Thầy giáo bị "treo" lương, kêu cứu Bí thư Thăng là ai?

Sự kiện: Thời sự

Sai sót “quy trình” thuộc về UBND huyện Hóc Môn nhưng anh Châu là người chịu thiệt thòi khiến dư luận bức xúc.

Chiều 5/10, tại buổi tiếp xúc cử tri của Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng, thầy giáo Trần Thái Châu (thị trấn Hóc Môn) đã gây xôn xao khi giãi bày chuyện bản thân dạy học suốt 15 tháng không lương. Hoàn cảnh thầy giáo này, theo tìm hiểu của chúng tôi, hết sức bi đát.

Bị “treo” lương vì lỗi “quy trình”

Trình bày tại buổi tiếp xúc cử tri của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, thầy giáo Châu cho biết, sau khi đậu viên chức giáo viên tại Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Hóc Môn hồi tháng 7/2015, anh được phân về trường THCS Phan Công Hớn công ký hợp đồng 1 năm với mức lương tháng hơn 2,1 triệu đồng.

Thế nhưng, khi hết thời gian thử việc, anh vẫn chưa nhận được quyết định tuyển dụng để nhà trường hoàn thành hồ sơ hết tập sự, gửi Phòng Nội vụ ban hành quyết định bổ nhiệm chức danh giáo viên chính thức.

Thầy giáo bị "treo" lương, kêu cứu Bí thư Thăng là ai? - 1

Thầy Châu trình bày vấn đề của mình với Bí thư thành ủy Đinh La Thăng

Cũng vì vậy mà suốt 15 tháng thử việc anh không nhận được đồng nào. Ban Giám hiệu nhà trường cũng đã nhiều lần kiến nghị đến Phòng Nội vụ và Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Hóc Môn nhưng đến nay các phòng vẫn không phản hồi. Dù nhà trường đã linh động cho ứng lương nhưng theo anh Châu, việc này như một hình thức vay mượn, trong khi những đồng tiền mình làm ra lại không được nhận.

Trả lời câu hỏi của Bí thư Thành ủy về trường hợp này, Chủ tịch huyện Hóc Môn Huỳnh Văn Hồng Ngọc cho biết, do anh Châu nằm trong danh sách 53 trường hợp thực hiện tuyển dụng không đúng theo quy trình đăng báo 3 kỳ mà Sở Nội vụ yêu cầu, nên Sở không giải quyết. Điều đáng nói, sai sót “quy trình” thuộc về UBND huyện Hóc Môn nhưng anh Châu là người chịu thiệt thòi khiến dư luận bức xúc.

Thế nhưng đây mới chỉ là “phần nổi” những khó khăn của thầy Châu gặp phải trong thời gian qua, bởi “phần chìm” là cả một câu chuyện dài khiến chúng tôi không kìm được nước mắt.

Tìm đến Bí thư vì hết hi vọng

Chúng tôi tìm đến nhà thầy Châu ngay sau khi dư luận “nổi sóng”, ông Trần Hiều (cha của thầy Châu) - người bao năm nay là sức mạnh là trụ cột của gia đình vẫn không kìm được nước mắt khi nói về con trai. Ông kể, vợ chồng mình bệnh tật liên miên nên không làm được việc nặng nên ông phải tận dụng mặt tiền nhà mở quán cà phê “cóc” kiếm sống.

Thầy giáo bị "treo" lương, kêu cứu Bí thư Thăng là ai? - 2

Quán cà phê “cóc” là nguồn thu nhập chính của gia đình thầy Châu hàng chục năm nay

Tuy nhiên, mức thu nhập chưa đến 200 ngàn mỗi ngày không thể đủ sinh hoạt gia đình và học tập của 3 con nhỏ. Bởi vậy, tiền học của các con luôn trong tình trạng trễ hẹn.

“Để “chèo chống” gia đình, tháng nào tui cũng phải vay chỗ này, đập chỗ kia nhưng đâu phải lúc nào người ta cũng có sẵn cho mình mượn. Nhiều khi bất lực vì không kiếm nổi 100 ngàn để đóng tiền học phí của con”, ông chia sẻ.

Thầy giáo bị "treo" lương, kêu cứu Bí thư Thăng là ai? - 3

Ông Hiều đã không kìm được nước mắt khi nói về con mình

Thế nhưng, không vì khó khăn mà ông bắt con phải nghĩ học. “Tôi luôn nói với các con, ba mẹ không lo được cho các con ăn ngon nhưng sẽ cố gắng để các con được ăn no, được học hành tới nơi tới chốn. Các con phải cố gắng học để có nghành nghề nuôi thân không sẽ khổ như ba mẹ”, ông tâm sự.

Thầy giáo bị "treo" lương, kêu cứu Bí thư Thăng là ai? - 4

Góc trưng bày thành tích của gia đình thầy Châu

Cũng may, các con ông đều là người hiểu chuyện, dù có khi từ sáng đến trưa chỉ ăn gói xôi 5 ngàn nhưng vẫn học tập luôn ở mức khá, giỏi, biết giúp đỡ gia đình.

Riêng anh Châu còn được đề cử là thanh niên tiêu biểu của huyện Hóc Môn, được Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn tặng giấy khen trong phong trào thi đua yêu nước.

Ông chia sẻ tiếp: “Ngày Châu nhận bằng tốt nghiệp, tôi mừng đến khóc òa bởi vui mừng và thương con chịu nhiều thiệt thòi. Thế nhưng số nó long đong, ra trường bằng khá nhưng vẫn thất nghiệp đến 2 năm mới xin được dạy hợp đồng. Khi thi đạt công chức thì nhằm phải đợt bị lỗi “quy trình” mãi không được xét duyệt làm giáo viên chính thức dù đã kêu cứu nhiều nơi. Tôi bảo nó, không được thì về phụ bán cà phê với tôi có chết ai đâu. Nó bảo, nó yêu nghề giáo nên sẽ cố gắng chờ đợi”.

Để Châu giữ được niềm đam mê, cô em gái là giáo viên mần non ki cóp tiền lương, vay mượn bạn bè mua chiếc xe máy để anh trai có phương tiện đi lại. Người chị gái vừa học nghề vừa đi làm cũng tiết kiệm chút tiền gửi về gia đình. Người cha mỗi sáng vẫn đều đặn dúi vào tay con trai 20 ngàn dằn túi tiêu vặt.

Thầy giáo bị "treo" lương, kêu cứu Bí thư Thăng là ai? - 5

Giấy khen của Chủ tịch huyện về hoạt động phong trào của thầy Châu

Và ngày 5/10, họ quyết định “đánh cược” những nổ lực của mình bằng việc gặp Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng. “Ngày 04/5, tui nghe tin Bí thư Thăng về huyện tiếp xúc cử tri mừng quá bảo với con làm đơn cứu xét. Tui nói với nó lần này mà không được thì đừng chờ đợi, hi vọng gì nữa, không theo được nghề dạy học thì về nhà phụ bán cà phê có chết ai đâu và con tôi đã quyết định làm theo”, ông cho hay.

Nói về hoàn cảnh của thầy Châu, ông Trần Đình Vũ – Tổ trưởng KP6 cho hay, gia đình thầy Châu khó khăn nên năm 2014, đã được địa phương xây nhà tình nghĩa: “Châu là một người chịu khó, nhiệt tình trong công tác tại địa phương, được đề cử là thanh niên tiêu biểu của huyện năm 2014, được Chủ tịch huyện tặng giấy khen nhiều lần. Ngoài công việc tổ trưởng tổ 57, cháu Châu còn là thầy giáo dạy kèm miễn phí các em nhỏ học yếu kém ở địa phương”.

Trao đổi với phóng viên, thầy Nguyễn Trung Sơn – Hiệu trưởng trường PTCS Phan Công Hớn cho biết, thầy Châu là giáo viên dạy giỏi, rất nhiệt tình, năng nổ trong các hoạt động tập thể trong nhà trường. Nhà trường vẫn đang giữ hồ sơ của thầy chờ quyết định của Sở, Phòng GD&ĐT.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hương Trà (Gia đình & Xã hội)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN