Thủ tướng nói về “cắt ung nhọt tham nhũng”

Thủ tướng cho biết, 5 năm qua đã truy tố gần 2.200 vụ án về tham nhũng, xét xử 1.900 vụ với trên 4.300 bị cáo (đây chính là những ung nhọt).

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội hôm 21/11/2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là người chốt phiên chất vấn. Một loạt ĐB Quốc hội đã đặt câu hỏi cho ông. Tuy nhiên, do hết thời gian nên ông chỉ trả lời được 3 đại biểu. Còn lại những câu hỏi của 11 đại biểu khác, Thủ tướng hứa trả lời bằng văn bản.

Như đã hứa trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trả lời bằng văn bản chất vấn của 11 Đại biểu còn lại. Ngày 13/1/2014, Cổng thông tin Chính phủ đăng tải trả lời của Thủ tướng.

Thủ tướng đã cắt bao nhiêu ung nhọt?

Đặt câu hỏi đến Thủ tướng hôm 21/11, ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) nói: “Là người đứng đầu Chính phủ, xin Thủ tướng cho biết trách nhiệm trước Quốc hội về kết quả phòng chống tham nhũng của các cơ quan hành chính nhà nước?”.

Ông Tiến nhắc lại buổi tiếp xúc cử tri hôm 16/10 ở huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng, cử tri hoan nghênh khi Thủ tướng nói: “Thất thoát tham nhũng ở các tổng công ty, tập đoàn, đây là ung nhọt trong một cơ thể, dù đau xót cũng phải cắt bỏ”.

Đại biểu Lê Như Tiến hỏi: “Trải qua gần 2 nhiệm kỳ, Thủ tướng đã đề nghị cắt bỏ hoặc trực tiếp cắt bỏ được bao nhiêu ung nhọt quốc nạn tham nhũng?”.

Tiếp đến, ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cũng chất vấn Thủ tướng về việc phòng chống tham nhũng. Đại biểu này cho rằng, các vụ tham nhũng chủ yếu bị phát hiện thông qua báo chí và người tố giác, xử lý và phát hiện qua thanh tra, kiểm tra còn hạn chế.

“Ý kiến của Thủ tướng về nhận định trên? Đúng hay sai? Nguyên nhân và trách nhiệm?, nữ đại biểu đặt câu hỏi”.

ĐB Nguyễn Thị Khá cũng đề nghị Thủ tướng cho biết biết nguyên nhân và trách nhiệm liên quan đến việc thi hành án, số tài sản thu hồi được từ các vụ án tham nhũng thấp, chỉ đạt khoảng 20%, có vụ chỉ 10%; giải pháp đột phá trong thời gian tới để khắc phục, đặc biệt là 10 vụ đại án tham nhũng đã, đang và sẽ được xét xử.

Thủ tướng nói về “cắt ung nhọt tham nhũng” - 1

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn trước Quốc hội hôm 21/11/2013 (Ảnh: VPQH)

Xét xử 1.900 vụ án về tham nhũng

Tại văn bản trả lời được đăng tải hôm 13/1/2014, Thủ tướng Chính phủ cho biết, một số lĩnh vực, tham nhũng đã từng bước được kiềm chế. Trong giai đoạn 2007 - 2013, đã truy tố gần 2.200 vụ án về tham nhũng với gần 5.300 bị can; xét xử 1.900 vụ với trên 4.300 bị cáo (đây chính là những ung nhọt). Các vụ án tham nhũng lớn đã, đang và sẽ đưa ra xét xử nghiêm minh, theo đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, công tác phòng chống tham nhũng vẫn chưa đạt yêu cầu và mục tiêu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng.

“Tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, gây bức xúc trong xã hội”, Thủ tướng cho hay.

Thủ tướng cho rằng, không ít cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa tự phát hiện được tham nhũng. Tham nhũng được phát hiện chủ yếu từ người dân, báo chí phản ánh hoặc do cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra phát hiện. Hiệu quả hoạt động của các cơ quan chức năng về phòng chống tham nhũng có mặt còn hạn chế. Việc xử lý một số vụ việc tham nhũng còn chậm.

Nói về việc tài sản thu hồi được từ các vụ án tham nhũng thấp, Thủ tướng giải thích, rằng, quá trình điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án tham nhũng kéo dài do mất nhiều thời gian giám định thiệt hại về kinh tế. Dẫn đến các tài sản là tang vật vụ án bị hư hỏng, xuống cấp, mất giá trị khi bán đấu giá, không thu hồi được đủ số tiền bị thất thoát, chiếm đoạt.

Đồng thời, đối tượng tham nhũng thường có nhiều thủ đoạn tinh vi đối phó, che giấu, tẩu tán tài sản nên số tài sản, tiền kê biên ít, việc thu hồi tài sản trong thi hành án gặp nhiều khó khăn.

Thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ ngành, địa phương trong bộ máy hành chính nhà nước thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng chống tham nhũng. Thực hiện đồng bộ các giải pháp với tinh thần kiên quyết, kiên trì, liên tục, đúng pháp luật để tạo chuyển biến tốt hơn.

Quy định rõ và đề cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính nhà nước và trách nhiệm của người đứng đầu. Tăng cường cải cách thủ tục hành chính theo hướng công khai, minh bạch, nhất là trong các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng. Phát huy vai trò của các cơ quan thông tin báo chí và nhân dân trong phòng chống tham nhũng.

Về thu hồi tài sản trong thi hành án, Chính phủ chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện các quy định về giám định tư pháp, nhất là giám định tài chính, giám định chất lượng công trình để rút ngắn thời gian giám định thiệt hại, phục vụ kịp thời, hiệu quả việc xử lý hành vi tham nhũng.

Hoàn thiện quy định pháp luật để ngăn chặn các hành vi đối phó che dấu tài sản và kiểm soát chặt chẽ tài sản của các đối tượng tham nhũng. Kiên quyết thu hồi tài sản của Nhà nước bị chiếm đoạt theo quy định của pháp luật. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong thi hành án.

Thủ tướng thừa nhận: “Những kết quả đạt được và những hạn chế yếu kém trong phòng chống tham nhũng có phần đóng góp cũng như trách nhiệm của Ủy viên Bộ Chính trị - Thủ tướng Chính phủ”.

Tại văn bản trả lời chất vấn, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, công tác phòng chống tham nhũng luôn được Đảng, Nhà nước thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo.

Thủ tướng Chính phủ với trách nhiệm người đứng đầu Chính phủ (từ tháng 6 năm 2006) và Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng (từ tháng 9 năm 2006 đến tháng 2 năm 2013) đã nghiêm túc thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp, pháp luật.

Tập trung chỉ đạo xây dựng và thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống tham nhũng, đặc biệt là Hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính; công khai minh bạch các chính sách liên quan đến doanh nghiệp, người dân và hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Tăng cường thông tin tuyên truyền, phát huy vai trò của nhân dân và báo chí trong phòng chống tham nhũng. Nâng cao năng lực và hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan chức năng. Đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra, điều tra và đôn đốc xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng theo đúng quy định của pháp luật, nhất là các vụ tham nhũng nghiêm trọng.

Chính phủ đã sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X, tổng kết 5 năm thực hiện Luật phòng chống tham nhũng và cũng đã báo cáo Quốc hội về công tác phòng chống tham nhũng năm 2012 và 2013. Các báo cáo đều đánh giá công tác phòng chống tham nhũng đã có những chuyển biến tích cực cả về nhận thức, hành động và đạt được những kết quả bước đầu, nhất là trong phòng ngừa tham nhũng, cải cách thủ tục hành chính, quản lý tài sản công, thực hiện công khai, minh bạch.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN