Tai nạn lao động liên tiếp: Lãnh đạo Cục ATLĐ nói gì?

Chỉ trong ngày 18.11, hai vụ tai nạn lao động nghiêm trọng liên tiếp xảy ra ở Hải Phòng và Hòa Bình đã làm nhiều người thương vong. Đâu là nguyên nhân dẫn đến những sực cố này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Anh Thơ - Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Tai nạn lao động liên tiếp: Lãnh đạo Cục ATLĐ nói gì? - 1

Hiện trường vụ sập cần cẩu ở Hải Phòng

Liên tiếp trong những ngày qua, nhiều vụ tai nạn lao động xảy ra, cụ thể là vụ sập mỏ than tại Hoà Bình và vụ sập cần cẩu ở Hải Phòng. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?

Đúng là thời gian gần đây đã xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, các vụ lặp đi, lặp lại. Sập cần cẩu ở Hải Phòng hay vụ sập mỏ than ở Hòa Bình đều là tình trạng lặp lại của nhiều năm trước. Chủ sử dụng lao động đã vi phạm các quy định về an toàn.

Trong vụ sập mỏ than ở Tân Lạc, Hòa Bình, mỏ than được cấp phép thăm dò có lịch sử là mỏ khai thác than thổ phỉ, để lại rất nhiều mối nguy hiểm. Khi các lò than thổ phỉ rút đi, để lại những hố tích nước, bùn đất, rất khó kiểm soát về địa chất. Với những đơn vị thiếu năng lực về khảo sát, đánh giá, không có biện pháp chống đỡ, không có các công nghệ hiện đại nên lò mới bị sập.

Về vụ sập cần cẩu tại Hải Phòng, đây là vụ tai nạn diễn ra vào thời gian không được phép hoạt động tại khu vực đông dân cư đi lại. Việc giám sát hoạt động của các thiết bị và đào tạo công nhân vận hành thiết bị có nhiều sai sót

Vậy nguyên nhân chính của những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng là gì thưa ông?

Hiện nay, việc đào tạo an toàn, chính sách cũng đã có những thay đổi nhất định. Trong các vụ tai nạn gần đây chưa thấy nêu nguyên nhân do đào tạo yếu. Nguyên nhân chính là do các đơn vị vi phạm quy trình vận hành, quy định an toàn và các quy chuẩn trong khai thác mỏ hay thiếu các biện pháp an toàn. Mặt khác, nhiều công nhân chưa được đào tạo kỹ năng vận hành máy móc, thiết bị an toàn. Bên cạch đó, một số đơn vị sử dụng lao động còn lơ là trong việc đào tạo, nên chất lượng bị ảnh hưởng.

Tai nạn lao động liên tiếp: Lãnh đạo Cục ATLĐ nói gì? - 2

Ông Nguyễn Anh Thơ – Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH)

Như ông đã nói, những vụ tai nạn lao động thường có tính lặp lại mặc dù chúng ta có những cảnh báo, kêu gọi liên tục. Vậy, vì sao ý thức kỷ luật lao động của người lao động và doanh nghiệp vẫn chưa tốt, thưa ông?

Có rất nhiều hoạt động thông tin tuyên truyền pháp luật cũng như huấn luyện cho cả người đào tạo, người sử dụng lao động và người lao động. Tuy nhiên, việc kiểm tra và thanh tra chưa tốt nên các vụ tai nạn lao động vẫn thường xuyên xảy ra.

Qua vụ sập hầm mỏ có thể thấy, việc cấp phép do cấp tỉnh quản lý nhưng công tác thẩm định an toàn lao động còn rất nhiều vấn đề, minh chứng là vụ sập mỏ than. Trách nhiệm của địa phương trong việc quản lý ATLĐ thế nào, thưa ông?

Hiện nay, vấn đề cấp phép cho hoạt động kinh doanh nói chung cũng như hoạt động khai thác mỏ, các công trình chủ yếu do các cơ quan chuyên ngành. Các cơ quan lao động chỉ vào hậu kiểm, sau các hoạt động sản xuất kinh doanh rồi mới tiến hành kiểm tra chứ không tham gia từ đầu khi phê duyệt dự án đó. Tuy nhiên, trong luật ATLĐ, các văn bản quy định chi tiết sắp tới sẽ cần phải có những báo cáo đánh giá rủi ro để kiểm soát những nguy cơ tai nạn ngay từ nguồn, ngay quá trình lâp các báo cáo, ngay lúc đầu phê duyệt các dự án. Vì như vậy, kèm theo quá trình phê duyệt dự án đó có những đánh giá về nguy cơ mất an toàn khi chúng ta xây dựng án cũng như tiến hành sản xuất.

Xin cảm ơn ông.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Nguyệt ( thực hiện) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN