Theo chân tài xế đường dài: Hành trình Nam - Bắc

Ăn không đúng bữa, giấc ngủ không trọn vẹn, bệnh tật chực chờ, tai nạn rình rập…, đời tài xế Bắc - Nam đầy rủi ro và đủ mùi cơ cực… Huân, 30 tuổi, tài xế xe container chuyên chở hàng nông sản tuyến Bình Thuận - Lạng Sơn, đúc kết: “Cuộc đời tài xế sau vô-lăng sống nay chết mai, ba chìm bảy nổi”.

Theo chân tài xế đường dài: Hành trình Nam - Bắc - 1

Để kịp thời gian, tài xế giành đường, vượt mặt.

Nguy hiểm là vậy, nhưng họ vẫn mỉm cười. Bởi khi bước chân vào nghề lái xe đường dài, họ đã tin vào số phận. Đời tài xế không hề thênh thang, lộng gió như những cung đường họ băng qua.

Gió bụi dọc đường

Sau hai ngày nằm đợi nhà vườn xếp trái thanh long vào thùng carton và chất lên container, 23 giờ đêm một ngày cuối tháng 7, chúng tôi cùng hai tài xế là Huân-Huy (cùng 30 tuổi, quê Bình Định) rời xã Tân thuận, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận chở hàng sang Trung Quốc. Xe chạy chưa được bao lâu thì điện thoại của Huân đổ chuông. Giọng người đàn ông đầu dây í ới: “Bốc hàng xong chưa, hối tụi bốc vác nhanh đi, thương lái bên Trung Quốc dọa hủy hàng vì đài báo sắp có bão lũ…”. 

Huân trả lời ngắn gọn: “Chạy rồi cha nội, gần tới Ninh Thuận” thì vứt điện thoại sang bên cạnh, hớp vội lon Red Bull (bò húc tăng lực - PV) và cho xe tăng tốc. Thường ngày, người tham gia giao thông không xa lạ với hình ảnh những chiếc xe đầu kéo container dài loằng ngoằng, ì ạch như rùa bò. Nhưng về đêm, đường sá vắng phương tiện, người qua lại, chiếc container do Huân cầm lái chỉ cần đổ một con dốc, nhích tí ga là dễ dàng qua mặt những xe khách đang chạy với tốc độ cao.

Đua một mạch không nghỉ đến gần 3 giờ sáng hôm sau, xe tới địa phận tỉnh Khánh Hòa, cách Nha Trang khoảng 43 km. “Tuýt… tuýt… tuýt…”, một trạm CSGT chốt chặn ở tỉnh này rọi đèn pin, chỉ gậy yêu cầu tài xế tấp vào. Kiểm tra giấy tờ đầy đủ, tải trọng hàng trên xe đúng qui định, chốt CSGT cho đi. Khi chuẩn bị lăn bánh, một CSGT khác lại nhắc nhở việc xe chở quá người qui định, lúc này Huân chỉ về phía chúng tôi lấp liếm: “Xe ông này hư ở trong kia, xin quá giang ra Nha Trang, đại ca thông cảm…”.

Hơn 6 giờ sáng, xe tới khu vực đèo Cả thuộc huyện Vạn Ninh, giáp ranh huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, Huân tấp xe vào bãi đất trống bên đường. Sau khi kiểm tra lốp xe, giảm thêm nhiệt độ thùng container chứa thanh long xong, hai tài xế cùng chúng tôi hướng về quán bán nước giải khát dã chiến gần đó.

Lót dạ tô mì gói, nhâm nhi ly cà phê “gió bụi dọc đường”, ngồi cạnh bên là một nhóm tài xế đang “chén chú chén anh” với can rượu chuối hột.  Huy nói: “Trạm Cam Ranh không dính biên bản quá người qui định, giờ ra tới Hà Giang thế nào cũng “ăn đòn” với mấy ổng (CSGT- PV). Bị giữ bằng lái, giấy tờ xe… mệt lắm. Thôi chuyến này mày (tài phụ Huân) với ổng (PV) đi đi, tới Bình Định tao về nhà chơi với thằng cu vài hôm chứ nửa tháng nay đi suốt”. 

“Nạp” chất gây nghiện… để tỉnh táo

Quãng đường ra Bình Định, Huy cầm vô lăng. Tuy chặng đường không dài, khoảng 150 km nhưng qua trò chuyện với bác tài “xe công” này, chúng tôi hiểu phần nào nỗi niềm của cánh tài xế đường dài. Huy nói, tài xế xe đường dài hầu hết đồng hồ sinh học thay đổi, không có khái niệm ngày đêm, vì ngày cũng như đêm. 

Muốn tồn tại với nghề phải luyện tập cách chống chọi với cơn buồn ngủ, đặng cơ thể thích nghi với những chuyến ra Bắc vào Nam kéo dài cả tuần. Chính vì vậy, giấc ngủ chưa bao giờ được trọn vẹn. Ngay cả thời điểm thay ca, được ngủ… thì cũng không chợp mắt được vì cơ thể đã bị mấy chất kích thích như cà phê, thuốc lá, nước tăng lực… làm chủ. Thậm chí nhiều bác tài như Huy còn “chơi” heroin… để lúc nào cũng luôn trong tình trạng tỉnh như sáo.

Theo chân tài xế đường dài: Hành trình Nam - Bắc - 2

Buôn chuyện qua điện thoại, một trong 1001… cách chống buồn ngủ của tài xế.

“Dùng cái gì cũng có mặt lợi mặt hại hết ông ơi! Đồ ăn thức uống có chất kích thích giúp đầu óc tài xế tỉnh táo xử lý các tình huống xấu có thể xuất hiện bất cứ lúc nào trên đường đi, nhưng nó mang lại không ít tác hại…”, Huy vừa nói xong thì Huân nằm trên chiếc giường ở phía sau, bồi tiếp: “Nằm nãy giờ mà tui có ngủ được đâu.  Từ Bình Thuận ra Phú Yên tui “nhai” gần hết hai gói thuốc lá, nuốt 3 lon bò húc thì ngủ với nghỉ gì được. Không nạp mấy thứ đó vô thì nó uể oải như sắp chết. Mà hai ông nói tới tui mới nhớ. Hết chuyến này tui đi bệnh viện khám thử chứ lúc ở nhà cũng bị mất ngủ, gần đây hay bị đau đầu,  đau muốn nổ banh óc…”.

Gần giữa trưa, xe dừng đến địa phận huyện An Nhơn, Bình Định. Mặc dù chúng tôi nhiều lần “nài nỉ” nán lại dùng bữa sáng muộn rồi về, nhưng Huy dứt khoát không nhận lời. Xe dừng, Huy vừa mở cánh cửa bên tài thì một phụ nữ trờ xe máy tới. Hỏi ra mới biết người đó là vợ Huy đến đón.

Thịt gà  - “Viagra” của tài xế

Vợ chồng Huy vừa đi khuất, Huân dắt chúng tôi hướng về phía nhà tắm một quán cơm bên đường. “Tui vòi nước này, ông vòi kia, xối đại rồi vào ăn cơm”, vừa nói Huân vừa xả nước vào xô, lấy ca múc nước dội lên người ào ào… Tranh thủ tắm vội, chúng tôi bước vào quán suy nghĩ món ăn để đãi tài xế này, nhưng chưa kịp gọi thì nhân viên trong quán yêu cầu qua ngồi ở chiếc bàn đang dọn sẵn một con gà luộc, tô gà kho gừng, rau luộc…

Hỏi ra mới biết, món ăn khoái khẩu của tài xế đường dài là thịt gà ta, nó được xem là “viagra” tăng cường sức khỏe, cung cấp cho họ năng lượng đủ cầm cự đường trường. Thấy chúng tôi bỡ ngỡ, Huân phân tích: “Ông thấy vụ sập hầm Đạ Dâng ở Đà Lạt năm 2014 không? Các nạn nhân bị kẹt bên trong được đoàn cứu hộ ngày đêm tiếp tế nước cháo gà để tăng chất dinh dưỡng. Còn chủ quán ở đây quen rồi, thấy xe tấp vào là biết tài xế ăn gì, nên ông không có cơ hội mời”.   

Theo chân tài xế đường dài: Hành trình Nam - Bắc - 3

Ngoài việc cầm vô lăng, tài xế đường dài là những thợ garege lành nghề.

Trước khi xe lăn bánh, Huân cầm một thanh sắt đi quanh xe gõ từng chiếc lốp, mở nắp cabin kiểm tra máy móc... “Xe cũng như con cái của mình, bản thân biết xem trọng sức khỏe thì cũng phải biết quí trọng “cần câu cơm” (xe) của mình. Mỗi chuyến đi hàng ngàn cây số, nếu không thường xuyên kiểm tra nhỡ xe hỏng dọc đường là khổ trăm bề”, Huân chia sẻ. Theo ghi nhận của chúng tôi, ngoài kinh nghiệm lái xe ra, tài xế đường dài còn là những người thợ lành nghề về kĩ năng xử lí sự cố khi xe “chết” giữa đường.

Vượt hơn 300 km, vừa chui qua hầm đèo Hải Vân thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế thì bất ngờ xe giảm tốc độ. Mỗi lần Huân lùi số, đạp ga lấy lại trớn nhưng chỉ nghe tiếng động cơ ầm ĩ, nhưng xe vẫn không tăng được tốc độ. Xe dừng hẳn. Ngay lập tức, Huân mở cửa nhảy xuống xe, bật nắp cabin kiểm tra máy móc. Khoảng 10 phút sau, anh ta phát hiện nguyên nhân hỏng hóc ở hệ thống bơm bép dầu. Sự cố được khắc phục, xe tiếp tục lăn bánh.

Khi xe sắp vào đường tránh TP Huế, hai bên đường khu vực này có rất nhiều nhân viên các quán cơm chiếu đèn pin lên cabin mời tấp vào… Huân cười nói: “Chịu đói tí nữa thôi, khoảng 10 km nữa tới thị trấn Phú Bài có quán lẩu gà lá giang và hải sản ngon lắm”.

Từ khi Huy ghé nhà, quãng đường từ Bình Định - Huế chỉ có mình Huân cầm lái. Đến Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy, tỉnh Hà Giang để qua Trung Quốc, hành trình còn rất dài. Nhưng tâm lí Huân có vẻ thoải mái hơn, các cơn buồn ngủ thường ngày ập đến cũng nhanh tan biến. Suốt đoạn đường ngồi trên xe, câu chuyện giữa chúng tôi với tài xế này chỉ đơn thuần là chuyện đời, chuyện nghề, chuyện gia đình, vợ con… Tất cả cứ như thể trên đường thiên lý thênh thang, luôn bình yên, thanh thản như đi du lịch vậy. Nhưng không…

Gần 7 năm cầm vô lăng, Huân thuộc, rành từng tuyến đường có ổ voi, ổ gà, đoạn đường nào đông dân cư; đoạn nào công an bắn tốc độ hay những đoạn bất ngờ xuất hiện những tay “du thủ du thực” lao ra chặn xe “mãi lộ”…

Họ bị coi là hung thần xa lộ, nhưng mấy ai đã từng cùng họ rong ruổi trên những cung đường? Tứ bề sức ép, từ chủ hàng, khách hàng, cùng với luật bất thành văn chung chi buộc phải tuân thủ theo luật… im lặng.

(Còn nữa)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đình Đình (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN