Thông tư phạt "xe không chính chủ" chỉ có hiệu lực 2 tháng
Bộ Công an vừa ra Thông tư 11 có nội dung hướng dẫn xử phạt xe không chính chủ. Nhưng chỉ hơn 2 tháng sau khi có hiệu lực thi hành thông tư này sẽ lỗi thời.
Trao đổi với báo chí ngày 7/3, một lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Tổng cục VII - Bộ Công an) cho biết: Thông tư 11 hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định 34 và Nghị định 71 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ có hiệu lực từ ngày 15/4. Tuy nhiên, chỉ hơn 2 tháng sau, 2 nghị định này sẽ hết hiệu lực nên Thông tư 11 đương nhiên... cũng không còn hiệu lực!
Một thông tư “vô tiền khoáng hậu”
Trả lời thắc mắc của báo chí về việc tại sao lại gấp rút ban hành Thông tư 11 khi mà Bộ GTVT đang soạn thảo nghị định thay thế Nghị định 34 và Nghị định 71 (dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/7 tới), một lãnh đạo Tổng cục VII cho biết: Nếu nghị định thay thế Nghị định 34 và Nghị định 71 có hiệu lực từ ngày 1/7 thì Thông tư 11 sẽ chỉ có giá trị đến ngày 30/6.
Vị lãnh đạo này lý giải rằng cuối năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo chưa xử phạt xe không chính chủ và chờ hướng dẫn của Bộ Công an. Thông tư 11 là hướng dẫn của Bộ Công an về một quy định vẫn đang có hiệu lực thi hành. Để tránh lạm dụng, Thông tư 11 đã khoanh vùng phạm vi xem xét xử phạt đối với xe không chính chủ theo quy định. Hơn nữa, thủ tục tiến hành xử phạt được Thông tư 11 căn cứ vào Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính. Vào ngày 1/7 tới, Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực và pháp lệnh này cũng sẽ vô hiệu.
Làm thủ tục đăng ký chủ quyền xe tại TPHCM. Ảnh: TẤN THẠNH
Một chuyên gia luật cho rằng Thông tư 11 chỉ có hiệu lực trong thời gian hơn 2 tháng là điều “vô tiền khoáng hậu”. “Khi mà các thủ tục đăng ký sang tên đổi chủ phương tiện chưa được đơn giản hóa, Bộ Tài chính chưa ban hành thông tư giảm phí, tạo điều kiện cho người dân tự giác chấp hành thì việc ban hành quy định hướng dẫn xử phạt trong thời gian hơn 2 tháng là bất hợp lý, khó tạo được sự đồng thuận của dư luận”- chuyên gia luật này nhận định.
Cam kết để được “chính chủ”
Trao đổi với phóng viên chiều 7/3, đại tá Trần Thế Quân, Vụ phó Vụ Pháp chế - Bộ Công an, cho biết Bộ Công an vừa ban hành Thông tư 12/2013 (có hiệu lực từ ngày 15/4) sửa đổi, bổ sung Thông tư số 36/2010 về đăng ký xe nhằm tháo gỡ những trường hợp xe được mua bán qua nhiều đời chủ.
Theo đó, từ ngày 15/4/2013 đến ngày 31/12/2014, những xe mua bán qua nhiều đời chủ mà không có chứng từ chuyển nhượng hoặc chứng từ chuyển nhượng đã quá lâu thì sẽ được cấp đăng ký lại theo tủ tục đơn giản. Cụ thể: Người sử dụng xe chỉ cần có giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe (theo mẫu) và viết cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về xe làm thủ tục đăng ký, có xác nhận về địa chỉ thường trú người đang sử dụng xe của công an cấp xã nơi người đang sử dụng xe thường trú.
Trường hợp sang tên, di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác thì phải đến cơ quan đăng ký xe ghi trong giấy chứng nhận đăng ký xe để nộp hồ sơ; sau khi rút hồ sơ gốc thì đến cơ quan đăng ký xe nơi mình đăng ký thường trú để nộp hồ sơ. Trường hợp bị mất giấy chứng nhận đăng ký xe hoặc biển số thì phải trình bày rõ lý do trong giấy khai đăng ký xe… Sau 30 ngày, nếu không có các khiếu nại, tranh chấp thì cơ quan đăng ký xe sẽ giải quyết cấp biển số, giấy chứng nhận đăng ký xe.
Cấp giấy chứng nhận trong 2 ngày Đại tá Trần Thế Quân cho biết các quy định mới đều rất thuận lợi. Những trường hợp người đang sử dụng xe có chứng từ chuyển nhượng của người đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký xe và chứng từ chuyển nhượng của người bán cuối cùng thì chỉ trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký xe phải giải quyết cấp biển số, giấy chứng nhận đăng ký xe cho người đang sử dụng xe. |