Tại sao mồ hôi bốc mùi khó chịu?
Khi mồ hôi túa ra, một số người “bốc mùi đặc trưng” khó chịu, dù trong thực tế bản thân mồ hôi là thứ không có mùi. Tại sao lại như vậy?
Trang NPR đã cho đăng tải một đoạn video trích nguồn từ chương trình podcast hóa học Distillations để lý giải về hiện tượng trên.
Hóa ra là, con người có 2 loại tuyến mồ hôi: tuyến mồ hôi toàn vẹn và tuyến mồ hôi đầu hủy. Tuyến mồ hôi toàn vẹn (eccrine) là loại tuyến sau khi tiết ra mồ hôi thì cấu tạo tuyến vẫn nguyên vẹn, còn tuyến mồ hôi đầu hủy (apocrine) là loại tuyến sau khi chế tiết thì mất đi phần đầu của tuyến.
Tuyến mồ hôi toàn vẹn (eccrine) nằm rải rác khắp nơi trên da, nhiều nhất ở lòng bàn tay, bàn chân. Trong khi đó, tuyến mồ hôi đầu hủy (apocrine) hay còn được gọi nôm na là tuyến mồ hôi dầu chỉ có ở nách và vùng sinh dục, và đây cũng chính là nơi bắt đầu những rắc rối về mùi cơ thể.
Tuyến mồ hôi dầu chỉ có ở nách và vùng sinh dục
Tuyến mồ hôi thông thường có chức năng làm mát cơ thể, khi bạn nóng bức mồ hôi sẽ được tiết ra và bay hơi làm hạ nhiệt độ cơ thể. Trong thành phần của nó có nước (chiếm tới 99%) và các chất điện giải.
Tuy nhiên, chức năng cụ thể của tuyến mồ hôi đầu hủy (apocrine) hay tuyến mồ hôi dầu ở người chưa rõ ràng. Ở động vật có vú, nó có hai chức năng: thứ nhất một số động vật tiết ra mùi để xua đuổi các loài khác, thứ hai tiết ra các mùi đặc biệt để hấp dẫn bạn tình (ví dụ: con cầy hương).
Trong thành phần mồ hôi dầu của người có thêm các hợp chất amoniac, acid béo chưa no, ... Bản thân các chất này khi vừa mới ra khỏi ống tuyến chưa có mùi hôi. Các vi khuẩn hoạt động trên bề mặt da phân huỷ các acid béo này và tạo ra mùi rất khó chịu, gây nên hiện tượng hôi nách ở người.