Thủ tướng: Ghi nhận những đóng góp quan trọng của Đại tướng Tô Lâm trong xây dựng Đề án 06

Sự kiện: Thời sự

Thủ tướng nhấn mạnh trong quá trình xây dựng và triển khai Đề án 06, đặc biệt ghi nhận những đóng góp tích cực, quan trọng của Đại tướng Tô Lâm, nguyên Bộ trưởng Công an, và Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, nguyên Thứ trưởng Công an, là Tổ trưởng và Tổ phó Tổ Công tác Đề án 06

Sáng 10-6, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị sơ kết 1 năm tháo gỡ "điểm nghẽn" trong triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá việc triển khai Đề án 06 là một trong những "điểm sáng" của chuyển đổi số ở nước ta trong thời gian qua, được Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt, các thành viên tổ công tác, các bộ, ngành, địa phương triển khai tương đối đồng bộ, tích cực, hiệu quả.

Việc triển khai Đề án 06 đã mang lại những kết quả cụ thể, thiết thực trong công tác quản lý, điều hành của các cấp, ngành, địa phương và phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, cung cấp tiện ích cho người dân, doanh nghiệp. Đề án 06 đã đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt trong thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, đổi mới phương thức quản trị quốc gia bằng kỹ thuật số, góp phần đẩy mạnh phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số.

Thủ tướng nhấn mạnh trong quá trình xây dựng và triển khai Đề án 06 suốt hơn 2 năm qua, chúng ta đặc biệt ghi nhận và trân trọng cảm ơn những đóng góp tích cực, quan trọng của Đại tướng Tô Lâm, nguyên Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ công tác Đề án 06 và Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Tổ Công tác đối với Đề án 06. "Xin chúc mừng hai đồng chí được Đảng, Nhà nước, Nhân dân giao trọng trách cao hơn" - Thủ thủ tướng bày tỏ.

Báo cáo tại hội nghị, ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết đến nay, thành phố đã cơ bản hoàn thành việc triển khai thí điểm hồ sơ sức khỏe điện tử trên địa bàn TP Hà Nội theo nhiệm vụ Chính phủ giao với 4/4 nội dung quan trọng.

Ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, báo cáo tại hội nghị

Ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, báo cáo tại hội nghị

Hà Nội đã hoàn thành việc xây dựng phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử trên địa bàn thành phố phục vụ công tác quản lý, khám chữa bệnh trên địa bàn thành phố; kết nối chia sẻ dữ liệu về khám chữa bệnh của người dân thành phố với phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử thành phố với 651 cơ sở y tế công lập và ngoài công lập trên địa bàn; tạo dữ liệu của hơn 9,2 triệu người dân với hơn 16,2 triệu lượt khám trên phần mềm hồ sơ sức khỏe thành phố từ các nguồn dữ liệu; đồng bộ được 3,5 triệu hồ sơ người dân với 48/48 trường thông tin theo quyết định của Bộ Y tế.

Thành phố cũng đã vận hành hệ thống thẻ vé điện tử trên xe buýt, triển khai thí điểm thanh toán không dùng tiền mặt tại các điểm trông giữ xe, đã thực hiện triển khai thí điểm thanh toán không dùng tiền mặt tại 57 điểm trông giữ xe trên địa bàn thành phố, kết quả có 79,9% lượt giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt.

Việc thanh toán không dùng tiền mặt công khai, minh bạch, áp dụng công nghệ an toàn, thuận tiện đã nhận được hài lòng, ủng hộ của người dân.

Bên cạnh đó, để khuyến khích, động viên, thu hút người dân trên địa bàn Hà Nội sử dụng ứng dụng VNeID trong giải quyết thủ tục hành chính về cấp Phiếu Lý lịch tư pháp, HĐND TP ban hành Nghị quyết hỗ trợ 100% phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp cho người dân trên địa bàn thành phố có tài khoản định danh mức độ 2 và có yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VneID.

Trong vòng hơn 1 tháng triển khai thực hiện đã có 8.000 lượt công dân thực hiện yêu cầu cấp Lý lịch tư pháp qua VNeID, đã có 78,6% số yêu cầu cấp phiếu được thực hiện qua VNeID. Việc cấp Lý lịch tư pháp trên VNeID là tiền đề cho việc chuyển đổi và sử dụng tài khoản VNeID mức độ 2 là tài khoản duy nhất trong thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến bắt đầu áp dụng từ 1-7-2024, được dư luận và nhân dân đánh giá cao.

Với phương châm 3 nắm chắc "đối tượng-kê khai-dòng tiền", đến tháng 6-2024, Cục Thuế Hà Nội đã định danh và tổng hợp được dữ liệu lớn về thương mại điện tử gồm 418 doanh nghiệp sở hữu sàn thương mại điện tử, 668 chủ thể kinh doanh sản phẩm và nội dung số…

Trên cơ sở dữ liệu từ 3 sàn lớn nhất là Shopee, Tiki, Lazada, Cục Thuế Hà Nội đã tổng hợp, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu về định danh các chủ thể kinh doanh thương mại điện tử, doanh thu kê khai, số thuế đã nộp, tài khoản ngân hàng... của hơn 366.000 shop tương ứng 197.848 mã số thuế tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh thuộc 3 sàn nêu trên.

Đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội đã thu thuế từ 418 sàn thương mại điện tử đạt 2.547 tỉ đồng; từ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử năm 2024 đạt 7.362 tỉ đồng (doanh nghiệp 6.668 tỉ đồng, hộ kinh doanh 608 tỉ đồng, cá nhân 86 tỉđồng).

Trong thời gian tới, ông Hà Minh Hải cho biết thành phố sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ trong triển khai Đề án 06, đặc biệt là tháo gỡ các "điểm nghẽn"; đẩy mạnh tạo điều kiện hỗ trợ để kinh tế số phát triển; tăng cường quản lý nhà nước đối với thương mại điện tử, hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh xuyên biên giới, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế… Hà Nội cũng sẽ chủ động trong tổ chức thực hiện, tham mưu báo cáo, đề xuất kịp thời những khó khăn vướng mắc về thể chế, tiêu chuẩn định mức, về dữ liệu và chia sẻ dữ liệu tạo hành lang pháp lý đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi số...

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết thời gian qua, thành phố đã chỉ đạo các đơn vị, sở, ngành thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để bảo đảm nguồn nhân lực, kinh phí, trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin để triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06, trong đó tập trung việc nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến, số hóa và lưu trữ kho hồ sơ kết quả giải quyết thủ tục hành chính từ hệ thống thông tin giải quyết TTHC tại quận huyện, sở ban ngành theo định danh cá nhân…

Đến nay, thành phố vẫn còn nhiều khó khăn và thử thách do các nguyên nhân khách quan và chủ quan

Thực hiện chỉ đạo của cơ quan thường trực Đề án 06, vừa qua, Thành ủy TP HCM tiếp tục có một văn bản sau Chỉ thị 24 về chuyển đổi số thực hiện Đề án 06. UBND thành phố đang tập trung triển khai chỉ đạo của Thành ủy và ban ngành. Thành phố cũng đã làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan thường trực của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, báo cáo các vướng mắc, đề xuất của thành phố. Rất mong Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số tập trung tháo gỡ.

Nguồn: [Link nguồn]

Sáng 22/5, 472/473 đại biểu có mặt thông qua nghị quyết bầu đại tướng Tô Lâm giữ chức Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo B.H.Thanh ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN