Tại sao 4 năm trước Việt Nam rút đăng cai ASIAD 2018?

Sự kiện: Asiad 2023

Từng nhận được sự ủng hộ với số phiếu nhiều nhất, nhưng Việt Nam đã xin không đăng cai ASIAD 2018.

Tại sao 4 năm trước Việt Nam rút đăng cai ASIAD 2018? - 1

Lễ khai mạc ASIAD 2018 đã diễn ra tại Indonesia vào lúc 19h ngày 18/8.

Việt Nam chạy đua đăng cai ASIAD 2018 từ giữa năm 2011

ASIAD 2018 là giải thể thao lớn của châu Á, đang diễn ra tại Indonesia. Tham gia tranh tài ở 462 nội dung thi đấu là tổng cộng 11.000 vận động viên đến từ 45 quốc gia. Để đảm bảo an ninh cho giải đấu, nước chủ nhà Indonesia đã phải huy động tổng cộng hơn 100.000 cảnh sát và chuẩn bị cơ sở vật chất, hạ tầng cùng nhiều công tác liên quan khác.

Hiện, đoàn thể thao Việt Nam đang tham dự ASIAD 2018 với 175 vận động viên nam và 177 vận động viên nữ. Đoàn thể thao Việt Nam đặt mục tiêu giành từ 3 đến 5 HCV, trong đó có các môn thế mạnh là Karatedo, bắn súng, bơi và điền kinh.

Song không phải ai cũng biết, cách đây hơn 7 năm, Việt Nam từng tuyên bố chạy đua đăng cai ASIAD 2018 mà cụ thể là TP.Hà Nội. Sau đó, Việt Nam đã nhận được số phiếu đồng ý lớn nhất từ các thành viên trong khu vực, nhưng rồi chúng ta đã xin rút đăng cai, nhường nhiệm vụ này cho Indonesia như hiện nay.

Cụ thể, ngày 7/6/2011, Việt Nam công bố quyết định chạy đua đăng cai ASIAD 18. Đến ngày 8/11/2012, Hội đồng Olympic châu Á (OCA) đồng ý chọn Hà Nội là địa điểm tổ chức sự kiện với số phiếu là 29, bỏ xa đối thủ duy nhất Surabaya (Indonesia) với chỉ 14 phiếu.

Theo đề án đăng cai, nước chủ nhà Việt Nam sẽ bỏ ra chi phí tổ chức là 150 triệu USD, thấp hơn rất nhiều so với các kỳ ASIAD gần đây. Sự kiện dự kiến diễn ra vào tháng 11/2019, thu hút 12.000 vận động viên đến từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ, tranh tài ở 35 môn thể thao tại 14 địa điểm khác nhau.

Tại sao 4 năm trước Việt Nam rút đăng cai ASIAD 2018? - 2

Đoàn thể thao Việt Nam với cờ đỏ sao vàng trong lễ khai mạc ASIAD 2018.

Vì sao Việt Nam rút đăng cai ASIAD 2018?

Ở thời điểm đó, một số ý kiến cho rằng giành quyền đăng cai ASIAD 18 là thắng lợi quan trọng giúp nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam. Nhưng bên cạnh đó cũng có không ít quan điểm phản bác, đặc biệt là lo ngại vấn đề bội chi.

Sau khi tổng hợp ý kiến, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng các đơn vị liên quan đã có buổi báo cáo với Chính phủ vào chiều 17/4/2014. Sau khi xem xét báo cáo của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, báo cáo của Văn phòng Chính phủ và ý kiến của các đại biểu dự họp, Thủ tướng Chính phủ lúc bấy giờ là ông Nguyễn Tấn Dũng đã ra quyết định Việt Nam không đăng cai ASIAD 2018; và giao Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và UBND TP.Hà Nội khẩn trương làm việc với Hội đồng Olympic châu Á (OCA) và các đối tác liên quan để có phương án phù hợp rút đăng cai, không tổ chức ASIAD 18 tại Hà Nội.

Tại sao 4 năm trước Việt Nam rút đăng cai ASIAD 2018? - 3

Hoàng Xuân Vinh và Nguyễn Thị Ánh Viên là những vận động viên được kỳ vòng sẽ mang huy chương vàng về cho đoàn thể thao Việt Nam.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng kết luận như sau:

1. Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ đã có chủ trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đăng cai tổ chức các sự kiện thể thao khu vực, quốc tế, trong đó có ASIAD vào thời điểm thích hợp nhằm góp phần phát triển thể dục thể thao và kinh tế - xã hội của đất nước. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã tiến hành vận động và được chấp nhận đăng cai tổ chức ASIAD 18 năm 2019 tại Hà Nội.

Chính phủ Việt Nam cảm ơn Hội đồng Olympic châu Á (OCA) đã ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong phát triển thể dục thể thao nói chung và ủng hộ thành phố Hà Nội đăng cai tổ chức ASIAD 18 nói riêng.

2. Việt Nam chưa có kinh nghiệm tổ chức sự kiện thể thao lớn như ASIAD. Việc chuẩn bị đăng cai ASIAD 18 chưa chặt chẽ. Khi vận động đăng cai, chưa có Đề án để bảo đảm tổ chức thành công ASIAD nếu được chấp nhận.

Cho đến nay, Đề án tổ chức ASIAD 18 vẫn chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hiện đang còn nhiều ý kiến chưa đồng thuận về mục đích ý nghĩa và còn khác nhau rất lớn về tổng mức đầu tư cũng như các nguồn kinh phí cụ thể (ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, nguồn xã hội hóa, nguồn thu từ ASIAD).

3. Việc đăng cai và tổ chức thành công các sự kiện thể dục thể thao khu vực, quốc tế sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội và quảng bá hình ảnh, nâng cao vị thế của đất nước. Tuy nhiên nếu tổ chức không chu đáo, không thành công thì sẽ ảnh hưởng ngược lại.

Thực tế qua các sự kiện thể dục thể thao lớn đã được tổ chức tại Việt Nam và trên thế giới cho thấy hầu hết là nguồn thu không bù đắp đủ chi phí và hiệu quả sử dụng nhiều công trình sau khi tổ chức là không cao.

Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, tình hình kinh tế - xã hội của nước ta còn có nhiều khó khăn. Ngân sách nhà nước (cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương) rất hạn hẹp và phải tập trung ưu tiên đầu tư cho nhiều nhiệm vụ hết sức cấp thiết khác.

Mặt khác, việc đầu tư xây dựng mới các hạng mục công trình phải có để phục vụ cho ASIAD 18 theo hình thức xã hội hóa như: Sân đua xe đạp lòng chảo, làng vận động viên, khu thi đấu đua ngựa và 5 môn phối hợp… cũng như dự kiến nguồn thu từ ASIAD để bổ sung cho kinh phí tổ chức là chưa có cơ sở chắc chắc và rất khó đảm bảo.

Sếp VOV: Mua bản quyền ASIAD 18, dù lỗ cũng chấp nhận

“Không đơn vị này thì đơn vị khác phải phân công nhau làm. Không nên để công chúng “xao xác””, ông Nguyễn Thế Kỷ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Phạm ([Tên nguồn])
Asiad 2023 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN