Thuốc lá lậu tràn vùng biên

Dù nhà nước đã có nhiều chủ trương, biện pháp ngăn chặn nhưng thuốc lá lậu vẫn là mặt hàng “nóng” quanh năm ở khu vực biên giới Tây Nam, gây thất thu ngân sách hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm.

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện trên biên giới Tây Nam thuộc các tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang, nơi nào cũng có những điểm “nóng” buôn lậu thuốc lá.

Đột nhập “thánh địa”

Những ngày sau Tết, tại “thánh địa” thuốc lá lậu thuộc phường Vĩnh Ngươn, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang, chúng tôi không khỏi choáng ngợp bởi các kho hàng bề thế nằm bên kia biên giới. Theo chân người dân địa phương, chúng tôi băng đồng gần 1 km là đến chợ gò Tà Mâu (xã Pund Xang, huyện Praychusa, tỉnh Tà Keo - Campuchia). Dưới dòng kênh Ma Nhon, 2 ghe trọng tải lớn, chất đầy thuốc lá với nhiều nhãn hiệu khác nhau, đang cập bến chợ gò. Ngay sau đó, hàng chục nhân công người Việt thay nhau đưa số hàng này vào ém trong kho của các chủ vựa.

Thuốc lá lậu tràn vùng biên - 1

Từ Campuchia, thuốc lá theo đường mòn nhập lậu vào Việt Nam

Theo người dẫn đường, chợ gò Ta Mâu có đến 4 kho lớn chứa thuốc lá do người Campuchia làm chủ. Mỗi kho rộng khoảng 200m2, có thể chứa đến 2.000 thùng thuốc lá (mỗi thùng 500 gói). Từ đây, hàng sẽ được xé nhỏ để cửu vạn vận chuyển bằng đường bộ hoặc theo kênh Ma Nhon bằng xuồng máy nhập lậu vào Việt Nam. Thông thường, các cửu vạn chọn khóm 7, phường Châu Phú A, TP Châu Đốc tập kết hàng. Sau đó, bằng nhiều cách vận chuyển khác nhau, toàn bộ số hàng lậu này sẽ được đưa đi tiêu thụ khắp ĐBSCL và TP HCM.

Tại xã biên giới Mỹ Đức, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, hoạt động buôn lậu thuốc lá cũng khá sôi động, nhất là tại khu vực Bến Xuồng và Đường Chùa. Các đối tượng vận chuyển thuốc lá lậu tại đây rất manh động, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng nếu bị chặn bắt. Một người dân địa phương cho biết việc lực lượng chức năng rượt đuổi dân buôn lậu thường xuyên xảy ra nhưng bắt giữ chẳng được bao nhiêu. Nguyên nhân do khi bị truy bắt, chủ thường thuê người vận chuyển hàng ngược lại qua biên giới. Mỗi ngày, tại đây có hàng chục tấn hàng được nhập lậu vào nước ta. Tuy nhiên, đây mới chỉ là một trong hàng chục đường tiểu ngạch nằm rải rác trên tuyến biên giới thuộc thị xã Hà Tiên và huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang.

Các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Tháp nhận định, do cung cầu và giá cả chênh lệch nên tình trạng buôn lậu thuốc lá không giảm. Tại đây, những người đai vác hàng theo lối mòn hoặc dùng xuồng chở hàng lậu qua biên giới, sau đó sử dụng xe máy đưa vào sâu nội địa tiêu thụ. Phương thức buôn lậu này đang gây khó cho cơ quan chức năng.

Cung đường hàng lậu

Quốc lộ 91 từ TP Châu Đốc đi Cần Thơ được xem là trục đường chính của thuốc lá lậu. Trên quốc lộ này có ít nhất 5 điểm tập kết hàng tại các huyện Châu Phú, Châu Thành và TP Long Xuyên, tỉnh An Giang rồi đưa đi các nơi khác tiêu thụ. Cũng có trường hợp đầu nậu thuê cả xe khách vận chuyển thuốc lá lậu về tận TP Cần Thơ.

Tại các điểm tập kết, mỗi xe máy chở từ 2-4 thùng hàng rồi phóng bạt mạng ra Quốc lộ 91. Mỗi khi ra đường, xe của lực lượng thồ hàng tăng tốc, gầm rú khiến các phương tiện giao thông khác phải né tránh. Tại khu vực khóm 7, phường Châu Phú A, TP Châu Đốc, chúng tôi theo 2 xe máy chở đầy thuốc lá lao ra Quốc lộ 91. Trên đường, 2 xe thồ hàng liên tục lạng lách, rồ ga, bóp còi inh ỏi, “chẻ” giữa các phương tiện khác để lao nhanh đến nơi giao hàng. Sau đó, khi đến khu vực giáp ranh giữa xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú và xã An Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang, 2 chiếc xe “bay” này bất ngờ giảm tốc độ, vào một cây xăng để điện thoại cho đồng bọn “dò đường”. Một lúc sau, biết an toàn, 2 xe thẳng tiến về TP Long Xuyên và điểm đến là ngã ba lộ tẻ, xã Thới Thuận, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ. Ngay sau đó, có người đến nhận hàng hoặc chuyển lên xe khách chở về Cần Thơ, Rạch Giá…

Ông Phan Lợi - Phó Giám đốc Sở Công Thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh An Giang - nhận định buôn lậu sẽ còn phức tạp trong thời gian tới, khi mà thuế suất đối với thuốc lá sản xuất trong nước tăng lên.

Nên chặn từ người bán lẻ

Ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, cho biết thuốc lá đang bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt 65% và thuế GTGT 10%. Do đó, thuốc lá sản xuất trong nước không thể cạnh tranh với thuốc lá lậu. Nhờ trốn thuế, lực lượng buôn lậu thu được “siêu lợi nhuận”. Nếu thuế suất tăng thêm, lợi nhuận từ buôn lậu thuốc lá càng tăng và thu ngân sách sẽ giảm vì hàng trong nước giảm khả năng cạnh tranh. Theo ông Cường, mỗi năm có khoảng 1 tỉ bao thuốc lá nhập lậu vào Việt Nam (chiếm 20% thị phần) làm nhà nước thất thu thuế trên 4.000 tỉ đồng.

Về phòng chống buôn lậu, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho rằng cơ quan chức năng đang chống từ đầu vào, ở các cửa khẩu, trong khi biên giới rất dài, nhiều lối mòn nên ngăn chặn buôn lậu thuốc lá rất khó. “Theo tôi, nên ngăn chặn ở đầu ra, người bán lẻ. Mạnh tay xử lý các quầy hàng bày bán thuốc lá lậu công khai, đầu ra giảm thì đầu vào sẽ tự khắc giảm” - ông Cường đề xuất.

Ph.Nhung

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Vân (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN