Siết chặt quản lý, bác sĩ TQ “bốc hơi”
Sau dư chấn tai nạn chết người tại phòng khám Maria (Hà Nội), nhiều bác sĩ đông y người Trung Quốc bỗng dưng... lặn mất tăm.
Từ vài năm trước, việc các phòng khám đa khoa, chẩn trị bằng y học cổ truyền có sự tham gia của các bác sĩ đông y người Trung Quốc được các cơ sở quảng cáo, thổi phòng vượt mức cần thiết để thu hút sự chú ý của người dân đến khám chữa bệnh. Tuy nhiên, sau sự cố phòng khám Maria (phố Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội) để xảy ra vụ việc chết người cho thấy sự “hoành tráng” của cơ sở không hẳn đã tương thích với trình độ của đội ngũ y bác sĩ người Trung Quốc. Càng đặc biệt hơn, qua vụ việc trên hàng loạt các phòng khám khác với sự góp mặt của các bác sĩ đông y người Trung nay bỗng dưng… lặn mất tăm.
Dừng hoạt động để... nghe ngóng tình hình
Trong vai người đi khám, điều trị bệnh trĩ, chúng tôi có mặt tại phòng khám chuyên về đông y trên phố Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội). Cả phòng khám trông khá rộng rãi nhưng cũng chỉ có một hai người đến khám, điều trị bệnh. Tiếp đón bệnh nhân, một nhân viên ở đây giới thiệu, phòng khám điều trị các bệnh về tiêu hoá như viêm loét dạ dày, viêm đại tràng, viêm hành tá tràng, sỏi mật, viêm gan B, viêm túi mật; các bệnh về cơ xương khớp như viêm đa khớp, viêm thần kinh toạ, phong thấp, tay chân tê bì; các bệnh về tim mạch, tai biến, cao huyết áp; bệnh về tiết niệu, bệnh đường hô hấp, bệnh thần kinh…
Tất cả người bệnh đến điều trị bệnh đều do bác sĩ người Trung Quốc trực tiếp khám và điều trị. Vừa nói, nhân viên này vừa với tay lấy tờ danh thiếp có in tên bác sĩ Hoàng T.H. Thấy tôi thắc mắc, nữ nhân viên này cười mỉm cho biết, đó là bác sỹ người Trung Quốc nhưng gọi bằng tiếng Việt cho dễ nhớ. Ai muốn bác sĩ Trung Quốc khám thì chỉ cần bỏ ra 40.000 đồng: còn mua thuốc điều trị sẽ mất khoảng từ 100.000 – 250.000 đồng/thang thuốc.
Một phòng khám được quảng cáo có bác sĩ đông y người Trung Quốc khám chữa bệnh
Thấy tôi miêu tả về tình trạng bệnh của mình, nhân viên này giải thích: “Thực ra bệnh của anh khá nặng, lại được mổ một lần, nay tái phát nên tốt nhất là anh đến phòng khám tây y để được điều trị. Phòng khám ở đây chủ yếu điều trị bằng châm cứu và dùng thuốc đông y nên chỉ điều trị được bệnh trĩ cở cấp độ nhẹ (độ 1, độ 2), chứ còn nặng hơn có uống thuốc cũng sẽ rất lâu khỏi”?!
Tiếp tục tìm đến các phòng khám đông y Trung Quốc (khu vực đối diện Bệnh viên Bạch Mai), chúng tôi không thấy bất kì phòng khám nào tồn tại. Bác Nguyễn Thành Hưng, người trông giữ xe cho phòng khám tây y ở khu vực này cho biết: “Sau sự cố gây chết người ở phòng khám Maria vừa qua, các phòng khám đông y có sự góp mặt của bác sĩ người Trung Quốc đã giải tán hết rồi. Những phòng khám đông y trước kia thì nay được thay bằng các phòng khám tây y. Mà cậu khám gì, cứ dắt xe vào đây để các bác sĩ khám cho yên tâm?”.
Tương tự, tại một phòng khám đông y khác ở gần bến xe Giáp Bát (trên trục đường Giải Phóng), cũng chỉ lác đác vài ba bệnh nhân ngồi khám chữa bệnh. Tiếp chúng tôi, một nhân viên ở đây tỏ ra cảnh giác cho biết, phòng khám không có bất kì bác sĩ người Trung Quốc nào. Chỉ tay vào dòng chữ Trung Quốc được ghi trên tường, nhân viên này giải thích: “Trước đây, phòng khám hợp tác với phía Trung Quốc, sau khi hết phép, chưa gia hạn phép được nên họ không hợp tác nữa. Hiện chỉ có bác sĩ người Việt Nam khám, điều trị bệnh thôi”. Không khá hơn, một phòng khám khác trên phố Hoàng Hoa Thám (Hà Nội), trước kia rất đông khách đến khám thì nay không một bóng người. Dò hỏi thì nhân viên ở đây trả lời: “Bác sĩ người Trung Quốc đang nghỉ phép. Muốn khám thì đầu tháng sau quay lại?!”.
Bác sỹ đông y Trung Quốc “bốc hơi”
Có thể thấy, do buông lỏng quản lý đối với lĩnh vực y học cổ truyền có yếu tố nước ngoài cho nên mấy năm qua các cơ sở đã không ngừng đầu tư, khuếch trương, thậm chí là thổi phồng quá thực tế trình độ vốn có của đội ngũ y, bác sĩ người Trung Quốc để thu hút, “chặt chém” người bệnh. Sau khi sự việc gây chết người ở phòng khám đa khoa Maria xảy ra, các lực lượng chức năng đã vào cuộc, kiểm tra gắt gao, khiến cho những y, bác sĩ “đỉnh cao” người Trung Quốc đành phải “lặn” mất tăm.
Ngay cả phòng khám đông y có đề tên Trung Quốc tại số 455 đường Giải Phóng cũng dán thông báo để cho bệnh nhân biết: “Phòng khám tạm thời ngừng hoạt động từ ngày 7/8 đến hết ngày 31/8/2012”. Bức xúc trước sự việc này, anh Nguyễn Văn Thắng (Ba Vì, Hà Nội) cho biết: “Người nhà của tôi khám chữa bệnh tại đây, đã mua, sắc thuốc của cơ sở này cả tháng nay, bây giờ tới lấy thuốc về uống tiếp mới té ngửa là họ tạm dừng hoạt động. Không thể có chấp nhận được kiểu làm ăn như vậy được. Họ chỉ biết lợi ích của họ, còn lợi ích người bệnh thì họ bỏ mặc, nhỡ xảy ra sự cố gì thì ai là người chịu trách nhiệm?!”.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Khắc Hiền, giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: Để giám sát hoạt động của các cơ sở, phòng khám đông y có yếu tố nước ngoài, Sở đã chỉ đạo phát mẫu bản cam kết cho các cơ sở, trong đó nêu rõ, nếu có hành vi tái diễn vi phạm thì phòng khám sẽ bị thu hồi giấy phép hoạt động. Ngoài ra, khi kiểm tra phát hiện phòng khám nào có vi phạm sử dụng bác sĩ khám chui (bất kể người Việt Nam hay người nước ngoài) cũng sẽ bị xử lý nghiêm, tịch thu giấy phép và đình chỉ hoạt động.