Tam giác Việt - Mỹ - ASEAN

Sự kiện: Thời sự

Ngày 10/5, GS James Borton (Viện Đối ngoại, ĐH John Hopkins, Mỹ) và GS Carlyle Thayer (ĐH New South Wales, Học viện Quốc phòng Úc) gửi cho phóng viên Tiền Phong hai bài viết với nội dung xung quanh chuyến thăm Mỹ và tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường tham dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Mỹ; thăm, làm việc tại Mỹ và Liên Hợp Quốc. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường tham dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Mỹ; thăm, làm việc tại Mỹ và Liên Hợp Quốc. Ảnh: TTXVN

GS James Borton: Việt Nam trở thành khối nam châm

Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN - Mỹ trong hai ngày 12 và 13/5 tại thủ đô Washington D.C, theo lời mời của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Tổng thống Joe Biden dự kiến tiếp Thủ tướng Phạm Minh Chính (và lãnh đạo các nước ASEAN khác), báo hiệu nỗ lực của Mỹ trong việc can dự với châu Á - Thái Bình Dương. Hội nghị sẽ đem lại một cơ hội quan trọng để Washington tạo tiền đề cho việc xác định các chi tiết của Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) được công bố vào tháng 10 năm ngoái.

Việt Nam, với tư cách là chủ tịch trước đây của ASEAN, đóng một vai trò to lớn trong việc giúp Mỹ đạt được sự đồng thuận chung. Nhìn bề ngoài, Washington dường như không có nhiều ưu đãi để cung cấp cho các thành viên ASEAN hoặc khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương khi họ tham gia sáng kiến. Tuy nhiên, Tổng thống Biden hy vọng rằng Việt Nam có thể đóng vai trò dẫn dắt trong các cuộc hội đàm, đối thoại về việc sáng kiến ​​này có thể giúp ích cho quá trình phục hồi của châu Á thời COVID-19 thông qua việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi kỹ thuật số và thương mại kỹ thuật số nhằm tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng khu vực.

Bên cạnh vai trò là nhà cung cấp công nghệ, IPEF sẽ bao gồm bộ quy tắc về quản trị kỹ thuật số mang tính chất tự do hơn so với cách tiếp cận của Trung Quốc. Một số quốc gia trong khu vực không muốn phụ thuộc quá mức vào công nghệ và những ý tưởng bất chợt của một nước cụ thể.

Lẽ tự nhiên là Washington nên coi Hà Nội như một đối tác chiến lược trong việc đưa ra thông điệp của mình cho ASEAN vì hai cựu thù đã vượt qua một vực thẳm rộng lớn kể từ năm 1975 để trở thành đối tác chiến lược toàn diện. Washington cũng ngưỡng mộ nỗ lực của Việt Nam hướng tới một nền kinh tế mở và một loạt cải cách nhằm giảm bớt tình trạng quan liêu hành chính và kích thích đầu tư nước ngoài. Các trụ cột kinh tế của Việt Nam chủ yếu dựa vào quá trình bình thường hóa thương mại với Mỹ dưới thời chính quyền Bill Clinton, được kết nạp vào Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2006, sau khi gia nhập ASEAN năm 1995.

Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ vào năm 1995 và kể từ đó, Việt Nam đã trở thành một khối nam châm thu hút các khoản đầu tư của Mỹ. Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Mỹ vào Việt Nam đã tăng từ dưới 1 tỷ USD năm 2011 lên hơn 2,6 tỷ USD năm 2019. Nhiều công ty đa quốc gia của Mỹ đã đầu tư vào Việt Nam trong vài thập kỷ qua, bao gồm Apple, Intel, Microsoft, Nike, General Electric, Adidas, Puma, GAP…

GS Carlyle Thayer: Tầm quan trọng chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính

Tương lai của quan hệ Việt - Mỹ phần lớn sẽ phụ thuộc vào cuộc gặp giữa Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Phạm Minh Chính. Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper đều thể hiện mong muốn nâng tầm quan hệ lên đối tác chiến lược.

Vì ổn định chính trị và có tầm nhìn chiến lược, Việt Nam có thể đóng vai trò mang tính xây dựng trong ASEAN hơn một số quốc gia sáng lập ban đầu. Việt Nam xây dựng và thiết thực trong việc cố gắng củng cố ASEAN, vai trò trung tâm của ASEAN và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt.

Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ có thể sẽ tập trung vào một số vấn đề, như y tế khu vực (giảm nhẹ đại dịch COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm khác, xây dựng cơ sở hạ tầng y tế và phát triển nguồn nhân lực), phục hồi kinh tế sau COVID-19, chuỗi cung ứng, kinh tế kỹ thuật số, hạ tầng, phát triển sông Mekong và biến đổi khí hậu. Đây đều là những lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam và Việt Nam có nhiều khả năng sẽ hỗ trợ các cách tiếp cận đa phương để đối phó những thách thức này.

Tổng thống Mỹ sẽ muốn thảo luận về sự hỗ trợ liên tục của Mỹ đối với việc giảm thiểu tác động của COVID-19 và hồi phục kinh tế (vắc xin, dược phẩm, công nghệ sinh học, phát triển nguồn nhân lực và hỗ trợ văn phòng CDC khu vực); một hiệp định khung kinh tế mới bao gồm thương mại kỹ thuật số, đầu tư và tiếp cận thị trường Mỹ; an ninh mạng và các vấn đề di sản chiến tranh.

Tổng thống Biden sẽ nêu các vấn đề về chính sách đối ngoại: Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, hợp tác song phương về an ninh và an toàn hàng hải, Myanmar, và cuộc chiến ở Ukraine.

Có một số vấn đề chung trong quan hệ Việt - Mỹ và ASEAN - Mỹ là chìa khóa cho Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Tổng thống Biden. Đó là các mối đe dọa xuyên quốc gia, an ninh y tế, kết nối, thịnh vượng khu vực thông qua tăng trưởng kinh tế trên diện rộng, chuỗi cung ứng an toàn, năng lượng, giao thông vận tải, biến đổi khí hậu và mối liên kết giữa con người với con người.

Sau khi chính quyền Joe Biden công bố Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Việt Nam nên nhanh chóng tham gia với Mỹ để tạo động lực cho sáng kiến ​​này.

Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường tới Mỹ

Chiều 10/5, chuyên cơ chở Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn cấp cao Việt Nam rời Hà Nội, lên đường tới Mỹ dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN - Mỹ. Tham gia đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam còn có các bộ trưởng Bộ Công an, Ngoại giao, TN&MT, KH&ĐT, Công Thương, LĐ-TB&XH, TT&TT, NN&PTNT, KH&CN, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước… Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam thăm, làm việc tại Mỹ và Liên Hợp Quốc từ ngày 11-17/5.

Hà Nhân

Nguồn: [Link nguồn]

Clip: Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì lễ đón Thủ tướng Nhật Bản

Lễ đón Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio được tổ chức trọng thể theo nghi thức dành cho người đứng đầu Chính phủ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo GS James Borton - GS Carlyle Thayer ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN