Tháp truyền hình đổ: Xây phải theo chuẩn Mỹ

Ngay sau khi xảy ra sự cố bão Sơn Tinh quật sập tháp truyền hình 180m tại Nam Định, Đài PT-TH tỉnh Nam Định đã có báo cáo gửi UBND tỉnh về quá trình đầu tư xây dựng Trung tâm kỹ thuật PT-TH tỉnh Nam Định.

Báo cáo cho thấy công trình tháp truyền hình chia làm hai gói thầu và phần tháp được coi là thiết bị chứ không phải công trình thành phần của dự án.

Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm truyền dẫn phát sóng tỉnh Nam Định do Đài PT-TH tỉnh Nam Định đã ba lần được phê duyệt dự án đầu tư, chỉ khác nhau về số tiền. Cụ thể ngày 28/1/2003, UBND tỉnh phê duyệt dự án với quy mô các công trình chính là tháp ăngten cao 180m, nhà đặt máy phát hình 550m2... với tổng mức đầu tư gần 18,5 tỉ đồng.

Đến ngày 9/8/2004, UBND tỉnh Nam Định có quyết định phê duyệt lần 2 với tổng mức đầu tư hơn 35,7 tỉ đồng và đến ngày 17/1/2012 phê duyệt lần 3 với tổng mức đầu tư gần 78 tỉ đồng. Trong cả ba quyết định phê duyệt dự án này, phần tháp ăngten cao 180m được đưa vào hạng mục thiết bị chứ không phải một công trình thành phần của dự án. Lý do điều chỉnh dẫn đến phải phê duyệt dự án lần 3 do chế độ chính sách nhà nước, giá nguyên nhiên vật liệu có thay đổi.

Cũng tại báo cáo này, Đài PT-TH Nam Định cho biết tháp ăngten cao 180m đã được UBND tỉnh phê duyệt kiểu dáng, tiêu chuẩn. Cụ thể, tiêu chuẩn kỹ thuật của tháp là tháp tự đứng bốn chân trụ mới 100%, nhập khẩu đồng bộ, thỏa mãn các yêu cầu: chiều cao 180m, trọng lượng tổng thể thân tháp và bulông mặt bích (chưa tính đến trọng lượng dàn ăngten và các thiết bị khác) là 160-180 tấn, chiều rộng đáy tháp (tiết diện hình vuông) là 23-24m, tháp được thiết kế theo tiêu chuẩn cấu trúc cho tháp ăngten và các khung đỡ ăngten bằng thép EIA 222F của Hiệp hội Công nghiệp điện tử và Hiệp hội Viễn thông phù hợp với tiêu chuẩn của Viện Tiêu chuẩn quốc gia Hoa Kỳ, thiết kế chịu được tốc độ gió 120km/giờ (cấp 12)...

Trong báo cáo không thấy Đài PT-TH Nam Định nêu về hồ sơ thiết kế kỹ thuật của tháp ăngten này, cũng như nhắc đến việc áp dụng các tiêu chuẩn của VN về tải trọng (phải chịu được gió cấp 15 chứ không phải cấp 12 như chuẩn Mỹ).

Mặc dù chủ đầu tư vi phạm quy định như vậy nhưng UBND tỉnh vẫn đồng ý với tờ trình dẫn đến việc sau đó Đài PTTH Nam Định đã căn cứ trên tờ trình này để ký với Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện - VTC hợp đồng kinh tế cung cấp tháp ăngten cao 180m với giá trúng thầu 528.650 USD.

Cũng tại báo cáo của Đài PT-TH Nam Định cho thấy công trình tháp ăngten này đã được chia thành hai phần, một phần là gói thầu mua sắm trọn gói và một phần là gói thầu xây lắp móng tháp ăngten và lắp dựng ăngten tự đứng cao 180m.

Vì vậy, chỉ có gói thầu xây lắp móng tháp ăngten và lắp dựng ăngten tự đứng cao 180m có đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu lắp đặt và được Trung tâm kiểm định chất lượng công trình tỉnh Nam Định kiểm nghiệm chất lượng phần móng. Trong khi đó, đối với tháp ăngten nhập khẩu chỉ có giám định về số lượng, chủng loại, tình trạng xuất xứ do Vinacontrol cấp, hoàn toàn không có giám định về chất lượng của cơ quan chức năng nhà nước VN.

Theo một chuyên gia của Bộ Xây dựng, tháp ăngten phải là gói thầu xây lắp chứ không thể coi là gói thầu mua sắm hàng hóa/thiết bị. Điều này dẫn đến công trình không có thiết kế cơ sở, không có tư vấn thiết kế, giám sát nên không phát hiện được những thiếu sót về vấn đề an toàn khiến tháp bị đổ vào đêm 28/10.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo M.Quang - T.Phùng (Tuổi Trẻ)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN