP. Khi thấy trong tiệm anh nhiều người khuyết tật như con cháu mình, họ mới tin tưởng giao con cho anh rồi trở về.
Hơn 28 năm làm nghề, anh Phúc mới mua được nhà và mới trả nợ xong. Hiện nay mỗi tối, anh để tiệm cho học trò làm còn mình thì chạy taxi để kiếm thêm tiền lo những việc mà anh cho là mình có duyên lắm mới gặp được người cần giúp.
Lập nghiệp từ vỉa hè 14 tuổi, Nguyễn Văn Phúc rời quê Tiền Giang lên TP.HCM xin việc nhưng không ai nhận vì nhỏ quá. Gia đình Phúc đông con, rất nghèo, thiếu đói quanh năm. Lên TP, Phúc lang thang ngủ công viên, ngủ vỉa hè. Thỉnh thoảng có người tốt bụng thấy tội nghiệp cho gói xôi hoặc ổ bánh mì, đến giờ anh vẫn mang ơn. Rồi anh được nhận vào học nghề ở một tiệm sửa xe. Nói là học nghề nhưng thực chất anh phải làm đủ việc trong nhà, đến buổi trưa mọi người đi nghỉ anh mới được đụng vào máy. Hồi đó xe máy vừa ít vừa rất đắt tiền nên các tiệm đều giấu nghề ít nhiều, sợ cạnh tranh. Ban ngày anh làm việc, buổi tối anh đạp xích lô để gom tiền để dành mở tiệm. Nhưng số tiền đạp xích lô cũng chỉ đủ để anh mua bộ đồ nghề ra vỉa hè làm. Ki cóp mãi anh mới mở được một cái tiệm nhỏ. Chính từ con đường lập nghiệp chông gai của một đứa trẻ lang thang nên anh Phúc đồng cảm và muốn hỗ trợ các em nhỏ kém may mắn tự tin vào đời. ______________________________ Hồi mới lấy ảnh, vợ chồng còn nghèo, ảnh còn không có tiền làm đám cưới. Vậy mà ảnh cứ đi giúp người khác. Thấy tiền vô không nhiều, gia đình còn khổ mà tiền ra nhiều quá nên tôi cản chồng nhưng không được. Dần dà, tôi thấy việc ảnh làm là niềm vui lớn không gì sánh được, tối nằm ngủ thấy trong lòng vui vẻ và nhẹ nhõm. Chị LÊ THỊ THU HƯƠNG, vợ anh Nguyễn Văn Phúc |