Tạm dừng triển khai CMND mẫu mới?

TS. Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản Quy phạm pháp luật (KTVBQPPL) (Bộ Tư pháp) cho hay, mới đây đã có chủ trương về việc tạm dừng triển khai làm CMND theo mẫu mới.

Cũng theo ông Sơn, cần nghiên cứu để khẩn trương ban hành một Nghị định mới của Chính phủ về CMND.

Theo đó, đồng tình với dư luận xã hội và ý kiến của nhiều chuyên gia, ông Sơn cho rằng việc đưa thông tin về cha, mẹ của một người vào CMND là không phù hợp với các quy định về bảo vệ quyền trẻ em trong Công ước về quyền trẻ em mà Việt Nam đã ký kết.

Cụ thể trong Công ước về quyền trẻ em: “Không trẻ em nào phải chịu sự can thiệp tuỳ tiện hay bất hợp pháp vào việc riêng tư, gia đình, nhà cửa hoặc thư tín cũng như những sự công kích bất hợp pháp vào danh dự và thanh danh của các em”.

Mặt khác, Bộ luật Dân sự quy định rõ: “Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Bộ luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó”. Như vậy, việc ban hành quy định liên quan đến trẻ em cũng phải tuân thủ Công ước về quyền trẻ em.

Cũng theo Bộ luật Dân sự năm 2005 về quyền bí mật đời tư, người mẹ có quyền giữ kín thông tin về người cha và nếu thủ tục hành chính yêu cầu ghi tên cha, mẹ đứa bé thì sẽ xâm phạm quyền bí mật đời tư được quy định tại điều này. Có ý kiến khác cho rằng, thực tế hiện nay, một số trường hợp “nhạy cảm” mà việc bắt buộc phải ghi (hoặc để trống) tên cha, mẹ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người có CMND.

Ngoài ra, theo ông Sơn, việc đưa họ tên cha, mẹ vào CMND của một công dân, có thể gây "phiền toái” cho công dân. Chẳng hạn do hoàn cảnh đặc biệt mà khi công dân ra đời việc xác định họ tên cha và họ tên mẹ là không thể như thụ tinh nhân tạo, sinh ra trong ống nghiệm, bà mẹ đơn thân sinh con và nuôi con một mình...

Đặc biệt, ông Sơn cho hay, có ý kiến cho rằng, việc đưa họ tên cha, mẹ dù có thể tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý, nhưng cần tính đến những tác dụng ngược của quy định này.

Ông Sơn phân tích: Có những công dân may mắn là bố hoặc mẹ làm “ông to, bà lớn” thì việc đưa thông tin này vào có thể khiến họ lạm dụng làm oai, làm phách, thậm chí trưng ra để “doạ dẫm” người thi hành công vụ. Ngược lại, có những công dân không “may mắn” khi bố, mẹ là “chân đất, áo vải”, không có chức tước, địa vị. Cá biệt, có trường hợp bố mẹ không may vướng vào “chuyện nọ, chuyện kia”, ít nhiều làm ảnh hưởng đến con cái và người thân trong gia đình.

Như vậy, ông Sơn đánh giá việc đưa họ tên cha mẹ vào CMND còn thể hiện phảng phất tư duy “chủ nghĩa lý lịch”, “con vua, con sãi” rất không có lợi trong bối cảnh hiện nay.

Từ đó, người đứng đầu Cục KTVBQPPL (Bộ Tư pháp) cho rằng cơ quan có thẩm quyền cần phải cân nhắc kỹ để xem xét bỏ nội dung đưa “…họ và tên cha; họ và tên mẹ…” vào CMND.

Một nội dung theo ông Sơn cần nghiên cứu để bổ sung là quy định về nhóm máu cụ thể của một công dân. Thông tin này rất cần, rất có lợi cho công dân trong điều kiện hiện nay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Cảnh Kiên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN