Tại sao có tục múa lân sư rồng vào những dịp lễ, Tết quan trọng?

Sự kiện: Tết Giáp Thìn 2024

Hình ảnh những đoàn người múa lân, múa rồng trong tiếng chiêng trống rộn ràng đã trở thành một “món ăn tinh thần” mỗi dịp lễ, Tết quan trọng của người Việt Nam.

Những năm gần đây, mỗi dịp Tết hay lễ hội truyền thống, khai trương cửa hàng, lễ kỷ niệm hoặc lễ cưới… thường xuất hiện các tiết mục múa lân, múa rồng.

Những đoàn người nối đuôi nhau, cầm theo đầu lân, đầu rồng và những ông Địa đi cùng pha trò trong tiếng chiêng, tiếng trống rộn rã làm người dân phấn chấn. Không khí lễ, Tết cũng vì thế mà rộn ràng hơn. Vậy tục múa lân sư rồng bắt nguồn từ đâu?

Múa lân sư rồng mong ước bình an, may mắn và hạnh phúc

Múa lân sư rồng mong ước bình an, may mắn và hạnh phúc

Theo Giáo sư, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Lâm Biền, tục múa lân sư rồng bắt nguồn từ Trung Quốc nhưng đã được Việt hóa một phần.

Múa lân như hiện nay chỉ mới du nhập vào Việt Nam sau thời mở cửa, còn múa sư tử có lâu hơn. Múa sư tử ở Việt Nam thực sự là chỉ có 1 đầu con sư tử và cái đuôi phải là màu đỏ. Sư tử thực chất là con hổ phù.

“Hổ phù gắn với mặt trăng. Khi có nguyệt thực toàn phần, thì năm đó người ta coi là có điềm đói, chiến tranh; nguyệt thực 1 phần là điềm được mùa rất lớn.

Hổ phù kết hợp với đạo phật sẽ có sừng nhưng là sừng thịt, không húc người. Hổ phù tượng trưng cho sức mạnh tầng trên, vận động truyền sinh khí xuống đời, được hội vào đuôi màu đỏ, khi nó vẫy đuôi là sinh khí vận động.

Ý nghĩa của múa sư tử tức là đem hạnh phúc xuống cho thế gian. Bên cạnh đó, múa sư tử cũng là để cầu mùa, cầu hạnh phúc của cư dân nông nghiệp thủa trước”, GS Biền chia sẻ.

Giáo sư, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Lâm Biền

Giáo sư, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Lâm Biền

Về múa rồng, GS Biền cho biết, người Việt Nam là dân nông nghiệp nên trong lễ hội thường có múa rồng. Rồng bản chất là mây trời, là con vật chủ thể, là nguồn sinh khí ở trên trời.

Khi múa rồng, đoàn rước thường chạy ngược kim đồng hồ. Mục đích của việc này là vì người xưa thờ mặt trời, mà mặt trời thường tự quay quanh trục theo chiều ngược kim đồng hồ.

“Trong văn hóa Việt Nam, con rồng ở trên trời là yếu tố dương, ở dưới đất phải có hổ là yếu tố âm, chứ không phải lân, sư tử như hiện nay là của Trung Quốc.

Múa rồng ở Việt Nam có sự gắn kết với văn hóa Trung Hoa nhưng mỗi dân tộc có sự thể hiện khác nhau. Múa rồng ở Việt Nam thì êm đềm, mềm mại, nghệ thuật và đầy chất trữ tình, còn múa rồng ở Trung Quốc thể hiện sự khỏe mạnh”, GS Biền phân tích.

GS Biền cho biết thêm, ở miền Bắc không có tục múa lân sư rồng, mà văn hóa này “chạy” từ miền Nam ra. Tục múa lân sư rồng gắn với người Hoa lưu lạc ở trong Nam và mới chỉ phổ biến ra miền Bắc từ cuối thế kỷ 20.

Tục múa lân sư rồng có nhiều ý nghĩa khác nhưng bao quát nhất vẫn là mong ước bình an, hạnh phúc, may mắn và sự thịnh vượng. Cũng chính vì vậy mà múa lân sư rồng thường được chọn biểu diễn vào các dịp lễ, Tết lớn trong năm.

Nguồn: [Link nguồn]

Với chủ đề Rồng thăng hoa và ứng dụng công nghệ AR (công nghệ thực tế ảo), những con rồng bay lượn trên đường hoa Nguyễn Huệ (quận 1, TPHCM) xuân Giáp Thìn 2024 khiến du khách đặc biệt thích thú.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Triệu ([Tên nguồn])
Tết Giáp Thìn 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN