Thủ khoa TN THPT: Nên bỏ thi tốt nghiệp

Đạt số điểm tốt nghiệp gần như tuyệt đối: 58 điểm, Nguyễn Nguyệt Minh (học sinh lớp 12H, trường THPT Chuyên ngoại ngữ, ĐH Quốc Gia HN) trở thành thủ khoa của TP Hà Nội nhưng Minh vẫn khẳng định: “Không cần thi tốt nghiệp”.

Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi gặp Nguyệt Minh là cô nàng có mái tóc cắt  ngắn cá tính và thích… cười. Rất thẳng thắn, Minh chia sẻ những suy nghĩ về kỳ thi tốt nghiệp và bí quyết học tập của mình.

Nên chứng minh bằng 12 năm học

-“Sau khi biết mình được số điểm cao như thế, em có cảm xúc gì?” - PV hỏi

- “Hôm đấy là tối thứ 6, em được bạn gọi thông báo kết quả. Khi biết mình được 58 điểm em mừng lắm. Bố mẹ ngủ rồi nhưng vẫn phải vào đánh thức để khoe kết quả. Cả ngày hôm sau em không làm gì được vì… vui quá” - Minh chia sẻ.

Dù rất vui về kết quả nhưng thủ khoa của TP Hà Nội vẫn thẳng thắn nhìn nhận kỳ thi tốt nghiệp có thể chuyển sang hình thức khác. Bởi "em nghĩ thay vì thi tốt nghiệp, ngành giáo dục có thể dựa vào kết quả 12 năm học để xếp loại học sinh. Đó là cách đánh giá chính xác nhất".

"Học nhiều và thi nhiều các môn, chưa chắc chúng em đã phát triển được toàn diện như mục đích vốn có của nó. Chương trình hiện nay của bọn em khá nặng với 13 môn học. Với nhiều bạn, để học tốt được các môn là quá sức", Minh lý giải tình trạng ôn thi tốt nghiệp của nhiều học sinh hiện nay.

“Hai kỳ thi là tốt nghiệp và đại học liền kề nhau, bọn em đều hiểu kỳ thi nào mang tính quyết định. Vì thế nhiều bạn học theo kiểu đối phó, tức là trước khi thi, tìm cách nhồi kiến thức vào một cách nhanh nhất và khi thi xong kiến thức cũng vì thế mà… ra một cách nhanh nhất".

Hiện tượng gian lận trong thi cử đáng lên án. Vì như thế sẽ không công bằng với những bạn bỏ thời gian và công sức ra học. Nhưng em hiểu một số bạn làm vậy là do đối phó với quá nhiều kiến thức khi không thể tiếp thu được nữa”. Không ngần ngại, Minh kể câu chuyện đã từng được một số bạn "dạy" cho cách... quay cóp: “Phải may quần có túi, chia thành 2 ngăn để phân loại tài liệu. Thời gian đầu vẫn làm bài nghiêm túc. Đến khi hết 1/3 thời gian, nếu thấy giám thị không để ý mới lôi tài liệu ra”.

“Nhưng em nghĩ kết quả của mình đã được ghi nhận trong suốt 12 năm học tập, giờ học quay có khi còn khó hơn học bài” - Nguyệt Minh hài hước so sánh.

Học là chính, chơi là quan trọng

Trong suốt cuộc trò chuyện, Minh không chăm chăm nói đến học hành, đến kinh nghiệm “dùi mài kinh sử ”. Thủ khoa của TP Hà Nội say sưa về kể bộ phim vừa xem, điệu nhảy KPop mới cập nhật hay phóng sự điều tra ly kỳ mình theo dõi trên báo.

Trong suốt 3 năm học PTTH, học kỳ nào Minh cũng đạt điểm số trung bình môn trên chín phẩy. Nhưng Minh quan niệm rằng "học là chính, chơi mới là quan trọng".

Khi ở  lớp, em tận dụng tối đa thời gian tập trung nghe giảng, làm lại những bài tập thầy cô giao cho và hỏi ngay những điều mình chưa rõ. Trước mỗi đợt kiểm tra hay thi học kỳ, em không mất quá nhiều thời gian vào ôn tập. Vì vậy em có thời gian để… chơi. Em nghĩ đó là bí quyết để hôm sau làm bài không căng thẳng, mệt mỏi và có thể tư duy tốt”. 

Kinh nghiệm đó được cô thủ khoa HN đúc kết từ lần thất bại đầu tiên trong đời. “Kỳ thi vào THPT Chuyên ngoại ngữ, em đăng ký thi vào lớp tiếng Nhật, nhưng kết quả là thiếu 0,5 điểm. Sau đó em chuyển sang lớp tiếng Anh. Bước vào môi trường mới với cường độ học tập cao, em rất căng thẳng. Dù chỉ tập trung  học nhưng vẫn không đạt kết quả như ý. Sau đó em tham gia vào CLB các nhà lãnh đạo trẻ của trường, tích cực với hoạt động ngoại khóa và tập… chơi. Chính điều đó giúp em có hứng thú trong học tập”.

Minh cho biết, nhiều bạn bè của mình học thêm quá nhiều, một ngày từ 2 - 3 ca. Vì thế đến lớp học thêm có khi còn ngủ gật nên về nhà không có thời gian để xem lại bài. Nguyên nhân chính là bố mẹ quá kỳ vọng vào con cái hoặc các bạn tự tạo áp lực cho chính mình.

“Giờ quan trọng nhất với sĩ tử bọn em là phải kết hợp học và chơi cho tinh thần thoải mái. Vì kiến thức đã được tích lũy cả năm rồi. Các bạn đừng tự tạo áp lực cho mình. Sắp xếp thời gian học và giải lao hợp lý. Mỗi buổi chỉ nên học từ 3-4 tiếng. Dành thời gian để ôn lại và nắm chắc những kiến thức cơ bản, những dạng bài vừa sức”.

“Mẹ em là công nhân, bố em là giám thị ở một trường học. Em cảm thấy cuộc sống của mình đầy đủ và hạnh phúc. Không có ước mơ hay lý tưởng gì lớn lao, em chỉ cố gắng để trở thành một người tốt.  Biết cảm nhận và trân trọng niềm vui của cuộc sống bình thường”.  

Nguyễn Nguyệt Minh

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hồng Vân ([Tên nguồn])
Thi tốt nghiệp THPT 2018 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN