Sẽ có thêm danh hiệu "danh nhân"?

Dự thảo luật thi đua khen thưởng (sửa đổi) vừa được thảo luận tại Ủy ban TVQH sáng nay (21/3) đã bổ sung hàng loạt các danh hiệu mới: nhà khoa học nhân dân, nhà khoa học ưu tú, và đặc biệt, danh hiệu “danh nhân”.

Theo Ban soạn thảo, danh hiệu “danh nhân” nhằm tôn vinh những người có đóng góp đặc biệt cho đất nước (Quốc Tổ Hùng Vương, Anh hùng dân tộc…)

Ngoài ra, việc xét danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” sẽ tiến hành định kỳ 5 năm một lần thay cho xét hàng năm như hiện nay, nhằm khắc phục tình trạng khen tràn lan.

Thảo luận tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay, GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng không nên có danh hiệu “nhà khoa học nhân dân”. Theo ông Thi, danh hiệu kèm theo hai chữ “nhân dân” chỉ nên gắn với những “nhà” phục vụ nhân dân, cống hiến cho xã hội, những người của công chúng như nhà giáo, thầy thuốc, nghệ sĩ. Nhà khoa học cơ bản là vinh danh thành tựu sáng tạo của họ bằng giải thưởng”. “Có lẽ chả có nước nào có danh hiệu Nhà khoa học nhân dân, bởi như thế có khi lại tầm thường hóa giải thưởng của họ” - ông Thi nói.

Vị giáo sư từng là Hiệu trưởng Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cho rằng “Danh nhân không phải là danh hiệu. Danh nhân là sự vinh danh". Theo ông: "Chúng ta đi khen danh hiệu danh nhân là không phải". Ông đòi hỏi một “sự công nhận nhưng theo một trình tự khác, một thẩm quyền khác và phải được toàn xã hội thừa nhận”.

Sẽ có thêm danh hiệu "danh nhân"? - 1

Phiên họp thứ 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII. Ảnh: TTXVN

Tiếp lời ông Thi, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng bình luận đây là những ý kiến rất sâu sắc. Lấy ngay trường hợp GS Đào Trọng Thi được Tổng thống Nga trao tặng danh hiệu, Phó Chủ tịch nói việc trao tặng đó là “rất cụ thể chứ không "sáng tạo" như ở Việt Nam”.

Nhằm hạn chế tình trạng “quan thi đua”, dự án Luật đã đặt ra các quy định nhằm hạn chế khen thưởng đối với quan chức cấp vụ trở lên. Tuy nhiên, quy định mang tính chất “buộc” này gặp phải sự phản ứng của Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn. “Thành tích đến đâu thì khen đến đó chứ”- ông Sơn chất vấn.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết: Thời gian vừa rồi mình khen cho lãnh đạo nhiều, cán bộ ít, khen nhà nước nhiều, ngoài xã hội thì ít. Do vậy, theo ông: “Sẽ hạn chế từ cấp vụ, trừ những trường hợp có thành tích đặc biệt suất sắc”.

Phó Chủ tịch Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương, bà Thu Hà nói thêm: Vừa qua 90% là khen cán bộ công chức, cán bộ quản lý. Vì thế, theo bà, Hội đồng đã trình 2 phương án: Một là cán bộ từ cấp sở vụ trở lên thì chỉ 20 - 30% được khen thưởng. Phương án 2 là khen quá trình cống hiến theo thời gian công tác, thời gian giữ chức vụ. "Không khen thường xuyên mà thành tích đến đâu khen đến đó. Các đồng chí lãnh đạo phải đảm bảo tiêu chuẩn, chẳng hạn đạt thành tích có ảnh hưởng trên phạm vi toàn quốc”- bà Hà nêu ý kiến.

Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước thì bình luận, cũng từ thực tiễn, rằng hiện có “Nhiều thứ dân gian quá, chúng ta nên đưa vào danh hiệu nhà nước”. Nhắc lại chuyện quốc phục, quốc hoa, ông cho rằng “Không khéo đưa ra nhiều là rối, gây đủ thứ chuyện”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đào Tuấn (Lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN