Thuỷ điện: Không thể đánh đổi tính mạng dân
Chiều nay (20/11), UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức cuộc họp về tình hình sản xuất, đời sống sinh hoạt của nhân dân tại các khu tái đinh cư của các dự án thủy điện.
Tại cuộc họp, đại diện các địa phương nơi có dự án thủy điện, bức xúc cho rằng các thủy điện trên địa bàn Quảng Nam phạm vi ảnh hưởng rộng, đối tượng phải di dời tái định cư nhiều như Thủy điện Sông Tranh 2, Đắk Mi 4, Đắk Mi 4C, Sông Bung 4, A Vương,…
Nhưng ở tại nhiều nơi tái định cư thiếu đất sản xuất, động đất kích thích, cơ sở hạ tầng nhiều công trình xuống cấp nhanh chóng, nguy cơ sạt lở cao đã gây ảnh hưởng không tốt đến đời sống của nhiều hộ dân ở các khu vực này.
Các khu nhà tái định cư do các chủ đầu tư dự án thủy điện xây dựng bị người dân bỏ hoang.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, bức xúc: “Lợi ích kinh tế của thủy điện tuy cần thiết nhưng không thể đánh đổi với tính mạng người dân khi động đất do thủy điện gây ra liên tục xảy ra kèm theo thiếu đất sản xuất sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu ăn của người dân là rất lớn".
"Hiện tại công tác an dân đang là vấn đề vô cùng khó khăn. Nên cần phải có nhiều chính sách như hỗ trợ người dân khai hoang để có đất sản xuất; nhanh chóng đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng. Địa phương này kiến nghị Chính phủ cần quy định cơ chế chia sẻ lợi ích trong lợi nhuận khi khai thác các công trình thủy điện cho địa phương, để có qũy đầu tư cho các công trình xuống cấp, hư hỏng. Riêng đối với các bộ, ngành trung ương cần sớm bố trí vốn thực hiện để án ổn định, phát triển sản xuất và đời sống các hộ tái định cư vùng thủy điện theo văn bản số 588 của Thủ tướng Chính phủ”.- ông Tuấn cho biết thêm.
Nhà tái định cư được Tập đoàn Điện lực Việt Nam đầu tư xây dựng cho người dân Thủy điện Sông Tranh 2 bị xuống cấp nghiêm trọng.
Trong khi đó, đại diện huyện Đông Giang, huyện Nam Giang cho rằng, nếu không có đất sản xuất 100%, các hộ dân sống tại các khu TĐC có nguy cơ trở thành hộ nghèo, phải khẩn cấp quy hoạch thêm đất sản xuất cho nhân dân. Đặc biệt cần có cơ chế chính sách, mở các lớp dạy nghề tạo công ăn việc làm cho người dân.
Được biết, tất cả các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã chiếm hết 5.710,11 ha, trong đó đất nông nghiệp là 2.086,63 ha. Đáng chú ý có đến 3.519 hộ bị ảnh hưởng bởi thủy điện.
Người dân vùng dự án thủy điện Quảng Nam thiếu đất sản xuất nông nghiệp trầm trọng.
Kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo cho Sở NN-PTNT tỉnh từ nay đến cuối năm phải có báo cáo phân loại các loại đất rừng để tính đến việc cấp đất, giao đất, giao rừng cho dân. Đồng thời lập phương án về phát triển diện tích lúa nước gắn với công trình thủy lợi, đẩy mạnh việc nuôi trồng thủy sản gắn với chính sách hỗ trợ cho người dân. “Về lâu dài, phải có cơ chế khuyến khích trồng cây cao su để bà con có thu nhập ổn định cuộc sống. Tiếp tục có chính sách hỗ trợ cho người dân và roát lại và nhanh chóng tập trung sửa chữa các công trình, nhà dân hư hỏng tại các khu TĐC”, ông Quang nhấn mạnh.