Thu "tô" xe: Lãnh đạo BX Giáp Bát lên tiếng
Lãnh đạo Bến xe Giáp Bát (Hà Nội) khẳng định, từ thông tin mà Báo NTNN nêu, sẽ chỉ đạo rà soát để làm chặt hơn, phát hiện điều gì bất hợp lý sẽ điều chỉnh ngay...
Tăng thu để nộp cho bến xe
Báo NTNN và Dân Việt có bài: Hà Nội: Thu “tô” xe ôm ở Bến xe Giáp Bát”, phản ánh tình trạng gần 400 người làm nghề lái xe ôm ở đây hàng tháng phải đóng một khoản phí bắt buộc là 400.000 đồng mà không có hóa đơn, chứng từ. Về sự việc trên, trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Công Bằng - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Bến xe Hà Nội cho biết: Về chức năng, chúng tôi không quản lý xe ôm mà cho Công ty Đại Phát thuê vị trí, thực chất là cho Đại Phát thuê diện tích để sắp xếp những người hành nghề xe ôm vào bến...
Về việc Công ty Đại Phát tự ý áp mức thu 400.000 đồng/đầu xe/tháng, đại diện Công ty TNHH MTV Bến xe Hà Nội cho rằng: “Đại Phát thu như thế nào là việc của họ. Bên tôi chỉ cho thuê mặt bằng”. Tuy nhiên, ông Tùng Anh khẳng định, từ thông tin mà Báo NTNN nêu, ông sẽ chỉ đạo rà soát để điều chỉnh lại và làm chặt hơn, xem thấy cái gì bất hợp lý sẽ điều chỉnh luôn.
Trả lời câu hỏi của NTNN về việc Công ty Bến xe Hà Nội có tổ chức đấu thầu cho thuê các vị trí này không, ông Bằng giải thích: “Chúng tôi không tổ chức đấu thầu vì đây chỉ là giao dịch dân sự, phía Đại Phát có nhu cầu thuê thì chúng tôi cho thuê. Còn việc họ thu bao nhiêu là chuyện riêng của doanh nghiệp, mình không can thiệp vào việc đó bởi chúng tôi chỉ cho thuê mặt bằng”.
Hoạt động bắt khách của xe ôm ở Bến xe Giáp Bát đang rất lộn xộn
Cũng trong ngày 3/9, trao đổi với NTNN, ông Trịnh Anh Bão - Giám đốc Công ty Đại Phát thừa nhận, công ty có sai khi thu tiền của xe ôm mà không xuất biên lai thu tiền. Theo giải thích của ông Bão, việc này là do đề nghị của kế toán công ty để việc thu phí được nhanh hơn cho các chủ phương tiện, còn việc thu như thế nào vẫn có bản kê ở công ty. Về việc tăng mức thu phí lên 400.000 đồng/xe/tháng, theo giải thích của ông Bão, đây là mức thu thấp hơn so với các bến khác và sở dĩ công ty phải tăng phí lên là do cứ đến mùa vụ là các lái xe ôm lại bỏ về quê, chỉ còn hơn 100 người ở lại nên công ty buộc phải tăng mức thu lên để đảm bảo có tiền nộp cho bến xe và chi trả lương cho nhân viên bảo vệ.
Ngoài kiểm soát của Sở GTVT
Theo nguồn tin của chúng tôi, được biết sau khi có thông tin Báo NTNN phản ánh, Công ty Bến xe Hà Nội có buổi làm việc với Công ty Đại Phát để siết chặt lại việc quản lý hoạt động xe ôm tại đây. |
Cũng liên quan đến vụ việc, ngày 3/9, phóng viên NTNN đã liên hệ với Sở Giao thông Vận tải Hà Nội (GTVT) để tìm hiểu thêm về tình hình các bến xe trong nội thành Hà Nội cũng như các công ty liên quan có được phép thu phí của những người hành nghề lái xe ôm hoạt động trong bến xe. Ông Nguyễn Quốc Hùng – Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho hay: “Vấn đề này nằm ngoài kiểm soát của Sở GTVT Hà Nội. Các vấn đề trong các bến xe khách như xe ôm, xe taxi, bến bãi... đều do phía Tổng Công ty Vận tải Hà Nội quản lý. Họ sẽ có trách nhiệm trả lời”.
Liên hệ với Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco), chúng tôi cũng được đại diện công ty này cho biết: Chúng tôi có biết sự việc này, tuy nhiên Công ty TNHH Du lịch Đại Phát là đơn vị kinh doanh độc lập, vì vậy họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc họ kinh doanh. Nếu họ làm sai thì pháp luật sẽ xử lý, chúng tôi không thể can thiệp vào việc kinh doanh của họ.
Đại diện Transerco cũng cho rằng: Transerco quản lý các đơn vị phía dưới trên cơ sở kế hoạch được giao, còn về vụ việc cụ thể này, cần xem trong điều khoản hợp đồng đã ký giữa Công ty TNHH MTV Bến xe Hà Nội với Công ty TNHH Du lịch Đại Phát, trong hợp đồng ghi chức năng nhiệm vụ thế nào, ai được phép thu, ai là đối tượng thu, xem có gì đúng có gì sai?...